Samsung sắp đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại cuối cùng tại Trung Quốc?
Quốc tế - Ngày đăng : 07:54, 17/06/2019
Nhưng hiện tại những cửa hàng cùng nhà cung cấp xung quanh khu phức hợp đều đóng cửa im lìm. Một thông báo ngừng tuyển dụng dán ngoài cổng (từ ngày 28.2).
Zhong Ming -cư dân địa phương chứng kiến nhà máy Samsung phát triển 30 năm qua -chia sẻ: “Thực tế thì ngay từ tháng 2 sau Tết Nguyên đán, người ở trấn Trần Giang gần đó đã nghe và truyền tai nhau thông tin Samsung sắp dừng một phần lớn hoạt động sản xuất trong vài tháng tới”.
Samsung đầu năm 2018 ngừng sản xuất thiết bị mạng tại nhà máy Thẩm Quyến. Đến cuối năm tập đoàn lại đóng cửa nhà máy Thiên Tân, nên khu phức hợp Huệ Châu là nhà máy cuối cùng.
Công nhân ở Huệ Châu tiết lộ chuyện không ít đồng nghiệp tự nguyện bị cắt giảm. Một số người dân địa phương, công nhân cùng nhà cung cấp tin chắc rằng khu phức hợp sẽ đóng cửa.
Theo kỹ sư Steve Huang làm việc cho Samsung Huệ Châu 17 năm, số nhân công nhà máy từ 9.000 người năm 2013 nay chỉ còn khoảng 4.000. Ông rất lo lắng về công việc của bản thân.
Năm 2013, Samsung đứng số 1 tại Trung Quốc với 20% thị phần (thị trường điện thoại thông minh). Vậy mà đến năm 2018 hãng chỉ giữ 1% thị phần do sự cạnh tranh khốc liệt từ hãng nội địa như Huawei, Xiaomi, Oppo.
Theo một người cho thuê nhà ở địa phương: “Tháng trước tôi nghe nói có đến vài trăm công nhân nhận được khoản bồi thường từ 10.000 đến 100.000 Nhân dân tệ (1.400 - 14.400 USD) và rời Samsung. Tiền dựa theo số năm làm việc”.
“Giá thuê một phòng từ 500 tệ (72 USD) giảm xuống 200 - 300 tệ mà vẫn chẳng ai thuê”, người cho thuê nhà nói thêm.
Đại diện Samsung Trung Quốc từ chối bình luận thông tin cắt giảm sản xuất, sa thải công nhân nhà máy Huệ Châu trong bối cảnh doanh số giảm và tập đoàn đẩy mạnh kế hoạch chuyển dây chuyền sang nước có chi phí thấp hơn.
Số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy trong quý 1.2019, xuất khẩu điện thoại Samsung từ nhà máy Huệ Châu giảm 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Samsung mất thị phần ở Trung Quốc một phần do bản thân họ không theo kịp chiến dịch tiếp thị lẫn dich vụ do đối thủ nội địa cung cấp. Tuy nhiên nguyên nhân khác là tập đoàn mở rộng hoạt động sản xuất ở Việt Nam, Ấn Độ thậm chí châu Phi.
Đây là chủ trương được thực hiện từ ít nhất 10 năm nay. Đến lúc Mỹ bắt đầu đánh thuế Trung Quốc thì Samsung đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Không chỉ Samsung mà Foxconn -nhà lắp ráp sản phẩm Apple, Cisco, Oracle đều muốn cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc. Động thái này có thể gây tác động nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế - việc làm của quốc gia châu Á, chỗ đứng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong chuỗi giá trị toàn cầu có thể lung lay.
Chủ nhiệm Viện nghiên cứu xã hội đương đại (Thẩm Quyến) Lưu Khai Minh cho biết: “Samsung là doanh nghiệp sản xuất hàng đầu. Nếu họ cắt giảm sản xuất hay hoàn toàn rút khỏi Trung Quốc thì ít nhất 100 nhà máy (của các nhà cung cấp) ở Quảng Đông phải đóng cửa”.
Trước sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu, học giả Vương Tiếp Tư thuộc đại học Bắc Kinh nhắc nhở: “Một số người Mỹ muốn thấy hai nước Mỹ - Trung tạo nên thế phân cực về thương mại lẫn công nghệ. Tuy nhiên Trung Quốc nên tiếp tục hợp tác với các nước khác kể cả Mỹ”.
Cẩm Bình (theo SCMP)