Trung Quốc dùng đất hiếm để trả đũa Mỹ?
Quốc tế - Ngày đăng : 15:00, 29/05/2019
Tờ Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) ngày 29.5 nhắc nhở Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng đối phó cuộc chiến thương mại của Trung Quốc.
Báo còn dùng đến câu cổ văn mang ý nghĩa “sau này đừng hối hận và đừng trách chúng tôi không nói trước”. Đây được xem là lời cảnh cáo ngoại giao nghiêm trọng nhất, từng xuất hiện trên báo chí nước này trước lúc nổ ra chiến tranh biên giới Trung - Ấn 1962, chiến tranh biên giới Trung - Việt 1979.
Lần gần đây nhất Nhân dân Nhật báo sử dụng câu văn trên là khi viết về vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Châu. Canada hiện đang hứng chịu không ít biện pháp trả đũa.
Đề cập về đất hiếm trong bài xã luận 29.5, Nhân dân Nhật báo cho biết không khó để trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có “đánh lá bài” này (hạn chế xuất khẩu) để đáp trả trong chiến tranh thương mại hay không.
Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu (phụ trương Nhân dân Nhật báo) Hồ Tích Tiến ngày 28.5 khẳng định quốc gia châu Á đang nghiêm túc xem xét khả năng hạn chế xuất đất hiếm cho Mỹ, cộng thêm một số biện pháp đáp trả bổ sung khác.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) thì dẫn lời một quan chức Ủy ban Cải cách - Phát triển quốc gia tuyên bố người dân không muốn thấy sản phẩm làm từ đất hiếm Trung Quốc xuất khẩu bị dùng cho việc ngăn chặn họ phát triển.
Đất hiếm là tập hợp 17 nguyên tố ứng dụng rộng rãi trong sản phẩm dân sự lẫn thiết bị quân sự. Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, quốc gia châu Á cung cấp 80% lượng đất hiếm nhập vào Mỹ giai đoạn 2014 - 2017.
Đồn đoán về nguy cơ giới chức Bắc Kinh sử dụng vị thế nhà cung cấp đất hiếm hàng đầu như là biện pháp trả đũa bắt đầu nổi lên khi Chủ tịch Tập Cận Bình vừa đến thăm một công ty khai thác - chế biến mặt hàng này ở tỉnh Giang Tây. Tháp tùng ông là Phó thủ tướng Lưu Hạc - cố vấn thân cận nhận trọng trách dẫn dắt nỗ lực đàm phán thương mại với Mỹ.
Cho đến nay Mỹ vẫn chưa đánh thuế đất hiếm. Trung Quốc năm 2010 từng áp đặt hạn ngạch xuất khẩu với đất hiếm sang Nhật.
Cẩm Bình (theo Bloomberg, Zaobao, Thời báo Hoàn cầu)