Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khai mạc Đại lễ Vesak tại chùa Tam Chúc
Văn hóa - Ngày đăng : 09:35, 12/05/2019
Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 có sự tham gia của lãnh đạo các quốc gia như Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống – Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc; hơn 20 đại sứ và các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam.
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 diễn ra từ ngày 12 đến 14.5 với nhiều diễn đàn, hội thảo thu hút hàng trămtham luận của các chư Tăng, học giả thế giới bàn giải pháp của Phật giáo, đóng góp mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Tong phiên khai mạc, nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tham dự. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu tại buổi lễ. Nhiều lãnh đạo các quốc gia tham dự cũng sẽ có thông điệp chào mừng và thuyết trình tại lễ khai mạc.
Lễ rước 400 xe hoa và nghi lễ tắm Phật là những hoạt động bên lề nhằm góp chung vào tinh thần của Đại lễ Phật Đản 2019 - Ảnh: Như Ý
Đại lễ Vesak 2019 diễn ra từ ngày 12 đến 14.5, với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Bên cạnh đó, Đại lễ Vesak 2019 còn có 5 diễn đàn xoay quanh chủ đề: Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững, cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, về giáo dục, về tiêu thụ có trách nhiệm, Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong khuôn khổ của Đại lễ, bên cạnh các hội thảo, diễn đàn, còn có lễ tắm Phật truyền thống; thuyết pháp ý nghĩa Phật đản; triển lãm văn hóa Phật giáo; hội chợ văn hóa phẩm Phật giáo; khai đăng hoa sen…
Bên trong chùa Tam Chúc
Để chào mừng lễ Phật Đản, đã có hơn 400 xe hoa rước tượng Phật, diễu hành từ chùa Bầu đến chùa Tam Chúc qua các tuyến phố chính và các ngôi chùa trong tỉnh. Các xe hoa được kết bằng hàng vạn bông hoa tươi, hoa lụa đẹp mắt do các đạo tràng của các chùa thực hiện: Đạo tràng chùa Bầu, chùa Hoa Lại, chùa Phú Viên, chùa Châu Xá, chùa Bầu Bảo Lộc…
Nghi thức diễu hành xe hoa trong Đại lễ Phật đản Phật giáo Bắc truyền có nguồn gốc từ Ấn Độ được truyền đến Đông phương. Ngày xưa, nghi thức này được gọi là “Hành tượng” có nghĩa là dùng xe được trang sức bằng châu báu, chở tượng Phật đi khắp phố phường nhân Lễ Phật đản.
Vào đúng 8 giờ, trước cửa chùa Tam Chúc, hàng trăm phật tử mặc áo lam xếp hàng đón khách
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các lãnh đạoPhật giáo thế giới, nguyên thủ nhiều nước tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở chùa Tam Chúc - Ảnh: Ngọc Thành
Trong 3 ngày diễn ra Đại lễ, Ban Tổ chức bố trí một khu nhà ăn rộng 3.200m2 dành cho các đại biểu chính thức. Các Phật tử và nhân dân tham dự Đại lễ sẽ được Ban Tổ chức phát cơm hộp tại khu vực chùa Tam Chúc. Bộ Y tế sẽ giúp đỡ Ban Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khỏe và an toàn thực phẩm cho Đại lễ.
Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế; khẳng định truyền thống lịch sử, giá trị nhân bản của Phật giáo, một tôn giáo hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Từ đó, tăng cường mối quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Giáo hội và các truyền thống Phật giáo các nước trên toàn thế giới; khẳng định vai trò, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức hợp pháp duy nhất đại diện cho tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước.
Đại lễ cũng góp phần khẳng định nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế về tôn giáo; khẳng định vai trò một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của Việt Nam đối với nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong thúc đẩy hòa bình, hòa hợp giữa các tôn giáo và các nền văn hóa; thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hợp Quốc.
Dạ Thảo