‘Make in Vietnam’ là tuyên bố và trách nhiệm của Việt Nam như một quốc gia toàn cầu
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:06, 09/05/2019
Ngày 9.5 tại Hà Nội, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) tổ chức "Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ", lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và với khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”.
Theo thông tin từ Bộ TT-TT, năm 2018, ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) nước ta ước đạt doanh thu khoảng 98,9 tỉ USD, tăng trưởng 8%, trong đó công nghiệp phần cứng - điện tử đạt 88 tỉ USD, công nghiệp phần mềm 4,3 tỉ USD, dịch vụ CNTT 5,7 tỉ USD, và công nghiệp nội dung số trên 800 triệu USD.
Tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 94 tỉ USD, xuất siêu khoảng 26 tỉ USD. Năm 2018, công nghiệp CNTT ước tính đóng góp gần 50.000 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.
Trong tiến trình “Make in Vietnam” (Làm tại Việt Nam), các doanh nghiệp công nghệ chủ động toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ, giải pháp phát triển công nghệ mới. “Make in Vietnam” tập trung trước hết vào công nghiệp công nghệ đã xác định đột phá để tận dụng tối đa cơ hội từ sự phát triển chưa từng có của khoa học công nghệ, từ đó tạo động lực mới cho cả nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian triển lãm - Ảnh: VGP News
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định “Make in Vietnam” sẽ là tuyên bố của chúng ta: Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là để Make in Vietnam. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình.
Ngoài ra, Bộ trưởng Hùng cũng nhấn mạnh “Make in Vietnam” cũng là trách nhiệm của chúng ta như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu. Ngoài việc sử dụng công nghệ của nhân loại thì Việt Nam cũng phải đóng góp cho nhân loại, đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại.
Bộ trưởng phân tích, ngày nay bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Các công ty công nghệ, dù là phát triển công nghệ hay sản xuất công nghệ hay cung cấp công nghệ như là dịch vụ, là nhân tố quan trọng nhất để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào tất cả các doanh nghiệp, vào toàn bộ nền kinh tế và xã hội. Chính vì thế, phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được coi là ưu tiên số 1.
Người đứng đầu Bộ TT-TT cho rằng muốn có các doanh nghiệp công nghệ thì việc tạo ra thị trường có lẽ là quan trọng nhất. Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia, nếu Chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu để sinh ra các công ty công nghệ.
Cần Quỹ phát triển công nghệ Việt Nam
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nói đến đổi mới sáng tạo thì không thể không nói đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - những startup.Việt Nam chúng ta cũng rất cần các khởi nghiệp công nghệ; đặc biệt là những công ty khởi nghiệp, bước đầu là sử dụng công nghệ của nhân loại để phát triển các giải pháp, sản phẩm hoặc cung cấp các dịch vụ công nghệ cho các công ty khác đổi mới công nghệ.
Bộ trưởng Hùng cho rằng chính những công ty công nghệ quymô nhỏ sẽ tạo nên một cuộc cách mạng toàn dân về phát triển và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Việt Nam luôn thành công khi phát động được toàn dân. Và cũng chính từ hàng chục, hàng trăm ngàn những khởi nghiệp công nghệ này sẽ hình thành nên một số người khổng lồ công nghệ Việt Nam.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, chúng ta cũng cần một Quỹ để phát triển công nghệ Việt Nam; sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn khi đây là một Quỹ của toàn dân Việt Nam, của người Việt Nam trên toàn cầu…
Thu Anh