Nợ thuế không có khả năng thu hồi hơn 37.500 tỉ đồng
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:34, 19/04/2019
Thông tin trên được Tổng cục Thuế đưa ra tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ Quý I và tiếp tục triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý thuế năm 2019 chiều 18.4.
Tổng cục Thuế đánh giá vấn đề nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng. Cụ thể, theo báo cáo, tính đến 31.3 vừa qua, số nợ đọng là 82.972 tỉ đồng, chiếm 7,1% tổng số dự kiến thu nội địa năm 2019, tăng 8,7% (tăng 6.644 tỉ đồng) so với thời điểm 31.12.2018; giảm 0,8% (tương ứng giảm 686 tỉ đồng) so với cùng kỳ năm 2018 (31.3.2018). Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 45.332 tỉ đồng, chiếm 54,6% tổng số tiền thuế nợ thuế và nợ không còn khả năng thu là 37.640 tỉ đồng, chiếm 45,4% tổng số tiền thuế nợ thuế.
Tình hình nợ đọng thuế trong quý I/2019 diễn biến phức tạp và đang có xu hướng tăng dần lên qua các tháng. Theo Tổng cục Thuế, ngoài nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật thuế của một bộ phận người nộp thuế chưa cao, chưa nộp đúng, đủ, kịp thời số phát sinh phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật thì còn có nguyên nhân chủ quan do các đơn vị quản lý nợ chưa áp dụng triệt để các biện pháp đôn đốc cưỡng chế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế nên hiệu quả công tác thu nợ chưa cao.
Nợ đọng thuế tăng ở hầu hết các địa phương, ngoài nguyên nhân khách quan, tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán, ngừng hoạt động, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, tự giải thể, phá sản và một bộ phận người nộp thuế ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao và số nợ thuế của nhiều năm trước tồn đọng kéo dài không thu hồi được, số tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày tăng lên thì nguyên nhân chủ quan là do:
Các doanh nghiệp kê khai thuế tháng 12.2018, quý IV/2018 và quyết toán thuế năm 2018 phát sinh thuế phải nộp nhưng chưa nộp kịp thời, đúng hạn vào ngân sách nhà nước.
Qua kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 tại các địa phương, Kiểm toán nhà nước kiến nghị ghi tăng thêm số nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (3.440 tỉ đồng) của các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng, chưa đi vào khai thác sử dụng, cơ quan thuế đã kiến nghị UBND địa phương, Bộ Tài nguyên môi trường thu hồi đất, thu hồi dự án và Cục Thuế các địa phương chưa tổng hợp vào tổng số nợ đọng.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế nhìn nhận dù kết quả thu ngân sách nhà nước quý I/2019 đạt khá so với cùng kỳ nhiều năm qua, tuy nhiên, so với mục tiêu phấn đấu đã giao tại Quyết định số 238/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế, thu ngân sách quý I mới đạt 23,9%, một số khoản thu lớn và địa bàn trọng điểm thu còn chậm so với yêu cầu đề ra.
Cụ thể: Một số khoản thu đạt tỷ lệ còn thấp như: Thuế bảo vệ môi trường đạt 18,4%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 13,2%; tiền thuê mặt đất, mặt nước đạt 21,4%; thu cổ tức và lợi nhuận được chia đạt 13,9%; một số tỉnh, thành phố tỷ lệ thu so với dự toán pháp lệnh chưa cao như: Đồng Nai đạt 21,3% dự toán pháp lệnh, Lào Cai 21,2%, Phú Thọ 20,2%, Hà Giang 18,6%, Sơn La 17,6%; Tình hình nợ đọng thuế còn phức tạp, mặc dù trong quý I/2019 đã truy thu được 7.450 tỉ đồng, nhưng lại phát sinh các khoản nợ đọng mới.
Tiến độ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại địa phương còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ kế hoạch, chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra tại một số địa bàn chưa cao. Tính đến cuối quý I/2019 toàn quốc mới thực hiện đạt 9,28% kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo Quyết định số 133/QĐ-TCT (thanh tra đạt 6,42%, kiểm tra đạt 9,54% so với kế hoạch).
Công tác chống thất thu đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ, cá nhân kinh doanh tại một số địa bàn còn chưa được triển khai quyết liệt, chưa phối hợp tốt với các cơ quan trên địa bàn để xác định đúng doanh số, áp dụng mức thuế khoán đối với các hộ, cá nhân kinh doanh chưa phù hợp với thực tế, đặc biệt là đối với một số lĩnh vực như: cho thuê nhà, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải...
Tuyết Nhung