Khi nào thì cần làm xét nghiệm sán lợn?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:31, 20/03/2019
Vừa qua có nhiều học sinh của một trường mầm non ở Bắc Ninh được phát hiện nhiễm sán lợn. Tôi có con nhỏ đang học mẫu giáo nên cũng rất lo lắng.
- Xin hỏi bác sĩ, có phải cho trẻ đi xét nghiệm định kỳ để phát hiện giun sán, sán lợn hay không? Khi nào thì cần đi làm xét nghiệm sán lợn?(Ngô Hà Bảo Trân, 32 tuổi, ngụ Đồng Nai)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết:
Giun sán có mặt rất nhiều trong môi trường, trong đất, trong rau không sạch, trong phân, nước miếng của động vật. Vì vậy, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường rất quan trọng. Để phòng bệnh giun sán chung, cần ăn sạch, uống sạch, rửa tay và xổ giun định kỳ.
Giun sán có nhóm ký sinh trên người và nhóm ký sinh trên động vật khác.
Nếu giun sán ký sinh trên người thì khi vào cơ thể qua đường tiêu hóa hay qua da cũng sẽ di chuyển vào ruột người để thải ra môi trường nhằm nhân giống.
Nếu loại giun sán ký sinh trên động vật khác thì khi vào cơ thể người, có thể đi lạc lên các cơ quan khác (nhưng tình huống này rất hiếm), thường là lên da, nguy hiểm nhất là lên não.
Về việc xét nghiệm máu tìm xem có nhiễm giun sán không: Đa số khi giun sán vào cơ thể người sau một thời gian cơ thể người sẽ tự thải ra. Thế nhưng xét nghiệm vẫn dương tính rất lâu. Cho nên dù xét nghiệm dương tính nhưng trong người có khi đã không còn giun sán nào cả.
Vì vậy, chỉ bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da (thường có triệu chứng nổi sần, nổi cục trên da), dấu hiệu ở não (như co giật, hôn mê, yếu liệt chi) hoặc bác sĩ điều trị nghi ngờ có ký sinh trùng mới cho chỉ định xét nghiệm.
Trẻ nhỏ hay người lớn nếu không có triệu chứng gì thì không cần thiết phải xét nghiệm sán lợn hay ký sinh trùng.
Điều quan trọng là, nếu nghi ngờ ăn phải gì đó mà có thể nhiễm giun sán thì biện pháp xử trí là uống thuốc xổ giun; xổ giun định kỳ 6 tháng/lần.
Theo Báo Thanh Niên