Chợ ‘từ thiện’ xứ cù lao Ông Chưởng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:07, 01/03/2019
Từ trung tâm tỉnh - con đường ngắn nhất để đến chợ “từ thiện”, phải qua bến phà An Hòa nối Long Xuyên - Chợ Mới, tiếp đó chạy dọc theo đường Rạch Chanh, đến TT.Chợ Mới. Sau đó men theo tỉnh lộ 942, qua địa phận 2 ấp Hòa Hạ, Hòa Trung đến phà Thuận Giang, tầm 4km là đến địa phận ấp Hòa Thượng cũng thuộc xã Kiến An, (H.Chợ Mới, tỉnh An Giang), mới đến chợ.
Cái chợ vùng quê nhưng mê đắm tình người
Chợ quê ở đây bày bán như bao khu chợ khác, từ thịt, cá, rau, củ, trái cây, đồ ăn, thức uống. Sở dĩ có cái tên là chợ “từ thiện” là do nơi đây tập họp hơn 30 tiểu thương, bày bán theo lặt vặt, nhỏ lẻ từ mớ rau, con cá,… nhưng đa số các tiểu thương ở chợ đều tham gia làm từ thiện.
Chị Đoàn Thị Lam - tiểu thương tham gia Tổ từ thiện rất nhiệt tình - Ảnh: Tô Văn
Chị Đoàn Thị Lam (36 tuổi, ngụ ấp Hòa Thượng, xã Kiến An, H.Chợ Mới), tiểu thương tại khu chợ, thổ lộ:“Cái này xuất phát từ tình người, khi thấy những mảnh đời khổ hơn mình, thì tình thương người của tui trỗi dậy. Vì vậy ngày qua ngày, bỏ ống chút ít, gom góp được số tiền nhỏ để giúp người. Ở đây ai muốn tham gia đóng góp, được hết. Nếu mà ai dư dảđôi chút thì góp vào mỗi tháng”.
“Từ ngày thành lập chợ cho đến bây giờ, bà con tiểu thương quanh khu chợ hễ thấy người gặp cảnh khó khăn, đau yếu, là họ góp tiền giúp đỡ. Từ gạo, mì, những nhu yếu phẩm trong sinh hoạt, cho đến tiền bạc, cất nhà tình thương, mua BHYT,… tùy theo hoàn cảnh khó khăn của mỗi người được giúp.
Như trường hợp của gia đình bà Trần Thị Bòn, ngụ ấp Hòa Bình, xã Kiến An thuộc dạng hộ neo đơn, không ruộng đất. Thu nhập của bà, chủ yếu từ việc mua bán rau cải, để kiếm sống qua ngày. Năm nay bà Bòn đã ở tuổi 65, sức yếu vai gầy nhưng vẫn không thể cất được căn nhà tránh nắng che mưa.
Thấy hoàn cảnh của bà Bòn như thế, nên tụi tui trong chợ vận động rỉ tainhau, người có nhiều góp nhiều, có ít góp ít và phối hợp với Hội Chữ thập đỏ của xã cất cho bà Bòn căn nhà mới, trị giá gần 40 triệu đồng”,chị Lam bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Loan, vừa chở hàng từ Long Xuyên chạy về, trải lòng: “Ngoài trường hợp của bà Bòn còn có mộttrường hợp đáng thương hơn. Đó làcụ bà Trịnh Thị Hạnh, ngụ ấp Hòa Thượng trong xã, năm nay đã ở cái tuổi 72, nhưng mỗi ngày cụ phải lặn lội bán từng tờ vé số để có tiền nuôi người con út đã ngoài 30 tuổi bị căn bệnh tâm thần và 2 đứa cháu nhỏ, đang tuổi đến trường”.
Bà Hạnh có 5 người con lớn đều đã lập gia đình và cuộc sống của họ nghèo rớt mồng tơi, quanh quẩn với việc ai thuê gì làm nấy. Thời gian trước, công việc bán vé số giúp cụ kiếm khoảng 100.000 đồng/ngày, chính quyền địa phương hỗ trợ thêm, vì gia đình cụ thuộc diện hộ nghèo, ít nhiều cũng trang trải cuộc sống, lo cho con cháu.
Bà Tư Phước tuy tuổi đã già cũng tham gia đóng góp ít tiền hỗ trợ từ việc bán cá - Ảnh: Tô Văn
Nhưng mấy tháng nay, tay cụ bị nhiễm trùng phải nằm viện điều trị, nên việc bán vé số của cụ bị gián đoạn. Chị em phụ nữ chợ từ thiện đã quyên góp hỗ trợ cho cụ hơn 4 triệu đồng để làm chi phí đi lại, ăn uống. Bởi tiền thuốc men, viện phí đã có BHYT hỗ trợ”.
PV ghé thăm gia đình bà Hạnh. Trong căn nhà vách thiếc, ẩm thấp, con rể của bà Hạnh trải lòng: “Mấy tháng trước, bà già bị bệnh cái tay rất nặng, việc bán vé số tạm gác lại nên khó khăn chồng khó khăn, tiền đi điều trị tại Long Xuyên khá cao nên gia đình xoay trở khó. Cũng may nhờ mấy cô trong tổ từ thiện trong chợ biết hoàn cảnh của bà già tôi nên ủng hộ cho bà già được vài triệu đồng.
Nhờ số tiền đó mà bà già tôi đã trị hết bệnh dưỡng sức đi bán vé số tiếp để mưu sinh. Tôi rất vui và cảm ơn mọi người trong chợ đã yêu thương và giúp đỡ. Hoàn cảnh như bà già tôi rất nhiều. Tôi mong muốn nhân rộng mô hình này để giúp đỡ những người khó hơn”.
Khách đi chợ cũng tham gia làm từ thiện
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kiến An, cho biết: “Xuất phát từ cái tình người của tiểu thương chợ, nên Tổ Phụ nữ xã hội từ thiện chợ Thuận Giang ra đời. Ở đây, các chị em tiểu thương chợ đã giúp đỡ cho hằng trăm trường hợp, hằng chục ngôi nhà tình thương, thẻ BHYT,… chủ yếu đối tượng người bệnh tật, đau yếu, neo đơn,… với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng”.
Những người được các chị hỗ trợ đa phần là do hội viên trong tổ biết được hoàn cảnh, hoặc do chi hội phụ nữ ấp giới thiệu. Từ khi Tổ Phụ nữ xã hội từ thiện thành lập cho đến nay, tuy chưa từng qua cuộc hội họp nào nhưng vẫn thu hút số tổ viên tham gia ngày một tăng lên đáng kể, hiện đã có hơn 30 người.
Hàng tháng vào ngày 30 âm lịch, là các tổ viên góp tiền làm quỹ, theo khả năng của mỗi người. Số tiền quỹ của tổ thường chưa đến 3 triệu đồng, nhưng khi có người cần giúp, số tiền vượt quá nguồn quỹ hiện có, các chị cũng sẵn sàng hỗ trợ từ tiền túi của mình không màng đến quỹ.
Những người bó hành cũng tham gia 1 ngày công cho quỹ từ thiện - Ảnh: Tô Văn
Lúc ban đầu mới thành lập, chỉ là những chị em tiểu thương trong chợ, việc làm của mấy chị ngày càng có nghĩa, giúp đúng người, đúng đối tượng nên dần dần số tổ viên không chỉ gói gọn ở khu chợ, mà còn được quy tụ thêm từ chính những người khách đi chợ.
Với những việc làm ý nghĩa ấy, hiện tại Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kiến An đã đứng ra, lập lại danh sách người tham gia, ghi lại các hoạt động của các chị, số tiền cho đến hiện vật các chị hỗ trợ cho bà con, để làm căn cứ biểu dương, nhân rộng.
Dương Tô Văn