Lãnh đạo SSI, Capital Dragon hiến kế phát triển thị trường chứng khoán Việt
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:39, 24/02/2019
Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng khẳng định sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong vòng 18 năm qua là không thể phủ nhận, từ chỗ là một thị trường non trẻ đến việc trở thành một trong những kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Ông Hưng cho rằng để các nhà đầu tư quan tâm, có niềm tin vào thị trường, coi TTCK là kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp bên cạnh hệ thống ngân hàng thương mại thì TTCK phải minh bạch, nhà đầu tư thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia thị trường.
"Nếu coi TTCK là kênh song song với ngân hàng thì phải xây dựng thể chế để cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng thương mại, nếu chỉ nghĩ phát triển TTCK dựa vào ngân hàng thì TTCK sẽ không thể phát triển được", ông Hưng nói.
Qua đó, ông Hưng kiến nghị cần đưa ra những quy định, yêu cầu khắt khe hơn cho các doanh nghiệp nằm trong các rổ chỉ số, đồng thời cho phép các tổ chức tài chính trung gian được xây dựng các chỉ số. Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước như ủy ban chứng khoán hay sở giao dịch chứng khoán chỉ còn đóng vai trò quản lý, chấp nhận hay không chấp nhận chỉ số, các chỉ số khi đó sẽ gắn với thị trường hơn.
Đồng tình với quan điểm của đại diện SSI về tầm quan trọng của tính minh bạch thông tin, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương và đại diện Công ty Kiểm toán Deloitte kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cần xây dựng các nguyên tắc kế toán, kiểm toán phù hợp thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó cần tiếp tục đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về chuẩn mực kế toán, kiểm toán, đặc biệt nâng cao trách nhiệm của nhân viên kế toán, kiểm toán, công ty kiểm toán trong bản cáo bạch cũng như báo cáo tài chính để nhà đầu tư yên tâm vào thông tin, ra quyết định đầu tư.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Capital Dragon cho rằng năm 2018, chỉ số TTCK Việt Nam có giảm nhưng niềm tin của nhà đầu tư, công ty niêm yết, thành viên thị trường vẫn tương đối ổn định. Năm 2018, Việt Nam thu hút vốn ngoại một cách ấn tượng trong khi các nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường khác trên thế giới.
Giá trị vốn hóacủa thị trường trái phiếu Chính phủ là trên 50 tỉ USD, chiếm 20%GDP; lãi suất thực mà ngân sách phải chịu/vốn vay quốc gia giảm đáng kể so với nhiều năm trước đã tạo ảnh hưởng tích cực cho chi phí vay của doanh nghiệp. Sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đã minh chứng sự sáng tạo trong điều hành của ngành Tài chính. Chất lượng quản trị, minh bạch không ngừng được cải thiện, ảnh hưởng lớn đến sự tin tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Dominic cũng nêu các vấn đề kiến nghị liên quan đến vấn đề phát triển các quỹ đầu tư, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; nới room cho các nhà đầu tư. Đáng chú ý, theo ông Dominic, ở các nước, các nhà đầu tư có tổ chức thường chiếm từ 50%-70%, còn lại là các nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, tại Việt Nam tỷ lệ này ngược lại, sự thiếu vắng của các tổ chức đầu tư, các định chế, các nhà đầu tư chuyên nghiệp gâynhiều khó khăn cho các doanh nghiệp cần nhà đầu tư tin cậy, mạnh, có trách nhiệm; gây khó khăn cho các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam có nhu cầu về các sản phẩm an toàn, phù hợp, lâu dài, chuyên nghiệp; làm thị trường mất sự đa dạng về thành phần.
Do đó, ông Dominic kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan sớm giải quyết các vướng mắc còn lại để thành lập các quỹ hưu trí tự nguyện cũng như mở đường cho tất cả các loại hình sản phẩm đầu tư, phục vụ cho nhà đầu tư Việt Nam.
Trước kiến nghị đến từ các doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước phối hợp với với các Bộ ngành liên quan tập trung triển khai những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu liên quan đến việc hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát, trọng tâm là trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi đảm bảo tiệm cận với các thông lệ tốt nhất của quốc tế, phù hợp với các Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư,..; Tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ TTCK đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2020, quy mô thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, 120%GDP vào năm 2025; quy mô thị trường trái phiếu đạt khoảng 47%GDP vào năm 2020, 55%GDP vào năm 2025; số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 phải tăng ít nhất 20% so với năm 2017; số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số của năm 2020; 5% của 2025;
Đảm bảo hợp lý cơ cấu giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời tạo cơ chế để phát triển cơ cấu nhà đầu tư chuyên nghiệp trên TTCK; Đa dạng hóasản phẩm trên TTCK trong đó triển khai các sản phẩm chứng quyền có đảm bảo, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, hợp đồng tương lai trên chỉ số mới ngoài chỉ số VN30 trước năm 2020; Nâng chỉ tiêu an toàn tài chính của các chỉ số chứng khoán so với thời điểm hiện tại;…
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: "Muốn đi nhanh thì có thể đi một mình, nhưng muốn đi xa và về đích thì nên đi cùng nhau. Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp, dù là đại chúng hay không phải là đại chúng, doanh nghiệp niêm yết hay chưa niêm yết, các thành viên thị trường hãy cùng nắm tay nhau để cùng đi xa và về đích để có TTCK phát triển nhanh, mạnh, bền vững, an toàn".
Tuyết Nhung