Top những phim hoạt hình xuất sắc ‘không dành cho trẻ em’

Văn hóa - Ngày đăng : 07:22, 13/01/2019

Lột tả một số vấn đề nhân văn đa chiều, có lúc gai góc - đen tối, top dự án hoạt hình nổi bật dưới đây là những trải nghiệm thú vị với rating ‘chỉ dành cho người lớn’.

Dẫu thường được công nhận là sản phẩm phục vụ thiếu nhi, phim hoạt hình có thể phức tạp hơn thế. Khác với phim ảnh truyền thống chịu chi phối ở ý niệm tả thực, nghệ thuật hình họa mang tiềm năng giúp người làm phim mở rộng ‘chân trời’ sáng tạo vô hạn. Đặc biệt khi truyền tải yếu tố nhạy cảm (sex, bạo lực, kinh dị,..), đôi khi không gì gợi dấu ấn khó quên như thể loại hoạt hình.

1. Belladonna of the Sadness (1973)

Tác phẩm chính kịch kinh dị ra mắt năm 1973 là dự án nổi danh của một trong những bậc thầy ngành hoạt hình - Osamu Tezuka. Mặc dù được mệnh danh như ‘Walt Disney’ tại Nhật Bản với nhiều phim gây tiếng vang toàn cầu (“Astroboy,” “Kimba the White Lion,”..), ông đồng thời khẳng định tên tuổi từ thể loại hoạt hình 18+. Ví dụ tiêu biểu là “Belladonna of the Sadness,” câu chuyện gây ám ảnh xoay quanh tình yêu, đức tin và thù hận, được thể hiện bằng phong cách họa hình màu nước tuyệt đẹp.

Nữ chính - Jeanne, cô gái thôn quê hiền lành bị một gã nam tước cưỡng bức ngay sau ngày cưới. Người chồng bất lực đứng nhìn và thậm chí buộc cô quên đi sự việc nếu muốn tiếp tục sống yên ổn. Nỗi đau cùng sự uất hận, tuy nhiên, khiến Jeanne đồng ý thỏa hiệp với một con quỷ hòng có được phép thuật, trả thù kẻ đã hãm hại cô.

“Belladonna of the Sadness” lấy cảm hứng lớn từ phong trào đấu tranh vì nữ quyền đương thời ở nước Nhật. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là một phụ nữ nỗ lực giành lại vị trí, quyền lợi, một phần thông qua ý niệm tự do tính dục.

2. Fritz the Cat (1972)

Nếu tại phương Đông, Tezuka là một trong những nhà làm phim hoạt hình có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đối với khán giả Hoa Kỳ, Ralph Bakshi tạo ấn tượng tương tự. Gợi nhắc nhiều nhất về ông, đến nay không thể không kể đến tựa hoạt hình ‘người lớn’ gây tranh cãi: “Fritz the Cat”.

Phim là dự án hoạt hình đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Mỹ nhận mức rating 18+ vì nội dung đậm chất bạo lực và hình ảnh gợi dục. Thế nhưng đây lại là điểm đặc biệt khiến “Fritz the Cat” trở thành một đề cử hoạt hình khó quên suốt hàng thập niên.

Đặt bối cảnh ở thành phố New York giả tưởng với vô số cư dân động vật, bộ phim theo chân ‘chàng mèo’ Fritz - kẻ sống thuần chất theo chủ nghĩa khoái lạc, trong cuộc phiêu lưu kỳ quặc gồm những pha truy đuổi của cảnh sát, nhiều vụ nổ và đâm xe, đan xen cảnh nóng lẫn giết chóc thô bạo.

“Fritz the Cat” ẩn chứa góc nhìn về loạt hiện tượng văn hóa đang trổi dậy lúc bấy giờ tại Bắc Mỹ: làn sóng bài Do Thái, chống kỳ thị chủng tộc, cuộc chiến thuốc phiện, kể cả trào lưu ‘tự do tình dục’ (Free-Love). Kết quả có được là một tựa phim độc đáo, chân thật duy không kém phần thô ráp, đen tối.

3. Immortal (2004)

“Immortal” phác họa một tương lai xa xôi khi con người lắp ráp máy móc hỗ trợ vào cơ thể, nhằm tận hưởng lối sống tiện nghi hơn. Phía trên tất cả, trong tòa kiến trúc nổi hình kim tự tháp là nơi trú ngụ của nhóm thần linh ‘canh giữ’ thành phố. Horus - thần của bầu trời, lúc này đang chịu phán xét và trừng phạt từ những vị thần khác. Trước lúc đối diện cái chết, Horus buộc phải tìm ra một con người ‘nguyên thủy’ để chiếm hữu thân xác cũng như một phụ nữ đủ khả năng sản sinh hậu duệ cho thần. Bạo lực, sex và ‘cuộc đấu tranh’ tâm lý diễn ra tiếp nối sau đó trên phim, gợi nên nhiều câu hỏi giá trị về đời người, về giấc mơ được sống bất tử tiềm ẩn nơi mỗi chúng ta.

Sử dụng kĩ thuật đồ họa CGI tân tiến kết hợp thiết kế hình họa cổ điển, dự án phim tiếng Pháp “Immortal” dựng nên thế giới tương lai giả lập lôi cuốn với không ít nhân vật sống động nhưng vẫn đậm nét kỳ ảo. Cùng với đó, kịch bản có chiều sâu tạo thành một đề cử hoạt hình thú vị hiếm có.

4. Afro Samurai Resurrection (2009)

Bộ phim từng đoạt giải vàng Emmy ở hạng mục Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc là dự án tâm huyết từ đạo diễn Takashi Okazaki, với ngôi sao gạo cội Samuel L.Jackson tham gia lồng tiếng nhân vật chính.

“Resurrection” là bản hậu truyện của tác phẩm hoạt hình nổi tiếng “Afro Samurai”. Sau khi samurai ‘tóc xù’ Afro trả được mối thù giết cha, gã vướn vào rắc rối mới. ‘Ác mộng’ quá khứ gây nên bởi những kẻ Afro từng sát hại tiếp tục truy đuổi kiếm sĩ da màu.

Cốt truyện 18+ gây cấn, tuy nhiên, chỉ là phương tiện giúp truyền tải trải nghiệm hình họa - dựng phim đầy phong cách. “Resurrection” phối hợp nhuần nhuyễn nét ‘tĩnh’ ở dòng phim võ thuật Á Đông truyền thống, với văn hóa hip-hop rực sắc màu của phương Tây. Những cảnh hành động trên phim mượt mà dẫu không kém giật gân, lồng ghép giữa phân đoạn khỏa thân nóng bỏng.

5. Wicked City (1987)

Thiên về trường phái tâm lý kinh dị phải nhắc đến “Wicked City” - tựa phim thành công nhất của nhà văn, đạo diễn Kawajiri Yoshiaki. Truyện phim xoay quanh một thực tại viễn tưởng nơi thế giới loài người tồn tại song song thế giới Bóng tối, chốn quỷ dữ trú ngụ. Dưới tư cách những ‘lính gác,’ nam chính Taki, một con người, và Makie, một nữ quỷ, cùng hợp tác trong nhiệm vụ quan trọng hòng duy trì hòa bình giữa 2 thế giới.

“Wicked City” nhấn mạnh vào yếu tố hành động, cảnh nóng cũng như chi tiết kinh dị rùng rợn. Một số cảnh trong đó nhân vật ác quỷ ‘chuyển mình’ lộ diện dáng hình thật để lại dấu ấn kỳ lạ, khiếp sợ với người xem.

6. Anomalisa (2015)

Trái ngược đa số tựa hoạt hình ‘người lớn’ vốn chủ trương khai thác yếu tố bạo lực, gợi dục, “Anomalisa” lột tả một câu chuyện nhẹ nhàng - đậm chất nhân văn dù không sử dụng nhân vật người thật nào. Bộ phim dựng theo phong cách hoạt hình tĩnh ‘hút hồn’ bởi ấn tượng riêng biệt.

Chuyên viên phục vụ khách hàng Michael Stone du hành đến Cincinnati để quảng bá cho tựa sách ông vừa hoàn tất. Michael thường xuyên làm công việc giao tiếp, trớ trêu thay, lại không thể phân biệt giọng nói - gương mặt những người xung quanh. Người thân hay bạn bè, kể cả vợ và con trai, với Michael, đều có chung một giọng nói, khuôn mặt mờ ảo. Điều này khiến Michael khó mở lòng với bất kì ai ông tương tác. Cho đến một ngày ông gặp Lisa, người tham gia chung buổi hội thảo quảng bá sách với Michael, người phụ nữ đầu tiên ông nhận ra tiếng nói lẫn gương mặt.

Từ đầu, khán giả đã dễ dàng cảm nhận sức hút lạ lùng ở đôi tình nhân oan trái trong “Anomalisa.” Phân đoạn quan hệ thân mật giữa cả hai gây tranh cãi với công chúng, nhất là khi trước đây, ý tưởng dùng con rối diễn cảnh nóng trong thể loại hoạt hình thường bị giễu cợt.

Cho dẫu được liệt kê như một phim “tâm lý hài,” dự án từng nhận đề cử Oscar của Charlie Kaufman thể hiện xung đột gia đình - xã hội cũng như nhiều như chi tiết gây cười. Mặt khác, vì phim dựng hoàn toàn dưới dạng hoạt hình tĩnh, những nhân vật trên màn ảnh được phép kể câu chuyện rung động của họ theo cách chưa từng có.

7. Ghost in the Shell (1995)

“Ghost in the Shell” là thương hiệu hoạt hình 18+ nổi tiếng thế giới, và có thể nói, là đề cử tiêu biểu hàng đầu ở thể loại cyberpunk (dòng phim người máy, viễn tưởng). Tuy nhiên, tựa phim đầu tiên phát triển từ nguyên gốc truyện tranh tập trung nhiều vào vai trò con người, với mục tiêu giải đáp câu hỏi muôn thuở về chỗ đứng của nhân loại trong thời đại công nghệ.

Khi máy móc tân tiến đến mức chúng được sử dụng để mô phỏng hoàn mỹ cuộc sống con người, liệu chúng ta có thể đảm bảo những thứ chúng ta chạm vào, ghi nhớ, đều ‘thật’? Cốt truyện tác phẩm lấy bối cảnh ở một thế giới nơi mỗi người được quyền ‘nâng cấp’ cơ thể bằng máy móc, thậm chí tái lập tất cả bộ phận sinh học. Và nơi đây, bộ não người được bao quanh bởi một ‘vỏ bọc’ máy với khả năng kết nối mạng internet. Trong thế giới ấy, nhận thức con người tựa một ‘bóng ma’ bị giam giữ vĩnh viễn phía trong cái vỏ cơ thể.

Phim theo chân Mokoto Kusanagi, một nữ quân nhân đã được ‘nâng cấp’ với vỏ bọc máy, trong cuộc truy đuổi Kẻ Khiển Rối - tên tội phạm máy tính nguy hiểm nhất thế giới. Phát hành năm 1995, “Ghost in the Shell” đã tạo cảm hứng cho hàng loạt tác phẩm hoạt hình cũng như phim điện ảnh đương đại, đơn cử là series hành động ‘Matrix.’ Đến nay, phim vẫn được công nhận như một trong những dự án hoạt hình nổi tiếng nhất mọi thời đại.

Như Ý (nguồn: Scene360)

nhu y