Có gì trong ‘Ủ’ của nữ họa sĩ Nguyễn Hiền?
Văn hóa - Ngày đăng : 18:58, 05/01/2019
Ngày 4.1.2019,triển lãm "Ủ"với tâm huyết mười năm hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Hiền Nguyễn đã khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, triển lãmthu hút công chúng yêu nghệ thuật đến thưởng thức.
"Ủ" của Nguyễn Hiền gồm 88 bức tranh, trong đó sơn mài chiếm số lượng lớn nhất 61 bức với nhiều tranh khổ lớn, sơn dầu có 14 bức, đồ họa in độc bản và thủ ấn họa có 13 bức. Đây không chỉ cuộc triển lãm của riêng họa sĩ, mà có thể trở thành niềm cảm hứng, thành động lực với những ai muốn theo đuổi con đường sáng tạo, thường lâu dài và khó khăn.
Trong dịp này, nữ họa sĩNguyễn Hiền giới thiệu đến với công chúng yêu tranhmột phong thái tạo hình khác biệt, với chất liệu sơn mài truyền thống, cùng các chất liệu khác như sơn dầu, đồ họa mà họa sĩ theo đuổi không giới hạn, va chạm và tìm tòi, thử nghiệm và bài bản, cảm xúc và lý trí.
Một góc phòng trưng bày triển lãm "Ủ" của Nguyễn Hiền
Thông qua ngôn ngữ tạo hình,nữ họa sĩ Nguyễn Hiền đã chứng minh rằng sức biểu cảm của chất liệu và kỹ thuật truyền thống là vô hạn, không nhất thiết phải đi tìm sự phối ghép, đôi khi không ăn nhập, với những chất liệu phi truyền thống. Đặc biệt, việc sử dụng chất liệu công nghiệp (như polysite) không đạt được hiệu quả độc đáo khi sử dụng kỹ thuật chồng màu, qua công đoạn ủ và mài. Những lớp màu chồng lấn lên nhau, tan vào hoặc tách ra, ẩn hiện, tạo hiệu quả chiều sâu rất thu hút.
Hiền Nguyễn cho biết: “Tôi đã trải qua 15 năm thực nghiệm và tìm tòi chất liệu sơn mài, từ những kiến thức học được từ nhà trường, và từ kinh nghiệm thực tế. Mỗi bước đều là quá trình tìm cho mình một con đường sáng tạo qua nhiều khuynh hướng thể hiện khác nhau. Tôi mong muốn qua những tác phẩm của mình chia sẻ với bạn bè và công chúng, cái nhìn và những cảm xúc riêng của tôi với cuộc sống".
Tác phẩm Cánh đồng vàngcủa Nguyễn Hiền tại triển lãm
Sơn mài mà Nguyễn Hiềnsử dụng là chất liệu sơn ta, được chiết xuất từ cây sơn, là một nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Kỹ thuật vẽ sơn mài truyền thống khá phức tạp và phải thực hiện trong thời gian dài, với sự tiên liệu, sự thay đổi hiệu quả của màu, vì đặc tính của chất liệu này đỏng đảnh hơn so với các chất liệu tạo hình khác. Và với sơn mài, dù chỉ hai, ba màu truyền thống, hoặc kết hợp với những chất liệu màu hiện đại mới, nhưng miễn là người nghệ sĩtuân thủ mọi quy phạm và các bước kỹ thuật truyền thống thì vẫn giữ được chất lượng và hiệu ứng của một bức sơn mài truyền thống.
Nữ họa sĩ Nguyễn Hiền
Một bức sơn mài đúng quy trình truyền thống, thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc phải từ 3 đến 6 tháng. Người nghệ sĩ sơn mài ngoài tôi luyện kỹ năng, kiến thức chất liệu, còn phải rèn luyện được khả năng giữ vững được ý tưởng sáng tác với tác phẩm từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Vì thế cảm xúc sáng tác không phải là đơn thuần là một cơn hứng hay ý tưởng thoáng qua mà phải là một thứ được nuôi dưỡng tìm tòi khám phá một thơi gian dài.
“Tôi nghiên cứu hệ thống kỹ thuật, cách dùng màu, sử dụng vật liệu truyền thống cho những quan niệm mới. Vận dụng các đặc tính của nó, tôi biến nó thành màu sắc, hình, kết cấu và các hình thức để thể hiện tác phẩm. Sơn mài khó khăn và vất vả, nhưng hoàn toàn xứng đáng với công sức người nghệ sĩ bỏ ra, vì sự lôi cuốn,tính biểu cảm vô cùng phong phú của chất liệu. Tôi chọn cuộc chơi này vì tôi am hiểu luật chơi, vì tôi thiết lập trò chơi”, nữ họa sĩ chia sẻ.
Triển lãm tranh của nữ họa sĩ Nguyễn Hiền từ ngày 4 -10.1.2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Nữ họa sĩ Hiền Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Thu Hiền,Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.
Nguyễn Hiềnhoạt động nghệ thuật tại Hien Nguyen Studio (TP.HCM), nơi định kỳ giới thiệu tác phẩm mới với bạn bè, đồng nghiệp và các nhà phê bình vào tháng 12 hằng năm.
Một số triển lãm của Nguyễn Hiền:
- Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010.
- Triển lãm cá nhân Những cung bậc cảm xúc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2012.
- Triển lãm nhóm tại Anh,Malaysia các năm 2015, 2016.
- Triển lãm cá nhân Ủ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM năm 2019.