Khẩu hiệu cả chục tỉ, liệu có đáng?
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:28, 01/10/2020
Việc càng đáng nói trong hoàn cảnh kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam đang lao lựcvì COVID-19.Từng người dân cho đến cả hệ thống chính trị Việt Nam đang căng mình chống trả, vật lộn với cuộc sống từng ngày, thậm chí từng giờ. Nạn thất nghiệp gia tăng, doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Số còn lại thì ngủ đông hoặc cắt giảm nhân lực, cầm cự hết sức gian nan. Giữa bộn bề lo toan, thông tin tỉnh Hòa Bình làm khẩu hiệu hơn chục tỉ như gáo nước lạnh dội vào những thân thể đang cảm sốt, kỵ nước.
Khẩu hiệu có gồm 11 chữ cao 10m, thấp hơn chữ Hollywood của Mỹ 4m nhưng giá đắt gấp mấy lần. Chữ Hollywoodland, làm năm 1923, tốn 21.000 USD để quảng bá cho các dự án bất động sản. Từ 1949, chỉ còn Hollywood để PR cho phim trường lớn nhất thế giới. Khẩu hiệu tỉnh Hòa Bình làm 2020, tốn gần 10,99 tỉ đồng (báo Thanh niên ngày 28.9; tức khoảng 475.000 USDtheo thời giá hiện nay). Thế giới chưa nước nào chơi sang như vậy.
Cũng theo báo chí, kinh phí làm khẩu hiệu được trích từ ngân sách tỉnh, cũng là tiền thuế của dân. Đáng nói, Hòa Bình là tỉnh nghèo, hàng năm chưa phải nộp ngân sách cho TW. Trả lời báo chí Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hòa Bình Bùi Thị Niềm khẳng định “Công trình mang tính thẩm mỹ, là một tác phẩm nghệ thuật mang tính chất giáo dục chính trị, tư tưởng cao...”. Xin nhường lời cho bạn đọc gần xa thẩm định kết luận của bà Niềm.
Năm 2019, du lịch Hòa bình đón 3.100.000 lượt khách (hơn 400.000 khách quốc tế), doanh thu 2.000 tỉ đồng. Bình quân doanh thu đầu khách là 645.000 đồng/người, còn rất khiêm tốn. Tỉnh xếp 30/63 tỉnh thành về GDP đầu người nhưng nhiều bản vùng sâu, vùng cao còn rất khó khăn.
Chẳng biết từ bao giờ, khẩu hiệu, cổng chào và tượng đài trở thành đặc trưng của nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. Ở các nước, tượng đài khá phổ biến, cổng chào ít hơn nhưng không thấy khẩu hiệu. Cách làm lẫn mục đích của công chào và tượng đài cũng khác Việt Nam. Còn khẩu hiệu thì Việt Nam vô địch. Hơn 30 năm trước, danh xưng này thuộc về Trung Quốc.
Khẩu hiệu ở Trung Quốc ngày càng ít dần, còn Việt Nam cứ năm sau nhiều hơn năm trước, sinh sôi mọi nơi, mọi lúc. Có người gọi đích danh là bệnh. Nhiều khẩu hiệu khó đỡ từ chữ nghĩa đến diễn đạt. Kẻ xấu miệng còn bảo “Chỉ nhưng ai thích nói hơn làm mới khoái khẩu hiệu”. Nhớ ơn ai thì phải bằng việc làm cụ thể, hành động thiết thực chứ không thể bằng khẩu hiệu.
Khoan nói tới việc khẩu hiệu làm xấu cảnh quan, nếu công trình hoànthành sẽ tạo tiền lệ đua nhau làm khẩu hiệu. Địa phương làm sau sẽ to và hoành tráng hơn địa phương làm trước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí minh luôn sống và nêu gương cho mọi người về sự tiết kiệm, về những việc thiết thực ích nước, lợi nhà và rất ghét bệnh hình thức, thói khoa trương. Những phẩm chất này sao không học tập?
Làm khẩu hiệu kiểu tỉnh Hòa Bình là đi ngược lại với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình đang khẩn trương cho kịp hoàn thànhh để chào mừng đại hội Đảng toàn quốc sắp tới. Tiếc thay đó là món quà đắng. Cái lợi duy ý chí của một số cán bộ tỉnh Hòa Bình là mối di hại lâu dài cho Đảng, cho toàn dân.
Trần Trung Dân