Cần khẩu hiệu, nhưng ai cần?
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:24, 29/09/2020
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư xây dựng dòng khẩu hiệu trên đồi Ông Tượng (phường Phương Lâm, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) có 11 chữ với tổng kinh phí 10,285 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp. Qua đấu thầu, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Anh Kỳ trúng thầu phần xây lắp.
Tính ra mỗi chữ như vậy, tốn gần cả tỉ đồng. Không thể tin nổi! Không phải là dân chuyên ngành về xây dựng nên xin không bàn về chuyện kinh phí ấy có hợp lý hay không - theo như phân bua của bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hòa Bình. Chỉ biết, cả những người dân thất học mà nghe có 1 chữ tốn gần tỉ đồng - bằng tiền xây dựng căn nhà 1 trệt 1 lầu với đầy đủ nội thất, ai rồi cũng rùng mình. Chơi sang quá!
11 chữ ấy là“Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Đây là câu mà từ thuở học cấp 1, nhiều học sinh đã nằm lòng, nhất là từ xưa trên vách nhiều lớp học đã dán câu khẩu hiệu này và ngày nào vào lớp chúng tôi cũng đọc. Không cần nhắc, cần đưa ra nổi bật, nhiều người già trẻ vẫn dễ dàng đọc vanh vách. Chi cả đống tiền để “nhắc” lại câu khẩu hiệu ấy, liệu có cần. Cần tuyên truyền thì có nhiều cách, cần gì trương ra đầy đường những khẩu hiệu, băng rôn, vừa lòe lẹt, vừa không hiệu quả vì người đi đường ai mà dừng xe lại đọc.
Lại tượng đài, khẩu hiệu, cổng chào... Nghe những thứ ấy, dân chán lắm, bởi họ có ăn có xài, có hưởng được chi đâu từ những thứ này. Nhưng khi ai đó chất vấn, các quan chức, chủ đầu tư lại viện dẫn: ý dân, dân cần. Xin thưa, mộtngười lao động vắt kiệt mồ hôi mới kiếm đủ tiền mua gạo, miếng thịt nhỏ mỗi ngày, họ cần chi những thứ ấy. Đấy là những thứ có thể gọi là xa xỉ, của dân thượng lưu, của những kẻ lắm tiền nhiều của chẳng biết chi xài vào việc gì.
Nói thật, nếu dân cần, họ sẵn sàng đóng góp. Thực tế hiển hiện, ở miền Tây rất nhiều hộ dân hiến đất làm đường, xây trường học. Như ông Nguyễn Minh Hải ở xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng hiến 7.000m2 đất (hiện có giá hơn 7 tỉ đồng) cho chính quyền xây trường học, vì thấy con cháu cần. Đường không có đèn, dân hùn tiền cùng chính quyền kéo điện, thắp đèn. Họ cần mà.
Dự án đẻ ra là các tác giả vẫn hay lấy dân làm gốc, bảodo ý kiến dân. Xin thưa, dân chỉ cần đường sá thông thoáng, không kẹt xe, môi trường không bụi bặm, trời mưa đường đừng ngập, điện đừng tăng giá, thịt cá đừng có leo thang, việc làm dễ kiếm. Cần những thứ như khẩu hiệu, bồn hoa, cổng chào... trong lúc dân nhiều vùng vẫn còn nghèo? Có chăng là những quan tham vẽ ra để mong xơ múi, ý tưởng của những quan chức về hưu hoặc đương chức để mong tỉnh khác nhìn vào mình mà lác mắt.
Chúng tôi đã từng đi phát những phần quà tết cho người nghèo. Nhiều nhặn gì đâu, chỉ dăm kýgạo, ít gói đường, bột ngọt, bánh mứt, mà nhiều người cầm được trên tay rưng rưng nước mắt, tay run bần bật. Với họ, bấy nhiêu ấy là đủ thỏa mãn, đủ cho cái tết có này có kia với người ta. Tết mà kéo ra ngắm khẩu hiệu, cổng chào, họ có ấm lòng hơn được chút nào không mà bảo dân cần mà không biết nhục?
Cần Thơ trước đây khi làm dự án cầu đi bộ Ninh Kiều với vốn đầu tư gần 50 tỉ đồng, cũng có một số ý kiến không tán thành, bởi sát cạnh bên đã có chiếc cầu nối đôi bờ. Nhưng cầu đi bộ mọc lên, kéo theo con đường ven sông Hậu tạo thành tuyến tản mát liền mạch, nên khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh nườm nượp, xem như cũng khá thành công. Còn với dòng khẩu hiệu gần 11 tỉ đồng,chưa nói đến việc phá cảnh quan khu đồi, thử hỏi có bao nhiêu khách du lịch kéo đến để... xem khẩu hiệu?
Những người sinh sau năm 1975 như chúng tôi, không biết Bác Hồ ngoài đời, chỉ biết qua những giai thoại, những câu chuyện. Nhưng chúng tôi được biếtBác rất tiết kiệm, là tấm gương cho nhiều cán bộ. Thế mà bây giờ chỉ vì dòng khẩu hiệu nhắc đến Bác, đã tốn hàng chục tỉ, nếu Bác biết chắc sẽ đau lòng lắm...
Hồ Hùng