BHXH Việt Nam là đơn vị tiên phong trong xây dựng chính phủ điện tử

Sự kiện - Ngày đăng : 09:57, 23/09/2020

Đến nay, ngành BHXH đã có 15 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đây cũng là các dịch vụ công có liên quan tới hàng chục triệu người dân tham gia BHXH và cộng đồng doanh nghiệp.

Hơn 8.000 lượt thực hiện, thanh toán trực tuyến gần 6 tỉ đồng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa có cuộc trao đổi với báo chí về hiệu quả của các dịch vụ công ngành BHXH cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá những kết quả tích cực bước đầu của Cổng DVCQG có sự đóng góp, phối hợp rất tích cực của ngành BHXH. "BHXH Việt Nam là đơn vị tiên phong trong cải cách nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá. Trong đó, phải kể đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành BHXH, được đánh giá là rất lớn và giá trị.

Với tổng số 27 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, BHXH Việt Nam đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 18 thủ tục hành chính, trong đó 15 dịch vụ công trực tuyến của BHXH đã tích hợp trên Cổng DVCQG.

"Đây đều là những thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ lớn, liên quan mật thiết tới đời sống của nhân dân và đã được cung cấp mức độ 4, nghĩa là toàn bộ quy trình thực hiện thủ tục, bao gồm cả thanh toán đều có thể thực hiện trên Cổng DVCQG", Bộ trưởngcho biết.

Sau thời gian ngắn triển khai, theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến nay đã có hơn 8.000 lượt thực hiện dịch vụ công trực tuyến ngành BHXH, với số tiền thanh toán thành công gần 6 tỉ đồng.

Đặc biệt, trong đó có 3 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp từ ngày 12.5.2020 theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, bao gồm: Hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Kết quả là từ ngày 16.5 đến ngày 15.9.2020, Cổng DVCQG đã tiếp nhận 838 hồ sơ và giải quyết 283 hồ sơ của các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tiết kiệm chi phí, thời gian thực hiện dịch vụ công

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá những nỗ lực này của ngành BHXH Việt Nam góp phần không nhỏ trong nỗ lực triển khai Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử trong lĩnh vực BHXH.

Điều này được thực hiện qua qua việc ngành khẩn trương thiết lập các hệ thống thông tin, hệ thống giám định bảo hiểm y tế, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cũng như tạo nền tảng dữ liệu giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

BHXH Việt Nam tiếp tục tháo gỡ các rào cản trong giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian giao dịch cho doanh nghiệp, người dân với cơ quan BHXH, được Chính phủ và người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG đã hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục liên quan đến việc đề nghị và hưởng chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, giảm số người phải trực tiếp đến liên hệ, giao dịch tại cơ quan BHXH các cấp.

Đến nay Cổng DVCQG đã có 1.191 dịch vụ công cấp độ 3, 4 cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Sau hơn 9 tháng hoạt động, Cổng DVCQG có trên 66 triệu lượt truy cập, trên 264.000 tài khoản đăng ký; hơn 17 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái. Cổng đã cùng cấp 1.191 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, tiếp nhận trên 369 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24 nghìn cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị.

Bài và ảnh: Tuyết Nhung

tuyetnhung