Lãi suất tiết kiệm lại giảm sâu, xuống mức siêu thấp
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:30, 21/09/2020
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mới thông báo điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng từ 0,1 - 0,4%/năm so với đầu tháng 9. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng còn 2,55 - 2,9%/năm, 3 tháng từ 2,75 - 3,1%/năm, 6 tháng từ 4,2 - 4,7%/năm, 12 tháng từ 4,8 - 5,2%/năm. Ở bảng lãi suất tại quầy, Techcombank niêm yết lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn trả trước thấp nhất là 2,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng còn 3,95%/năm, 6 tháng ở mức 6,3%/năm, 12 tháng ở mức 7%/năm. Tương tự, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) giảm lãi suất tiết kiệm khoảng 0,15%/năm, trong đó kỳ hạn dưới 6 tháng còn 3,8%/năm, 6 tháng 5,8%/năm, 12 tháng từ 6,4 - 7,4%/năm…
Biểu lãi suất mới của Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng (VP Bank) từ giữa tháng 9 điều chỉnh giảm 0,1% tại một số kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng.Còn ở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 1 tháng đã giảm về 3,3%/năm, 3 tháng xuống 3,6%/nămvà 6 tháng chỉ còn 4,2%/năm.
Đáng chú ý, hiện nay một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ đang áp dụng mức lãi suất huy động hấp dẫn hơn ngân hàng lớn. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) đang duy trì lãi suất bình quân tại các kỳ hạn cao nhất trong hệ thống với kỳ hạn 1 - 3 tháng là 4,15%/năm, trong khi 6 - 9 tháng là 7 - 7,3%/năm, với tiền gửi trên 12 tháng lãi suất từ 7,3 - 7,7%/năm.
Ở nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) có mức lãi suất thấp nhất hệ thống. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên là 6%/năm, kỳ hạn 6 - 9 tháng là 4,4 - 4,5%/nămvà 3 - 5 tháng là 3,5 - 3,8%/năm và không kỳ hạn là 0,1%/năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động bằng VNĐphổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Trong khi đó, các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng dao động từ 3,7 - 4,1%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 4 - 6,4%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6- 7,1%/năm.
Với mặt bằng huy động như trên, lãi suất cho vay cũng dao động cùng chiều. Hiện nay lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐđối với một số ngành lĩnh vực ở mức 5%/năm. Tuy nhiên đối với trung và dài hạn, lãi suất cho vay vẫn còn tương đối cao, dao động từ khoảng 7 - 10%/năm.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, thời gian qua, lãi suất liên ngân hàng giảm khi thanh khoản của các ngân hàng khá tốt, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước đã liên tục mua vào khoảng 3,3 tỉ USD, tương đương với việc bơm ra thị trường khoảng 76.000 tỉ đồng. Điều này đã giúp lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục giảm. Trong thời gian tới, SSI cho rằng lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục giảm do tăng trưởng huy động dồi dào, bỏ xa mức tăng trưởng tín dụng.
Tính đến cuối tháng 7, tín dụng của toàn ngành ngân hàng chỉ tăng 4,05% so với cuối năm 2019, đạt hơn 8,527 triệu tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn đổ vào một số lĩnh vực có tốc độ tăng nhanh như xây dựng tăng 5,82%, thương mại tăng 4,22%, công nghiệp tăng 3,01%, nông nghiệp - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,06%...
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng dự báo lãi suất sẽ tiếp tục xu hưởng giảm. Nguyên nhân là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tuyên bố sẽ duy trì mức lãi suất thấp quanh 0% đến năm 2023 nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch COVID-19. Động thái này của Fed chắc chắn sẽ tác động mạnh tới chính sách tiền tệ của tất cả các quốc gia. Do vậy, ngân hàng trung ương các nước cũng sẽ phải điều chỉnh mặt bằng lãi suất chung theo hướng giảm xuống.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định xu hướng giảm sẽ tiếp tục duy trì trên lãi suất huy động. VCBS nói rằng lãi suất huy động đã giảm tương đối trong tháng 8 và ngay tuần đầu tháng 9 cũng chứng kiến các kỳ hạn đồng loạt. Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và nhu cầu tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, VCBS duy trì dự báo lãi suất huy động có thể giảm 0,8 – 1% tại các kỳ hạn trong cả năm nay.
Phan Diệu