Các chuyên gia kỳ vọng sông Tô Lịch có thể sớm thành 'Công viên văn hóa'
Văn hóa - Ngày đăng : 11:25, 19/09/2020
Các chuyên gia Nhật Bản cho biết, để có thể làm “sống lại” và “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như thu gom nước thải; cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; xử lý tầng bùn đáy; xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; thoát nước chống ngập khi mưa bão; bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; phát triển du lịch...
Việc xây cống bao thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch giúp không làm gia tăng trạng thái ô nhiễm, nhưng phần bên trong lòng sông vẫn chưa xử lý được do tầng bùn hữu cơ ô nhiễm, khí độc bốc mùi hôi thối. Đặc biệt, đề xuất xây dựng cả hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông để đảm bảo thoát lũ, chống ngập cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch. Hệ thống khổng lồ đặt ngầm bên dưới lòng sông Tô Lịch tương tự như hệ thống chống ngập khổng lồ tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Sắp tới JVE và Tổng thầu Nhật Bản sẽ có một báo cáo chuyên đề riêng về xây dựng hệ thống ngầm thoát lũ chống ngập này, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT JVE chia sẻ với báo chí trước đó.
Mô hình Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch tương lai khi hoàn thành
Chia sẻ với phóng viên về ý kiến của mình khi có đề xuất biến sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh", PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết ôngcũng chưa được xem bản đề xuất đó mà chỉ được đọc qua báo chí.
"Nói chung đề xuất này là khá mạnh dạn và táo bạo vì một số quốc gia đã làm thành công để thu hút khách du lịch. Còn ở nước ta nếu đề xuất đó được triển khai và thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ mang đến cho Hà Nội sự mới mẻ, điểm nhấn trong việc tham quan, du lịch. Tuy nhiên đây chỉ là ý tưởng nên rất khó để góp ý. Cần thận trọng hơn khi quảng bá những phác thảo mô hình gắn liền với con sông di sản, việc này cần có chủ trương và quyết định một cách cụ thể từ nhiều cấp khác nhau chứ không thể làm nhẹ nhàng đơn giản được.
Tôi cho rằng, việc này không hề đơn giản như ai đó đã bảy tỏ sự lạc quan. Giải quyết xong bước môi trường, sau đó mới tính đến khía cạnh khác. Nếu chúng ta cứ 'vẽ'ra nhưng không làm được thì ăn nói như thế nào, đấy là chưa bàn đến những phác thảo về không gian, cảnh quan lịch sử, văn hoá hai bên bờ sông. Riêng về vấn đề lớn như thế cần được nghiên cứu kỹ lịch sử, văn hoá Việt Nam nói chung, lịch sử, văn hoá Thăng Long-Hà Nội nói riêng, cùng với sự tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, qua đó mới có thể đưa ra được những phác thảo ấn tượng, cô đọng. Ví như không ai dựng lầu trên sông để ngắm cảnh và cũng không ai dựng tượng, kỳ đài trên dòng sông cả...”, PGS Phạm Mai Hùng cho hay.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan nóiông cũng chưa nhận được bất cứ câu hỏi hay bản đề xuất xin ý kiến nào từ phía các đơn vị chức năng hay các đơn vị thực hiện:"Tôi cũng chưa đọc báo luôn nên không biết đề xuất biến sông Tô Lịch thành 'Công viên văn hóa tâm linh'là như thế nào nên chưa thể đưa ý kiến ngay được, tuy nhiên nếu có một đơn vị có thể làm được điều đó thì quá tốt".
Về phía bên Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ông Phạm Văn Khánh cho biết việc muốn làm sạch sông Tô Lịch trước hết phải thu gom nước thải sinh hoạt bên bờ sông và xử lý ô nhiễm lòng sông khiến con sông phải có dòng chảy. Ông Khánh cho rằng, không nên kè đáy dòng sông, vì như thế sông sẽ giống như một mương thoát nước.
“Lòng sông nên để nguyên, không nên kè đáy. Kè hai bên bờ cũng phải là kè hở. Như thế mới thuận lợi cho việc xử lý ô nhiễm. Nguồn lực để xử lý ô nhiễm, hồi sinh sông Tô Lịch rất lớn, nên nghiên cứu việc dùng bằng ngân sách, vì nguồn vốn dù được vay ưu đãi hay tài trợ, sau này đều phải trả nợ",ông Khánh nói.
Trong khi đó PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Chuyên gia văn hóa cho rằng đó là một ý tưởng hay nhưngđể thực hiện thì cần cẩn trọng vì từ lý thuyết cho tới thực tế là cả một quãng đường dài:"Chúng ta cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chia thành từng bước nhỏ, các nước khác như Anh, Pháp, Nhật... từ những dòng sông, dòng suối nhỏ họ cũng làm 'sống lại'nền văn hóa cho người dân chiêm ngưỡng, tạo đà cho phát triển du lịch. Muốn biến một dòng sông đang ô nhiễm rất nặng thành không gian văn hóa thì phải làm cho nó hết ô nhiễm và sạch sẽ đã. Tôi ủng hộ ý tưởng này và cần có sự kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm, kể cả xây dựng xong thì cần có nguồn kinh phí lớn để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên... chúng ta cần có nhìn nhận sâu sắc hơn để ý tưởng này đi vào thực tế cuộc sống".
Theo ý kiến của các chuyên gia vănhóa, để làm “sống lại” sông Tô Lịch cần phải có giải pháp tổng thể giải quyết toàn bộ những vấn đề tồn tại nhưvấn đề thu gom nước thải,cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải. Cần xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối, vấn đề xử lý tầng bùn đáy, vấn đề xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông, vấn đề thoát nước chống ngập khi mưa bão, vấn đề bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; vấn đề phát triển du lịch...
Dạ Thảo