Doanh nghiệp cá tra hi vọng EVFTA sẽ giúp hồi sinh thị trường châu Âu

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:07, 16/09/2020

Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường châu Âu tụt dốc suốt thời gian qua khiến các doanh nghiệp lo ngại về một năm xuất ngoại u ám. Tuy nhiên, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp hy vọng sẽ có một bước nhảy nào đó...

Tính đến nửa đầu tháng 8 vừa qua, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 85,55 triệu USD, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giá trị xuất khẩu sang ba thị trường đơn lẻ là: Hà Lan giảm 27,5%; Đức giảm 36,7% và Tây Ban Nha giảm 13,4%. Mặc dù, EU vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ) nhưng cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi về xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

Trong quý 2, giá trị xuất khẩu sang 4 thị trường lớn nhất trong khối EU đều giảm liên tiếp hai con số. Hoạt động giao thương bị ngưng trệ do nhiều quốc gia là tâm điểm của đại dịch, trong đó có 2 quốc gia lớn là Italia và Tây Ban Nha. Mặc dù nhu cầu tích trữ lương thực tại nhiều quốc gia Châu Âu gia tăng, hệ thống bán lẻ và kênh bán hàng online tốt hơn nhưng hoạt động xuất nhập khẩu lại bị ngưng trệ do hệ thống vận tải biển bị đứt quãng, giao dịch thương mại cũng ngưng.

Trong tháng 5, EU đã chuẩn bị kịch bản cho một cuộc suy thoái kinh tế lịch sử diễn ra trong năm nay. Dự báo nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ sụt giảm ở mức kỷ lục khoảng 7,75% vào năm 2020, tất cả mọi lĩnh vực đều khó có thể vực dậy. Điều này dự báo cũng tác động lên hoạt động xuất khẩu cá tra sang EU trong năm nay, nhiều khả năng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khu vực này sẽ còn tiếp tục giảm trong các tháng tới.

Ngày 1.8 vừa qua, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã hi vọng sẽ có một bước nhảy nào đó trong hoạt động xuất khẩu sang khối thị trường truyền thống rộng lớn này.

Bởi lẽ, cả hai nhóm sản phẩm cá tra xuất khẩu là cá tra nguyên con đông lạnh (HS 030324) và cá tra tươi, ướp lạnh (HS 030272) đều được giảm từ mức thuế cơ bản 8% xuống 0%; sản phẩm cá tra phile tươi, ướp lạnh (HS 030432) giảm từ 9% xuống 0%; cá tra phile đông lạnh (HS 030462) cũng được giảm từ 5,5% xuống còn 0%; các sản phẩm cá tra chế biến (HS 1604) cũng được giảm thuế từ 14% xuống còn 0% trong vòng 3 năm.

"Có thể nói, điều này giúp tăng lợi thế cạnh tranh của cá tra Việt Nam tại EU so với các sản phẩm cá thịt trắng khác khi các sản phẩm cá thịt trắng bản địa vốn không phải chịu thuế nhập khẩu. Đó là những mong đợi trước mắt sau khi hoạt động giao thương, kinh doanh thủy sản của các nước EU ổn định trở lại. Còn tại thời điểm này, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU vẫn đang giảm, nhất là sau khi Anh tách khỏi khối thị trường này. Trước đó, Anh vốn là một trong những thị trường xuất khẩu cá tra tiềm năng của Việt Nam tại châu Âu", Vasep cho hay.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định riêng với ngành thủy sản nói chung và cá tra nói riêng, việc xóa bỏ thuế quan trong EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội to lớn cho xuất khẩu. EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm tới. Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mang đến triển vọng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm 2020 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế khi tham gia vào EVFTA, Thứ trưởng Tiến yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cải tiến công nghệ, quản trị để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU, như áp dụng mã số vùng trồng, đảm bảo tiêu chuẩn ASC), phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình...

Tuyết Nhung

tuyetnhung