Luật Doanh nghiệp 2020: ‘Thành viên độc lập HĐQT’ hay ‘thành viên HĐQT độc lập’?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:07, 11/09/2020
Cân nhắc việc giới hạn nhiệm kỳ, số lượng thành viên HĐQT
Luật Doanh nghiệp 2020 không có sửa đổi đáng kể đối với các quy định về nhiệm kỳ, số lượng thành viên HĐQT nói chung, chỉ bổ sung quy định về hạn chế nhiệm kỳ đối với thành viên HĐQT độc lập. Cụ thể, khoản 2 Điều 154 quy định một cá nhân chỉ được bầu làm thành viên độc lập HĐQT của một công ty không quá 2 nhiệm kỳ liên tục.
Bình luận về điều này, luật sư Kiều Anh Vũ cho rằng cần phải cân nhắc việc giới hạn nhiệm nhiệm kỳ như thế nào là phù hợp. Trong quá trình xây dựng luật, các nhà làm luật chưa có sự lý giải cụ thể về việc vì sao phải giới hạn số lượng nhiệm kỳ của thành viên độc lập HĐQT? Cơ sở nào để đưa ra giới hạn 2 nhiệm kỳ liên tục mà không phải là 1 hay 3 hay là con số khác?
“Tại sao giới hạn đối với thành viên độc lập HĐQT mà không giới hạn đối với thành viên HĐQT thông thường? Nên chăng giới hạn nhiệm kỳ cho cả thành viên HĐQT thông thường? Vấn đề này cần phải được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện”, ông Vũ nêu.
Về điều kiện, tiêu chuẩn làm thành viên HĐQT, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác”.
Ông Kiều Anh Vũ cho rằng cách diễn đạt của điều luật là chưa rõ ràng. Phạm vi điều lệ công ty được quy định khác áp dụng đối với tiêu chí cổ đông hay cả đối với tiêu chí chuyên môn, kinh nghiệm?
“Điều kiện về chuyên môn, kinh nghiệm có phải là điều kiện “cứng” mà luật ràng buộc, bắt buộc trong mọi trường hợp không? Điều lệ công ty có thể không bắt buộc điều kiện về chuyên môn, kinh nghiệm đối với thành viên HĐQT không?”, ông Vũ nêu.
Theo ông Vũ, điều kiện về chuyên môn, kinh nghiệm không thể hiểu là điều kiện bắt buộc trong mọi trường hợp mà nên hiểu theo hướng điều lệ công ty có thể quy định không yêu cầu về điều kiện này.
Chẳng hạn đối với trường hợp 3 cổ đông sáng lập cùng nhau thành một công ty cổ phần mới để kinh doanh trong một lĩnh vực mới hoặc ngành, nghề mà họ chưa bao giờ kinh doanh trước đây thì họ không thể đáp ứng được điều kiện về chuyên môn, kinh nghiệm nhưng không vì vậy mà họ không được tham gia vào HĐQT.
“Trong trường hợp này, có thể thấy rằng với tư cách cổ đông sáng lập, họ có thể không cần đáp ứng điều kiện về chuyên môn, kinh nghiệm. Do đó, quy định về điều kiện chuyên môn, kinh nghiệm đối với thành viên HĐQT nên được viết lại theo hướng loại trừ đối với cổ đông sáng lập, hoặc thậm chí là loại trừ đối với cổ đông hoặc cổ đông lớn hoặc cổ đông sở hữu một tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết nhất định của công ty”, ông Vũ nói.
Theo đó, điều kiện về chuyên môn, kinh nghiệm chỉ nên áp dụng bắt buộc đối với thành viên HĐQT không phải là cổ đông của công ty mà thôi.
Thành viên HĐQT có bắt buộc là cá nhân?
Một vấn đề pháp lý khác ông Vũ đề cập là thành viên HĐQT có bắt buộc phải là cá nhân không, một pháp nhân có thể trở thành viên HĐQT được không? Căn cứ các điều kiện, tiêu chuẩn của thành viên HĐQT quy định tại khoản 1 Điều 155 Luật Doanh nghiệp 2020 thì không minh thị vấn đề này.
Nếu so sánh với với HĐTV của công ty TNHH hai thành viên trở lên theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì khoản 1 Điều 56 quy định “HĐTV gồm tất cả các thành viên công ty”, mà thành viên công ty là “cá nhân, tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn”.
Theo luật sư Vũ, với quy định này, có cơ sở hiểu rằng thành viên HĐTV của công ty trách nhiệm hữu hạnhai thành viên có thể là tổ chức (pháp nhân). Điều đó đặt ra vấn đề tương tự, thành viên HĐQT có thể là pháp nhân không?
“Nếu chỉ chấp nhận cá nhân mới được làm thành viên HĐQT thì các nhà làm luật nên quy định rõ vấn đề này trong quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của thành viên HĐQT”, ông Vũ nói.
Về các dạng thành viên HĐQT, Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn duy trì quy định của luật 2014 về thành viên HĐQT “thông thường” và thành viên độc lập HĐQT, tùy theo cơ cấu tổ chức quản lý của công ty cổ phần.
Riêng về thành viên độc lập HĐQT, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng không đưa ra định nghĩa về dạng thành viên này mà chỉ đưa ra các điều kiện và tiêu chuẩn. Ngay cả về tên gọi của dạng thành viên HĐQT này, nếu so sánh quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 với các quy định khác có liên quan cũng không có sự thống nhất về tên gọi.
Luật Doanh nghiệp 2020 gọi là “thành viên độc lập HĐQT” nhưng luật khác lại gọi là “thành viên HĐQT độc lập” hoặc “thành viên độc lập của HĐQT”? Trong khi đó, quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì gọi là “thành viên độc lập của HĐQT”.
Ông Vũ cho rằng tên gọi của dạng thành viên HĐQT này cần phải có sự thống nhất và cần đưa ra định nghĩa về dạng thành viên HĐQT này, ngoài quy định về điều kiện, tiêu chuẩn. Tác giả cho rằng nên gọi là “thành viên HĐQT độc lập” cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hạn chế 1 người tham gia HĐQT nhiều công ty
Ngoài ra, cũng như Luật Doanh nghiệp 2014 và 2020 cũng không có bất kỳ quy định nào về hạn chế việc tham gia HĐQT tại các công ty cổ phần khác nhau. Thậm chí điểm c khoản 1 Điều 155 Luật Doanh nghiệp 2020 còn quy định “thành viên HĐQT công ty có thể đồng thời là thành viên HĐQT của công ty khác”. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 12 Nghị định 71/2017/NĐ-CP lại quy định thành viên HĐQT của 1 công ty đại chúng không được đồng thời là thành viên HĐQT tại quá 5 công ty khác.
Luật sư này cho rằng quy định này có thể phù hợp về thông lệ quản trị công ty nhưng xét về pháp lý là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2020 và cả Luật Chứng khoán hiện hành, vì các luật này đều không có quy định về việc hạn chế này và các Luật này không trao quyền cho Chính phủ được quyền quy định về việc hạn chế này.
Như vậy, nếu muốn hạn chế một người không được thanh gia làm thành viên HĐQT của nhiều công ty, kể cả công ty đại chúng hay không đại chúng thì Luật Doanh nghiệp nên có quy định rõ về vấn đề hoặc cũng có thể quy định mở đối với công ty đại chúng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định bằng các Nghị định.
Ông Vũ cũng cho hay, ngoài việc hạn chế một người tham gia làm thành viên HĐQT tại nhiều công ty đại chúng thì cũng cần cân nhắc đến việc hạn chế một người tham gia làm thành viên HĐQT của nhiều công ty có mối quan hệ cạnh tranh với nhau để đảm bảo tốt quyền và lợi ích hợp pháp của công ty, của cổ đông; đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và phù hợp với thông lệ tốt trong quản trị công ty được các tổ chức quốc tế khuyến nghị.
Lam Thanh