Quan niệm tâm linh trong dịp Rằm tháng 7 ở Việt Nam và các quốc gia châu Á
Văn hóa - Ngày đăng : 16:20, 01/09/2020
Không giống như những ngày Rằm khác trong năm, Rằm tháng 7, người châu Á quan niệm là ngày “xá tội vong nhân”, cửa phủ mở để người chết quay về thăm người thân và hưởng thụ những lễ vật mà người thân cúng. Vì vậy, vào những ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ cúng cho những người đã khuất, bao gồm cả tổ tiên và những linh hồn phiêu bạt.
Bên cạnh đó, Rằm tháng 7 cũng trùng với lễ Vu Lan, là ngày tỏ lòng hiếu thảo của con cháu với tổ tiên, cha mẹ và những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia châu Á lại có những quan niệm và phong tục khác nhau nhưng nhìn chung đều có nét tương đồng là thờ cúng và làm nhiều việc thiện.
Việt Nam
Rằm tháng 7 là dịp lễ lớn trong các gia đình và nhà chùa. Trong ngày này, các gia đình làm mâm cỗ cúng cho tổ tiên và cho chúng sinh cô hồn với trái cây, vàng mã, bánh kẹo và cháo trắng. Ở một số vùng ở Việt Nam cũng coi đây là ngày lễ Vu Lan, là ngày báo hiếu, dành cho mẹ, vì vậy người ta thường đi chùa. Với những ai còn mẹ sẽ được cài bông hồng đỏ, còn ai đã mất mẹ thì được cài bông hồng trắng. Mọi người đến chùa để thắp nhang, cầu kinh cho linh hồn mẹ cha được an lành, siêu thoáng.
Ngoài ra, vào ngày này, ở chùa cũng hay có lễ phóng sinh như thả chim, thả cá...
Nhật Bản
Với người Nhật, đây là ngày để người ta bày tỏ ước nguyện và lòng thánh kính của mình với tổ tiên, là dịp để gia đình đoàn tụ, khi đó, những người đi làm ở xa cũng sẽ quay về nhà để cả đại gia đình thăm viếng mộ tổ tiên. Nếu như người Việt gọi lễ Vu Lan thì người Nhật gọi là lễ Obon, (Ngày của người chết)
Vào dịp này, ở Nhật cũng thường tổ chức những hoạt động văn hóa – văn nghệ, những điệu múa truyền thống là không thể thiếu. Tục lệ này đã được duy trì trong suốt hơn 500 năm qua. Trong lễ Obon này trẻ em Nhật Bản được hóa trang thành các nhân vật nổi tiếng trong văn hóa dân gian như kitsune, geisha, tanuki... Đặc biệt, lễ Obon còn có nghi lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất quay trở về trời. Trong lễ dâng lửa linh thiêng này, 5 đám lửa lớn sẽ được đốt trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng 1 giờ, đi kèm với các hoạt động văn hóa như múa truyền thống, cầu nguyện.
Trung Quốc
Với người Trung Quốc, Rằm tháng 7 được gọi là lễHungry Ghost Festival (Lễ hội ma đói). Trong dịp này, nhiều nghi thức đặc biệt được thực hiện để tránh cơn thịnh nộ của hồn ma như đặt bài vị tổ tiên của gia đình lên bàn, thắp hương và chuẩn bị đồ cúng ba lần trong ngày...Người Trung Quốc cũng có tục thả thuyền giấy hoặc đèn hoa đăng trên sông như cách chỉ đường dẫn lối cho những linh hồn phiêu bạt biệt đường trở về âm phủ trước khi cửa phủ bị đóng.
Ngoài ra, trong thời gian này, hoặc trong suốt tháng 7, tương tự như ở Việt Nam, người Trung Quốc cũng tới những ngôi chùa lớn và phát gạo cho người nghèo, làm việc thiện.
Hàn Quốc
Với người Hàn Quốc, những ngày lễ diễn ra vào giữa tháng 7 gọi là lễ hội Baekjung. Đây là tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng của Hàn Quốc. Giống Vu Lan ở Việt Nam, Obon tại Nhật Bản và Zhongyuan của Trung Quốc, Baekjung cũng có nguồn gốc từ Phật giáo và liên quan đến người chết tuy nhiên lễ hội của người Hàn Quốc liên quan đến nông nghiệp nhiều hơn và có những nghi lễ cầu thần nông cùng các hoạt động vui chơi, văn nghệ tập thể.
Singapore
Ở Singapore có cộng đồng người hoa khá lớn, do vậy, phong tục về ngày Rằm tháng 7 của người Hoa vẫn được lưu giữ. Trong thời gian này, người dân thường làm mâm cúng, đốt vàng mã, đến chùa và làm nhiều việc thiện. Ngoài ra, người ta quan niệm “tháng 7 là tháng cô hồn”, tháng của người âm nên có một số điều kiêng kỵ như không huýt sáo hay phơi đồ đêm…
Malaysia
Người dân Malaysia cũng có những phong tục trong tháng 7 âm lịch gần giống với người Trung Quốc và Việt Nam như thả đèn, đốt vàng mã... Ngoài ra, người dân cũng hay để đồ cúng bên đường để cho những linh hồn vất vưởng ăn.
Ngoài ra, Rằm tháng 7 ở Singapore và Malaysia có điểm chung là văn nghệ quần chúng là nét văn hóa nổi bật. Người dân địa phương sẽ quyên góp tiền để dựng rạp và mời ca sĩ, vũ công đến biểu diễn.
Campuchia
Để tưởng niệm người đã chết và tổ tiên đã khuất, người theo đạo Phật ở Campuchia tổ chức lễ hội Pchum Ben trong khoảng thời gian từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10. Trong thời gian này các nhà chùa sẽ tụng kinh liên tục để cửa ngục mở còn các gia đình thì người thân mang đồ ăn như gạo nếp, đậu gói trong lá chuối, hoa để tỏ lòng thành kính với tổ tiên.
Minh An