Mua độc quyền và sử dụng chế phẩm Redoxy-3C có dấu ấn của ông Nguyễn Đức Chung?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 22:56, 20/08/2020
Nghi ngờ về tính minh bạch, hiệu quả
Như Một Thế Giới đưa tin, ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (hay còn gọi là Công ty Thoát nước Hà Nội) vừa bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Đáng chú ý, hành vi sai phạm của ông Hùng có liên quan đến việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn TP. Hà Nội.
Năm 2016, khi Hà Nội tiến hành dùng chế phẩm Redoxy-3C trong xử lý ô nhiễm trên nhiều sông, hồ đã khiến dư luận đặt câu hỏi về tính minh bạch, hiệu quả khi sử dụng chế phẩm này. Câu hỏi đặt ra còn là mối liên hệ giữa doanh nghiệp độc quyền cung cấp hóa chất cho TP với người thân của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.
Vào tháng 3 vừa qua, Thanh tra TP. Hà Nội đã ban hành kết luận về việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo đó, từ năm 2015 trở về trước, việc thực hiện tất cả các dịch vụ công ích trên địa bàn TP. Hà Nội đều thực hiện bằng phương thức đặt hàng với số kinh phí khoảng gần 21.000 tỉ đồng, trong đó có công tác thoát nước và xử lý nước thải đô thị.
Công ty Thoát nước ký hợp đồng với Công ty Arktic mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước hồ, là thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công ích theo dự toán đặt hàng với giá mua chế phẩm được liên ngành chấp thuận và TP. Hà Nội đồng ý. Từ năm 2016 đến quý 1/2019, Công ty Thoát nước đã mua hơn 403 tấn chế phẩm Redoxy-3C, giá trị 137,6 tỉ đồng.
Ngoài ra, Công ty Thoát nước đã sử dụng 380,6 tấn tổng khối lượng Redoxy-3C, tồn kho là 22,448 tấn. Công ty Thoát nước sử dụng phần lớn chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước hồ theo quy trình tạm thời được Sở Xây dựng chấp thuận tại văn bản số 10136/SXD-HT ngày 4.11.2016 và quy trình chính thức được UBND Thành phố chấp thuận tại quyết định số 3598/QĐ-UBND ngày 17.7.2018.
Trong giai đoạn từ ngày 22.8.2016 đến ngày 20.10.2016, Công ty Thoát nước dùng 2,024 tấn xử lý thử nghiệm tại hồ Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu theo văn bản 308/UBND-ĐT của UBND TP. Hà Nội; 5,4 tấn xử lý sự cố cá chết Hồ Tây,… Trong giai đoạn từ tháng 10.2016 đến nay, sử dụng khoảng 344,8 tấn hóa chất Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm lần đầu tại 83 hồ, duy trì chất lượng nước 85 hồ nội thành.
Theo đó, việc sử dụng chế phẩm Redoxy-3C cho một số nhiệm vụ là theo chỉ đạo của UBND thành phố, như xử lý sự cố cá chết Hồ Tây, xử lý nước thải bãi bùn khu Yên Sở,xử lý nước rỉ rác tại khu Xuân Sơn, thí nghiệm tại bãi rác Nam Sơn.
Ông Nguyễn Đức Chung nói gì về chế phẩm Redoxy-3C?
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội từng liên tiếng cuối năm 2019 về việc sử chế phẩm Redoxy-3C. Ông Chung nói: "Mọi người cứ phản ứng, chứ Redoxy-3C là sản phẩm của các nhà khoa học Đức. Đó là tập đoàn đã có 43 năm kinh nghiệm, hiện nay cung cấp cho 55 nước. Chúng ta đã cho người sang tận nơi, trung tâm nghiên cứu của họ có 2.000 người. Họ đã sang tận đây lấy mẫu phân tích và đưa ra giải pháp".
Cũng theo ông Chung: "Tới đây, chúng ta sẽ công bố kết luận thanh tra, nhưngcó lẽ từ trước đến nay chẳng có công nghệ nào xử lý chưa đến 6.000 đồng/m3 và duy trì chưa đến 2.000 đồng/m3 cả. Chúng ta đang mất 84.000 đồng để xử lý 1m3 nước rỉ rác. Chúng ta sẽ cố gắng hợp tác với các nhà khoa học của các nước để đưa ra giải pháp tốt nhất, xử lý được mùi, ô nhiễm, nhưng phải bền vững, chứ không phải năm một".
Việc thanh tra toàn diện chế phẩm Redoxy-3C được UBND TP. Hà Nội yêu cầu vào ngày 30.5 (cùng với thông cáo về việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Nhật Cường), sau khi dư luận đặt dấu hỏi về tính minh bạch, hiệu quả của việc sử dụng chế phẩm này, về mối liên hệ giữa doanh nghiệp độc quyền cung cấp hóa chất cho TP với người thân của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.
Ông Chung đã giao Thanh tra TP chủ trì thành lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra toàn diện việc mua, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chất Redoxy-3C. Tuy nhiên, kết luận thanh tra lại không chỉ ra được sai phạm cụ thể nào mà cho rằng: "Đại diện chính quyền địa phương và khu dân cư đều đề nghị thành phố tiếp tục thực hiện công tác xử lý và duy trì chất lượng nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C như trong thời gian vừa qua".
Chế phẩm Redoxy-3C liên quan đến con trai ông Nguyễn Đức Chung
Ông Nguyễn Đức Hạnh được biết đến là con trai ông Nguyễn Đức Chung. Ông Hạnhlà thành viên góp vốn vào Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic (Công ty Arktic) được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 2.11.2015, đóng trụ sở tại số 313 đường Nguyễn Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Được biết, việc mua độc quyền chất hóa học Redoxy-3C tại Công ty Arktic mà không phải qua đấu thầu của các sở, ngành và doanh nghiệp cấp thoát nước trên địa bàn là chỉ đạo của UBND thành phố.
Để giúp Công ty Arktic được độc quyền tiêu thụ tại Việt Nam mà không cần thử nghiệm sản phẩm, TP. Hà Nội đã lập “Tổ công tác theo dõi các hoạt động thử nghiệm xử lý hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C”, trong đó có hàng chục cán bộ lãnh đạo ở các sở có liên quan của TP. Hà Nội tham gia.
Tuy nhiên, đến ngày 23.7.2016, ông Nguyễn Đức Hạnh đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của mình tại công ty cho ông Nguyễn Trường Giang và bà Nguyễn Thị Bích Hằng.
Ông Nguyễn Đức Chung mới đây đã bị tạm đình chỉ công tác để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Vụ án thứ hai ông Nguyễn Đức Chung có liên quan là “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP. Hà Nội và vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” mà Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án.