Rút phương án điện một giá vì không tiết kiệm điện?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:58, 18/08/2020

Hạn chế lớn nhất của phương án điện một giá là không khuyến khích được khách hàng sử dụng điện tiết kiệm. Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng trong bối cảnh thiếu điện như hiện nay thì sẽ không phù hợp nếu áp dụng điện một giá
                    

Rút phương án điện một giá

Chiều nay 18.8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp về dự thảo biểu giá điện đang được lấy ý kiến. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, trong thời gian qua, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng biểu giá điện cải tiến bao gồm 3 phương án. 

Đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, có 2 phương án gồm: Phương án 1 là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc. Trong đó ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành; Giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến từ 101-200 kWh; Ghép các bậc từ 201-300 kWh với 301-400 kWh thành bậc mới và tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: 401-700 kWh và trên 700 kWh.

Phương án 2 là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như trên và giá bán lẻ điện một giá: Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Ở phương án 2 lại có hai phương án 2A và 2B. Trong đó biểu giá ở 4 bậc thang đầu tiên của phương án 2 A và phương án 2B giống như phương án 1. Biểu giá điện ở phương án 2A và 2B lần lượt được đề xuất ở mức 145% và 155% giá bình quân, tương ứng với mỗi phương án thì giá điện tại bậc thang thứ 5 sẽ được tính toán lại để giá điện sinh hoạt bình quân không đổi. 

Cuộc họp về dự thảo biểu giá điện chiều 18.8 do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì

Đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích ngoài sinh hoạt, có 2 phương án (Phương án 1: Khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt bao gồm 3 nhóm: sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh. Trong đó nhóm sản xuất đã bao gồm cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp dịch vụ logistics. Phương án 2: Gộp các nhóm sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 1 nhóm là khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt).

Bộ Công Thương cho biết các phương án sửa đổi nêu trên nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại chính hiện nay của biểu giá điện, theo hướng phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của các khách hàng. Sau hơn một tuần gửi lấy ý kiến, Dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại diện các hiệp hội và người dân với nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt liên quan đến phương án 2A và 2B về phương án có lựa chọn điện 1 giá. Đây là phương án bổ sung mới, lần đầu được đưa ra lấy ý kiến nên có ý kiến chuyên gia cho rằng phương án chưa giải quyết được mục tiêu đặt ra cũng như kỳ vọng của công chúng đối với phương án điện một giá.

Trên cơ sở xem xét ý kiến của nhiều chuyên gia, các khách hàng sử dụng điện trong đó phần lớn ý kiến tập trung vào Phương án giá điện 1 giá tại các Phương án 2A và Phương án 2B, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn nhìn nhận: Các Phương án giá 2A và 2B mặc dù có ưu điểm như sẽ cho thêm khách hàng được lựa chọn biểu giá theo phương án 1 giá hoặc bậc thang nhưng có hạn chế lớn nhất là không khuyến khích được khách hàng sử dụng điện tiết kiệm trong khi đây là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ và Bộ trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiết kiệm điện. 

"Vì vậy, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các khách hàng sử dụng điện đã được phản ánh trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, Cục Điều tiết Điện lực xin kiến nghị cho rút các Phương án giá điện 2A và 2B", ông Nguyễn anh Tuấn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: "Trong bối cảnh thiếu điện như hiện nay sẽ không phù hợp nếu áp dụng điện một giá, chưa kể phương án này không khuyến khích tiết kiệm điện. Còn nếu áp dụng cách tính điện theo bậc thang thì cần chú ý tính toán sao cho khoảng cách giữa các bậc phù hợp".

Cần làm rõ khoảng cách biểu giá điện

Góp ý cho dự thảo phương án cơ cấu bán lẻ điện, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho rằng cần dựa trên cơ sở làm rõ nội dung về khoảng cách biểu giá và cần phân tích rõ tại sao sử dụng phương án biểu giá điện 5 bậc thang so với 6 bậc thang trước đây để việc tính giá tiêu thụ điện được minh bạch, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.

Đại diện cho phía người tiêu dùng, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho rằng không nên đưa ra phương án điện một giá vào lúc này. Thay vào đó, ban soạn thảo cần tính đến việc cân đối, hài hòa lợi ích giữa các bên. Ông Tân cho biết, quan điểm của người tiêu cùng là cần điều chỉnh lại biên độ biến thiên của biểu giá điện bậc thang theo hướng nhất quán cũng như giải quyết được vấn đề giá điện bị nhảy vọt trong thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.

Trước những đề xuất trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng xét trên cơ sở nguyên tắc xác định giá bán lẻ điện thì phương án 2A, 2B và phương án điện một giá chưa phù hợp. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng tiếp tục chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực và các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cơ quan liên quan để tiếp tục hoàn thiện các phương án biểu giá điện mới.

Bộ trưởng chỉ đạo tiếp tục xin ý kiến về Phương án 1 về cải tiến giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm giảm bớt số bậc thang cho đối tượng khách hàng sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc và điều chỉnh các bậc thang để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân, các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt.

Bộ trưởng khẳng định: "Phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phải trên tinh thần công khai, minh bạch và cầu thị. Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, đơn vị cũng như số lượng khách hàng lựa chọn các phương án sửa đổi, góp ý trực tuyến và ý kiến đăng tải trên phương tiện thông tin báo chí, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu tiếp thu, đánh giá ảnh hưởng, xem xét đầy đủ toàn diện các tác động để bổ sung, hoàn thiện dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt".

Bài và ảnh: Tuyết Nhung

            

tuyetnhung