10 phim LGBT hay trên Netflix nên thưởng thức trong lúc tự cách ly vì COVID-19
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:20, 30/03/2020
Các bộ phim LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) thường bị xếp vào dòng phim nghệ thuật và không được chiếu rộng rãi. Chính vì thế, chúng ít khi đến được với khán giả đại chúng. Mặc dù vậy, nhờ vào hình thức streaming mà cụ thể ở đây là kênh Netflix, những bộ phim này nay đã có thể đến với nhiều người hơn.
Trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và không biết khi nào việc tự cách ly sẽ kết thúc, đây là lúc lý tưởng nhất để chúng ta thưởng thức hết 10 bộ phim này trước khi chúng bị tháo khỏi Netflix Việt Nam.
Handsome Devil (2016)
Từng tham gia tranh tài tại LHP Toronto 2016, Handsome Devil là một trong những phim dành cho thiếu niên hay nhất của Ireland. Nó xoay quanh Ned Roche – một thiếu niên đồng tính– và cuộc sống tại một trường nội trú toàn nam sinh thuộc giới thượng lưu. Conor Masters - bạn chung phòng của Ned – là ngôi sao bóng bầu dục của trường. Cả hai đã nảy sinh mối quan hệ vượt qua khuôn khổ thông thường và nó đã bị tác động rất lớn bởi những người xung quanh.
Bên cạnh chủ đề LGBT, Handsome Devil còn khai thác thói giả tạo và hợm hĩnh của những trường tư thục tại Ireland. Bộ phim này nhận được nhiều lời khen ngợi và giải thưởng danh giá bao gồm giải “Phim Ireland hay nhất năm 2017” từ Hiệp hội phê bình phim Dublin.
Alex Strangelove
Alex Truelove bắt đầu hẹn hò với bạn thân Claire sau khi mẹ cô bị chuẩn đoán ung thư. Cả hai đã lên kế hoạch cho đêm khoái lạc đầu tiên tại khách sạn nhưng mọi thứ thay đổi vì Alex gặp Elliot – một thiếu niên đồng tính công khai. Cảm nhận rõ sự cảm mến Elliot dành cho mình, Alex dần xiêu lòng nhưng đồng thời cũng bối rối vì không biết mình là “thẳng”, “gay” hay “song tính”.
Alex Strangelove đạt “80% độ tươi” trên Rotten Tomatoes kèm theo cơn mưa lời khen từ giới phê bình nghệ thuật, chủ yếu dành cho sự hài hước và cách khai thác vấn đề thiết thực của phim.
Yes or No (2010)
Yes or No là phim đồng tính nữ đầu tiên của Thái Lan có nhân vật chính là một “tom” (thường được gọi là “butch”, ám chỉ đồng tính nữ có thể hiện giới như nam).
Pie là một cô gái ngọt ngào vừa chuyển đến ký túc xá đại học mới. Tại đây, cô phát hiện bạn cùng phòng của mình là Kim - một cô nàng tomboy và ăn mặc như con trai. Khi mối quan hệ giữa cả hai phát triển, Pie và Kim bắt đầu tự hỏi liệu cảm giác họ dành cho nhau chỉ là tình bạn thông thường hay tình yêu đích thực.
Holding The Man (2015)
Dựa trên hồi ký cùng tên xuất bản năm 1995 của Timothy Conigrave, Holding The Man khắc họa mối tình cảm động của hai nhà hoạt động quyền LGBT Timothy Conigrave và John Caleo trong bối cảnh khủng hoảng HIV/AIDS vào thập niên 1980.
Kết phim tuy buồn vì John qua đời vào năm 1992 nhưng bộ phim cho chúng ta thấy tình yêu có thể vượt qua nghịch cảnh và càng trân trọng hơn những tiến bộ mà cộng đồng LGBT hiện sở hữu.
The Feels
The Feels là một bộ phim hài kể về buổi tiệc độc thân của một nhóm bạn đồng tính nữ trước khi diễn ra đám cưới của Andi (Constance Wu đóng) và Lu (Angela Trimbur đóng). Dưới ảnh hưởng của rượu, Lu thừa nhận với mọi người rằng cô không bao giờ đạt cực khoái và điều này đã khiến Andi mất tinh thần.
Buổi tiệc thế là trật bánh theo những cách hoàn toàn bất ngờ, khiến mọi người phải suy ngẫm về nhiều thứ trong cuộc sống như niềm tin, tình yêu và tình dục.
Loev (2015)
Loev là một bộ phim tình cảm lãng mạn Ấn Độ được viết và đạo diễn bởi Sudhanshu Saria – người đã đưa khá nhiều trải nghiệm cá nhân của mình vào kịch bản. Nội dung phim kể về chuyến nghỉ mát cuối tuần tại vùng núi Sahyadri của đôi bạn thân người Ấn Sahil và Jai - một nhạc sĩ và một doanh nhân thành công sống tại New York. Mặc dù vậy, mọi thứ đã không diễn ra như dự đoán và đây là lúc họ nhận ra tình cảm thật sự dành cho nhau.
Loev từng chiến thắng giải “Phim hay nhất do khán giả lựa chọn” tại LHP Tel Aviv 2016. Đáng tiếc, đây là bộ phim cuối cùng của nam diễn viên Dhruv Ganesh trước khi anh qua đời vì bệnh lao.
I am Jonas
Có mặt trên Netflix từ 20.3, I am Jonas kể về 2 quãng đỡi khác nhau của Jonas nhưng chúng đan chéo lẫn nhau. Bối cảnh đầu tiên là năm 1997 khi anh là một thiếu niên 18 tuổi nhút nhát và kín đáo. Bối cảnh thứ hai là 18 năm sau khi anh đã trở thành một gã đàn ông quyến rũ nhưng bốc đồng. Cuộc sống của Jonas bất ngờ bị xáo trộn bởi sự xuất hiện của Nathan – một người bạn đã giúp anh nhận ra bản chất thật của mình – khi anh vừa tròn 15 tuổi. Nhiều năm sau, Jonas vẫn bị ám ảnh bởi quá khứ và món quà của Nathan.
Do Christophe Charrier đạo diễn và biên kịch, I am Jonas sở hữu “100% độ tươi” trên Rotten Tomatoes đồng nghĩa với “tuyệt vời”. Nó được miêu tả là bức tranh chân dung chân thật về một chàng trai có nội tâm phức tạp và vô cùng đẹp đẽ.
Boy Erased
“Chữa đồng tính” là một vấn nạn lâu năm của cộng đồng LGBT. Mặc dù vậy, cho tới tận hôm nay nó vẫn chưa được nhìn nhận nghiêm túc bởi các chính phủ trên toàn thế giới kể cả Mỹ. Chủ đề này cũng chỉ được Hollywood khai thác gần đây.
Boy Erased dựa trên hồi ký cùng tên xuất bản năm 2016 của Garrard Conley – một nhà vận động quyền LGBT. Nó kể về trải nghiệm của anh khi còn là một thiếu niên tại bang Arkansa và bị người cha ngoan đạo của mình ép đi “chữa bệnh đồng tính”. Boy Erased có sự tham gia của dàn cast toàn sao hạng A: Lucas Hedges, Russel Crowe, Nicole Kidman, Joel Edgerton, Joe Alwyn, Xavier Dolan, Troye Sivan… Tại lễ trao giải GLAAD Awards 2019, nó đã được vinh danh là “Phim LGBT hay nhất”.
Other People
Other People là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Chris Kelly (kiêm biên kịch). David – một chàng trai đồng tính 29 tuổi – trở về nhà để chăm sóc mẹ của mình Joanne – người đang trong giai đoạn cuối của bệnh ung thư máu. Việc ở nhà là trải nghiệm kinh khủng đối với David do cha anh vẫn chưa chấp nhận xu hướng tính dục thật của con mình dù 10 năm đã trôi qua. Tuy nhiên, khi Joanne từ chối hóa trị và sức khỏe yếu dần, các thành viên trong gia đình buộc phải thay đổi để có thể đối phó với sự mất mát sắp tới.
Với 85% độ tươi trên Rotten Tomatoes, Other People rất được lòng giới phê bình nghệ thuật. Hầu hết lời khen là dành cho thể hiện của dàn cast và thông điệp nhân văn mà bộ phim truyền tải.
Thưa Mẹ Con Đi
Công chiếu vào năm ngoái, Thưa Mẹ Con Đi là phim đồng tính tạo được tiếng vang tốt nhất từ trước đến nay tại Việt Nam và được cộng đồng LGBT hết lòng ủng hộ. Kịch bản tuy đơn giản nhưng bộ phim khắc họa chân thật quá trình công khai của những người đồng tính với gia đình và sự dằn vặt nội tâm của họ. Cái kết không tiêu cực cũng là điểm sáng của Thưa Mẹ Con Đi trong bối cảnh dòng phim LGBT tại Việt Nam thường là bi kịch và rơi vào lối mòn.
Đặc biệt, rất nhiều người LGBT Việt Nam đã mượn cớ xem phim Thưa Mẹ Con Đi để công khai với cha mẹ của mình tại rạp. Phim sẽ có mặt trên Netflix từ 1.4.
Mai Thảo