Mỹ cảnh cáo tăng trừng phạt Nga vì Moscow ủng hộ Tổng thống Venezuela
Quốc tế - Ngày đăng : 14:11, 07/02/2020
Reuters dẫn lời Đặc sứ Mỹ Elliott Abrams tại một cuộc họp báo ở Washington ngày 6.2, rằng hôm 5.2, nhóm quan chức Citgo đã bị nhân viên SEBIN bắt giữ “một cách bạo tàn và không thể tự vệ”, vào lúc họ đang bị quản thúc tại gia.
Theo USA Today, nhóm quan chức Citgo còn được gọi là Citgo 6 và Tập đoàn dầu khí nhà nước PDVSA (Venezuela) là chủ Citgo. Vào tháng 11.2017, nhóm Citgo 6 được mời đến Venezuela dự cuộc họp với công ty mẹ, để rồi bị các nhân viên an ninh đeo mặt nạ bắt đi.
Citgo 6 bị nhốt tại một nhà tù ở Venezuela suốt 2 năm kế tiếp, bị buộc tội tham nhũng cho đến tháng 12.2019 thì bị quản thúc tại gia chờ ngày hầu tòa.
Ông Abrams còn nói nhóm Citgo 6 hiện bị giam tại nhà tù Helicoide ở thủ đô Caracas của Venezuela, và thời điểm bắt họ “rất đáng ngờ”, vào lúc thủ lĩnh đối lập Juan Guaido ở Venezuela gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Nhà Trắng. Mỹ và nhiều nước khác công nhận ông Guaido là Tổng thống Venezuela hợp pháp.
Ông Abrams nói chính phủ Mỹ đã nỗ lực giúp giải cứu “Citgo 6”, tức 6 quan chức Citgo. Ông khẳng định chính phủ Mỹ lên án “hành động bạo tàn và không thể tự vệ này, và đòi hỏi việc bắt giam phi lý nhóm quan chức Citgo phải kết thúc, phải cho phép họ rời khỏi Venezuela”.
Ông nói Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 5.2 biết được Citgo 6 bị bắt lại, từ một trong những gia đình của những người bị bắt. Ông được biết điều kiện quản thúc tại gia của họ “dùkhủng khiếp nhưng vẫn tốt hơn những gì họ phải chịu đựng ở nhà tù, nơi mà có sự lo ngại về điều kiện ăn uống và thuốc men dành cho họ. Ngay trước khi bị giam ở Caracas, họ luôn bị theo dõi. Có rất nhiều điệp viên luôn lảng vảng quanh nhà họ. Sẽ không phải là không hợp lý nếu nói họ bị nghe lén. Đó là một tình hình rất căng thẳng cho những quan chức và cho cả gia đình họ”.
Nhà ngoại giao Mỹ cũng cảnh cáo Moscow đã ủng hộ chế độ Maduro, và nói bóng gió khả năng Mỹ sẽ lại cấm vận Nga, sau khi chính phủ Mỹ kêu gọi các công ty năng lượng có quan hệ làm ăn với chính phủ Venezuela “phải cẩn trọng”.
Ông Abrams nói: “Như nhiều quan chức chính phủ đã lưu ý, có thể người Nga sẽ sớm nhận ra rằng sự ủng hộ kéo dài của họ dành cho Maduro sẽ không còn là miễn phí”, và nói thêm rằng những ai hưởng lợi nhờ ủng hộ ông Maduro cũng nên chú ý lời cảnh báo của Mỹ.
Các công ty năng lượng Rosneft (Nga), Reliance (Ấn Độ), Repsol (Tây Ban Nha) và Chevron (Mỹ) đã trở thành đối tác làm ăn chính của PDVSA từ năm 2019, khi Mỹ áp các mức trừng phạt nặng nhất lên tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela này.
Nhưng tiếp sau lệnh cấm các công ty Mỹ nhập khẩu dầu thô Venezuela (có hiệu lực từ ngày 28.1.2019), Mỹ đã không kiên quyết thực hiện lời dọakéo dài lệnh cấm vận đối với bất kỳ công ty nước ngoài nào làm ăn với PDVSA. Dầu thô xuất khẩu của Venezuela đã tăng lên trong vài tháng gần đây, giúp nuôi sống chế độ Maduro.
Cho đến nay, Mỹ chưa áp sự trừng phạt nào đối với Nga và Rosneft về việc họ ủng hộ chế độ Maduro. Đặc sứ Abrams từ chối cho biết các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Rosneft, nhưng ông hứa sẽ có thêm các sự trừng phạt dù không cho biết chi tiết: “Chúng tôi đã ghi nhận sự trừng phạt đã và đang có tác động đáng kể, và các mức trừng phạt sẽ tăng”.
Theo Reuters, các công ty dầu khí Nga và các cố vấn quân sự Nga đang giữ các vai trò chính, trong nỗ lực ủng hộ chính phủ Tổng thống Maduro, người mà thủ lĩnh đối lập Guaido đòi lật đổ, trong khi Mỹ áp các lệnh trừng phạt để buộc ông Maduro phải rời khỏi vị trí lãnh đạo Venezuela.
Cùng ngày 6.2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tố cáo chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Venezuela là “khiêu khích và tìm cớ để can thiệp quân sự”. Ông lên án các nỗ lực lật đổ Tổng thống Maduro là “vô ích” và những lời Mỹ dọa nạt Venezuela là “phản tác dụng”.
Hãng tin TASS dẫn lời ông Lavrov: “Không ai có thể giải quyết những vấn nạn của người Venezuela cho họ, nhưng những người khác có thể cố gắng ngăn họ đàm phán. Chúng tôi cho rằng những nỗ lực này nhằm tạo cớ để can thiệp quân sự”.
Theo Tass, Ngoại trưởng Lavrov nói: “Nga và Mexico đồng ý đây sẽ là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Sau cuộc gặp người đồng nhiệm Marcelo Ebrard, ông Lavrov nói tại cuộc họp báo, rằng chính sách đối ngoại của Mỹ bám mãi vào quá khứ, cáo buộc Washington dùng chiến thuật bắt nạt.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Mexico không dự cuộc họp báo chung với ông Lavrov. Ngược với việc ông Ebrard cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo họp báo chung, khi ông Pompeo thăm Mexico năm 2019.
Các tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra trong chuyến thăm Mexixo, vào lúc chính phủ Mexico đang phải tìm cách tránh làm buồn lòng chính phủ Mỹ, đáp ứng các yêu cầu của Tổng thống Mỹ về di trú cùng các vấn đề khác nhằm tránh bị Mỹ trừng phạt kinh tế.
Mỹ Trinh (theo Reuters)