Tổng thống Belarus không muốn trở thành ‘thống đốc’ của Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 20:45, 22/01/2020
Hãng tin AP ngày 21.1 dẫn lời nhà phân tích chính trịValery Karbalevich thuộc Strategia, một tổ chức nghiên cứu đặt trụ sở ở thủ đô Minsk của Belarus: “Nhập khẩu dầu từ các nguồn thay thế thì Belarus tốn nhiều tiền hơn là nhập dầu rẻ tiền của Nga, nhưng Lukashenko đang phát đi một thông điệp rõ ràng đến Điện Kremlin, rằng ông ấy sẵn sàng thắt đai buộc bụng của ông ấy, nhưng không sẵn sàng trở thành một thống đốc vùng của Nga”.
Điện Kremlin o ép Belarus để làm gì ?
Cùng ngày, tập đoàn dầu khí nhà nước Belneftekhim (Belarus) nói đã mua 80.000 tấn dầu thô của Na Uy, và trong vài ngày tới sẽ chuyển đến các nhà máy lọc dầu của Belarus bằng tuyến đường sắt.
Việc Belarus bắt đầu nhập khẩu dầu Na Uy tiếp sau việc Nga ngưng cung ứng dầu cho Belarus láng giềng từ ngày 31.12.2019, vào lúc các cuộc đàm phán nhằm tăng cường quan hệ kinh tế Nga - Belarus bị kéo dài, và vào lúc chính phủ Nga hối thúc nền kinh tế hội nhập giữa hai nước.
Theo AP, gần đây Điện Kremlin tăng sức ép lên Belarus, nâng giá bán nhiên liệu và giảm trợ giá. Chính phủ Nga nói Belarus nên chấp nhận sự hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, nếu Belarus muốn tiếp tục nhận nguồn năng lượng với giá bán ở Nga.
Hồi tháng 12.2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có hai vòng đàm phán với đồng nhiệm Belarus, nhưng hai bên không thể nhất trí về quan hệ thân cận hơn, cũng như về giá mua - bán dầu và khí tự nhiên.
Ông Putin nói Nga không sẵn sàng “trợ giá” cho việc cung ứng năng lượng, nếu không có sự hội nhập kinh tế với Belarus. Nhưng ông Lukashenko nhấn mạnh ông sẽ không đồng ý hội nhập kinh tế, cho đến khi nào giải quyết xong chuyện cung ứng dầu - khí Nga cho Belarus.
Hai bên đã không thể tái thương lượng để thống nhất giá mua - bán cho năm 2020. Đầu tháng 1, Nga ngưng rồi nối lại việc cung ứng dầu thô hạn chế cho Belarus từ ngày 4.1. Công ty ống dẫn dầu Transneft (Nga) xác nhận đã chuyển 133.000 tấn dầu thô cho Belarus.
Phía Belarus, và tập đoàn Belneftekhim nói đợt hàng đầu tiên đủ bảo đảm cho các nhà máy lọc dầu của Belarus “chạy không ngừng trong tháng 1.2020”. Tập đoàn cũng cho biết dầu được bán giá khuyến mãi trong khi vẫn tiếp tục đàm phán để nối lại việc nhập khẩu bình thường.
Nhưng Tổng thống Lukashenko cũng đã hứa sẽ tìm các nguồn cung ứng thay thế. Cuối năm 2019, ông ra lệnh cho chính phủ phải tìm nguồn thay thế, dù thực tế sẽ rất khó làm vì Belarus hầu như lệ thuộc vào Nga.
Trong cuộc họp chính phủ ngày 21.1, Tổng thống Lukashenko thừa nhận: “Hiện không có nguồn thay thế cho nguồn dầu từ Nga chuyển qua”, đồng thời cho biết Belarus cần đa dạng hóa và nên nhập không quá 40% nguồn dầu cần thiết từ Nga. Ông nói: “30% còn lại, chúng ta nên nhập từ các nước vùng biển Baltic, và 30% khác từ Ukraine”.
Việc Nga ngưng cung cấp dầu không tác động đến dòng dầu - khí tự nhiên đi qua Belarus đến châu Âu, nhưng gây ra các hậu quả cho Belarus vốn dựa vào Nga để có hơn 80% nguồn năng lượng cần thiết, gồm khí đốt.
Theo AP, Belarus nhập hơn 90% dầu thô từ Nga và lệ thuộc giá bán khuyến mãi và vay của Nga từ hơn 25 năm qua. Nhưng Belarus cũng có một ưu thế, là Nga phải dựa vào Belarus để vận chuyển dầu cho các thị trường giàu có hơn ở phần còn lại của châu Âu. Khoảng 10% nguồn cung ứng dầu cho Tây Âu là của Nga, thông qua một tuyến ống dẫn dầu quá cảnh Belarus.
Hiện hai nhà máy lọc dầu của Belarus đang hoạt động với năng suất thấp, dựa vào nguồn dự trữ. Tập đoàn Belneftekhim nói vẫn có đủ dầu dự trữ cho nhu cầu của toàn Belarus. Minsk cũng tuyên bố ngưng xuất khẩu dầu thô dù đây là mặt hàng đóng góp 20% vào GDP hàng năm của Belarus.
Một nhà máy lọc dầu ở Belarus - Ảnh: AP
Điện Kremlin bác tin đồn Nga sẽ “nuốt trọn” Belarus
Những cuộc đàm phán về giá mua - bán dầu - khí giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Belarus trong vài tháng gần đây, đã làm dấy lên nỗi sợ hãi ở Belarus rằng Điện Kremlin lên kế hoạch “nuốt trọn” Belarus.
Theo kế hoạch giả định này, ông Putin sẽ trở thành lãnh đạo của một nhà nước Nga - Belarus thống nhất, nhằm giữ nguyên quyền lực của ông khi ông mãn nhiệm kỳ Tổng thống Nga vào năm 2024.
Sự lo sợ đó còn do việc Nga thu hồi bán đảo Crimea khỏi Ukraine hồi năm 2014, và phương Tây cáo buộc Nga “chống lưng” quân ly khai đòi tự trị ở phía đông Ukraine.
Điện Kremlin phủ nhận không hề có kế hoạch nêu trên. Ông Putin khẳng định không hề có kế hoạch thống nhất Nga với Belarus.
Hồi cuối năm 2019, Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói hai ông Putin - Lukashenko gặp nhau để bàn về một lộ trình phát triển và tăng cườngquan hệ song phương, các dự án đầu tư và khí đốt.
Vẫn theo AP, Nga đã dùng ưu thế chính trị và là nguồn cung ứng năng lượng chủ đạo để giữ Belarus trong quỹ đạo kinh tế của Nga, không cho Belarus phát triển quan hệ thân cận hơn với châu Âu.
Ông Lukashenko làm Tổng thống Belarus từ năm 1994 đến nay, với sự giúp đỡ của Nga thông qua việc cho vay tiền và trợ giá năng lượng. Nhưng từ năm 2018, Nga đã cắt giảm khoản giúp này, nói việc trợ giá cho Belarus khiến kho bạc Nga bị lỗ hàng tỉ USD.
Nhưng chính phủ Belarus tuyên bố sẵn sàng mất hàng trăm triệu USD/năm từ những thay đổi trong chính sách thuế của Nga, và nói Nga phải bồi thường cho Belarus.
Tổng thống Lukashenko cáo buộc Nga âm mưu bắt nạt để ép đất nước nhỏ bé của ông thành một khối thống nhất với Nga. Ông Lukashenko cũng đã luôn bác bỏ mối lo sợ của phe đối lập rằng Belarus sẽ bị mất nền độc lập, nếu như có một thỏa thuận sáp nhập vào Nga. Ông nói Belarus sẽ không bao giờ là một phần lãnh thổ của Nga, và hai bên không bao giờ bàn luận về quan hệ chính trị sâu hơn.
Ngày 5.12.2019, ông Lukashenko nói với các nghị sĩ Belarus: “Nền độc lập và quyền toàn vẹn lãnh thổ mà chúng ta và đồng bào đã lập sẽ không bao giờ bị mất. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra khi tôi còn gánh vác trách nhiệm”, và ông nói thêm Belarus - Nga chưa bao giờ bàn chuyện lập một quốc hội thống nhất hoặc các vấn đề chính trị khác.
Nhà phân tích chính trị Alexander Klaskovsky ở Minsk cũng nói với Reuters: “Nga bắt đầu o ép Minsk bằng cách giật nền kinh tế theo kiểu Liên Xô của Belarus khỏi chiếc kim tiêm dầu của Nga, nhưng ông Lukashenko đang đấu cật lực, vì ông ấy không muốn trở thành một thống đốc vùng của Nga”.
Mỹ Trinh (theo AP, Moscow Times)