Năm 2019, phát hiện 10 trường hợp vi phạm trong số hơn 1 triệu người kê khai tài sản

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:50, 14/01/2020

Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2019 của ngành thanh tra, năm qua, qua xác minh phát hiện 10 trường hợp vi phạm về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp.

Theo báo cáo, năm 2019, toàn ngành đã triển khai 6.601 cuộc thanh tra hành chính và 227.386 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 173.411 tỉ đồng, 22.548 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 83.968 tỉ đồngvà 897 ha đất (đã thu hồi 19.329 tỉ đồng, 121 ha đất).

Theo đó, đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 113.625 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 5.315 tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 94 vụ, 121 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, trong đó:

Thanh tra Chính phủ tiến hành 51 cuộc thanh tra, tập trung vào công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành Trung ương; công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa, đầu tư xây dựng của địa phương; việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng vốn, tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…

Kết quả 19 cuộc thanh tra đã ban hành kết luận phát hiện vi phạm số tiền 80.822 tỉ đồng, 1.199 ha đất; kiến nghị thu hồi 38.656 tỉ đồng, 395 ha đất; kiến nghị, xử lý khác 42.166 tỉ đồng, 804 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý 13 vụ; kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến nội dung thanh tra.

Đặc biệt, đã tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Thanh tra toàn diện Dự án mở rộng và cải tạo sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; Thanh tra việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trả nợ cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy và số tiền 4.190 tỉ đồng Chính phủ tạm ứng cho tập đoàn Công nghiệp tàu thủy thực hiện tái cơ cấu; Thanh tra về quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; quản lý và sử dụng đất đai trên bán đảo Sơn Trà…

Cơ quan thanh tra cũng tiến hành 6 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Qua các cuộc thanh tra đã ban hành kết luận, phát hiện 375 đơn vị có vi phạm; kiến nghị xử lý 431 tổ chức, 771 cá nhân…

Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 424.985 lượt công dân (tăng 1,6% so với năm 2018) với 256.231 vụ việc (giảm 5,5% so với năm 2018); có 4.254 đoàn đông người (giảm 4,9% so với năm 2018).

Tổng hợp kết quả minh bạch tài sản, thu nhập, số người đã kê khai tài sản, thu nhập là 1,081 triệu người, đạt tỷ lệ 99,9% số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai đạt tỷ lệ 99,4%; có 46 người được xác minh tài sản, thu nhập. Qua xác minh phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp.

Kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức tại 2.799 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý là 159 người. Xử lý 42 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 4 người đã bị xử lý hình sự; 38 người bị xử lý kỷ luật hành chính.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tự kiểm tra nội bộ phát hiện 70 vụ (giảm 23 vụ so với năm 2018), 89 người (giảm 69 người) có hành vi liên quan đến tham nhũng, trong đó: cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 47 vụ, 72 người có hành vi liên quan đến tham nhũng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 19 vụ, 12 người; qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện 4 vụ, 5 người.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ cũng nhìn nhận công tác thanh tra còn có những hạn chế như một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Kết quả đôn đốc, xử lý về thanh tra của các bộ, ngành, địa phương thấp hơn năm ngoái và chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong hoạt động thanh tra, một số cán bộ thanh tra không chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của ngành, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc giải quyết còn chậm, kéo dài, khi giải quyết còn nhiều sai sót; kết quả triển khai thực hiện Luật tố cáo năm 2018 chưa đồng đều, nhất là một số nội dung mới; hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng còn hạn chế.

Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn bất cập, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn. Tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây dư luận và bất bình trong quần chúng, Nhân dân. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít trong tương quan so với số sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra, kiểm toán; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng nhìn chung còn thấp.

Lam Thanh

Bùi Trí Lâm