Phó thủ tướng Campuchia đề nghị 'tránh thổi phồng tranh chấp' ở Biển Đông
Chuyển động - Ngày đăng : 16:36, 05/10/2020
Theo đó, ông Namhong kêu gọi các nước bên ngoài khu vực tránh “khiêu khích” về vấn đề Biển Đông và cho rằng bất kỳ tranh chấp nào cũng cần được giải quyết hòa bình bởi các bên liên quan trực tiếp.
“Ghi nhận qua nhiều năm đàm phán nghiêm túc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đang xây dựng dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm thúc đẩy các bên liên quan trực tiếp để giải quyết các tranh chấp”, ông Namhong nói với Tân Hoa xã kêu gọi các nước ngoài khu vực nên khuyến khích ASEAN và Trung Quốc đạt được COC.
Phó thủ tướng Campuchia cho biết: “Trong khi ASEAN và Trung Quốc đang trong quá trình giải quyết sự khác biệt một cách trực tiếp và hòa bình thông qua COC, các cường quốc bên ngoài nên đóng góp vào hòa bình trong khu vực và tránh thổi phồng các tranh chấp”.
Đáng chú ý, ông Namhong còn hoan nghênh đối với tuyên bố của chính phủ Trung Quốc vào tháng 7.2016 về việc “Bắc Kinh sẵn sàng tiếp tục giải quyết các tranh chấp liên quan một cách hòa bình thông qua đàm phán và tham vấn với các quốc gia liên quan trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế” bất chấp nước này liên tục có những động thái “gây ảnh hưởng ở Biển Đông”.
“Tôi nghĩ mọi người nên đánh giá cao Tuyên bố năm 2016 này, trong đó chính phủ Trung Quốc cam kết tôn trọng và duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế ở Biển Đông”, Namhong khẳng định.
Trên thực tế, Trung Quốc thời gian qua đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông cùng với sự gia tăng các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình bất chấp bị cộng đồng quốc tế trong đó có nhiều nước phương Tây, ASEAN lên tiếng phản đối.
Tuyên bố của Phó thủ tướng Campuchia được Tân Hoa xã dẫn lại 1 tuần sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên cho biết chính quyền Manila đồng ý gác lại tranh chấp ở Biển Đông để tăng cường đối thoại, hợp tác. Động thái này của Philippines được cho khiến cho các nỗ lực của ASEAN về vấn đề Biển Đông trở nên khó khăn, do nếu Bộ Quy tắc ứng xử ASEAN không có phán quyết của PCA, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng điểm này để đưa ra những tuyên bố bành trướng hơn.
Được biết, năm 2016, Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 đã ra phán quyết trong vụ kiện Biển Đông do Philippines đệ trình. Phán quyết của tòa đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, gồm cả "đường 9 đoạn" (đường lưỡi bò) do nước này tự vẽ ra để đòi chủ quyền và rằng cái gọi là chủ quyền lịch sử là không có cơ sở pháp lý.
Sau khi Mỹ thể hiện lập trường phản đối mạnh mẽ mọi yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh gần đây đã tiến hành nhiều chương trình đối ngoại với ASEAN nhằm bày tỏ lo lắng về "nguy cơ gia tăng xung đột trên vùng biển tranh chấp".
Nhiều nhà ngoại giao ASEAN cho rằng cuộc gặp nhấn mạnh mong muốn của Trung Quốc là giữ các láng giềng châu Á bên mình và đẩy Mỹ ra khỏi bức tranh khu vực, sau khi Washington có bước đi cứng rắn bác bỏ các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông. Họ cho biết Trung Quốc thời gian gần đây tỏ ra thiện chí hơn với việc bàn bạc giải quyết tranh chấp Biển Đông - một vấn đề vốn đang bị gạt sang một bên để thay vào đó tập trung vào hợp tác kinh tế song phương.