Thủ tướng: Phấn đấu đạt tăng trưởng 2,5-3%, không lơ là để COVID-19 bùng phát lại

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:00, 02/10/2020

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.2020, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế; xây dựng mô hình chuỗi giá trị với từng loại sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án, những chương trình để thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phục hồi kinh tế - Ảnh: Internet

Quý 3 tiến hành hơn 61.000 cuộc thanh tra

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.2020 cho biết, quý 3/2020, toàn ngành Thanh tra đã triển khai trên 61.800 cuộc thanh tra, trong đó có 2.169 cuộc thanh tra hành chính và 59.639 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra đã hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm 54.977 tỉ đồng, 1.968 ha đất; kiến nghị thu hồi về Ngân sách nhà nước 18.575 tỉ đồng và 227 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 36.402 tỉ đồng, 1.741 ha đất; đã kiến nghị xử lý với trên 500 tập thể, cá nhân; ban hành 26.324 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.208 tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 31 vụ, 17 người.

Về nhiệm vụ trong quý 4.2020 và thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thanh tra thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo kế hoạch được duyệt cùng các nhiệm vụ đột xuất được giao. Trong đó, tập trung xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ định hướng, kế hoạch công tác thanh tra năm 2021 có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo.

Tập trung kết thúc các cuộc thanh tra đã triển khai theo đúng thời gian quy định; khẩn trương ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra. Quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và nghị định hướng dẫn thi hành, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Kinh tế nhiều điểm sáng

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội, “những điểm sáng, mặt được chủ yếu”, Thủ tướng cho rằng, đầu tiên là dịch COVID-19 nhanh chóng được kiểm soát, tạo điều kiện sớm khôi phục kinh tế. Hai đợt bùng phát dịch bệnh vào tháng 3 và tháng 7 đã ảnh hưởng lớn nhưng chúng ta đã kiểm soát thành công và thực hiện mục tiêu kép thắng lợi, đặc biệt là kinh tế tháng 9 có sự tăng trưởng cao hơn.

“Thực tế nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quý 2 và đang phục hồi theo hình chữ V. Cùng với đó, tăng trưởng trong quý 3 đã góp phần cho tăng trưởng cả năm. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh các nước ASEAN hay các đối tác lớn đều tăng trưởng âm và chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho biết điểm sáng nữa là kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm; tỉ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng nhanh; lạm phát dần được kiểm soát theo mục tiêu. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng chung. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã phát huy vai trò bệ đỡ cho an ninh lương thực quốc gia.

Xuất khẩu khả quan, tăng 4,2%; thặng dư thương mại cao kỷ lục với 17 tỉ USD, là mức cao nhất trong 4 năm qua. Đặc biệt khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng, tăng hơn 20%; có 30 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD và 5 mặt hàng trên 10 tỉ USD.

Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được cải thiện, tốc độ tăng vốn thực hiện từ Ngân hàng Nhà nước trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong 5 năm qua với tổng mức thực hiện 9 tháng đầu năm đạt trên 300.000 tỉ đồng, đã giải ngân trên 60% kế hoạch năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý 3 tăng khá với 7,4%, vốn đầu tư Nhà nước tăng 21,5%.

Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế. Trong 9 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành. Đây là một biện pháp kích thích nền kinh tế.

Các lĩnh vực xã hội được chú trọng. Trong tháng 9 và quý 3 không có địa phương nào phát sinh thiếu đói. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt kết quả tích cực; hình ảnh, uy tín của Việt Nam được nâng cao.

Không được lơ là, chủ quan

Thủ tướng nêu rõ không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại; yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là hai thành phố lớn kiểm soát chặt chẽ tất cả các nguồn nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là nhập cảnh trái phép.

Về việc mở lại các đường bay quốc tế, đây là điều tất yếu phải làm nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lọt vào cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn chi tiết, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người dân, các chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà đầu tư.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề cách ly ở khách sạn khi có nhiều ý kiến khác nhau như trường hợp thay đổi chi phí cách ly ở khách sạn mà báo chí phản ánh vừa qua, gây bức xúc cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 2,5-3%. Theo đó, phải xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án, những chương trình để thúc đẩy tăng trưởng. Bộ VH-TT-DL cần xem xét chủ đề du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn trong 3 tháng cuối năm.

Cho biết vừa ký Quyết định lấy ngày 4.10 hằng năm là "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam", Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương ưu tiên quan tâm đến công tác đào tạo lao động để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI. Bộ Công Thương phải chủ trì kế hoạch triển khai Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh đầu tư để góp phần tăng trưởng. Tiếp tục mở rộng khai thác hiệu quả thị trường, đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa.

Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số phải trở thành ưu tiên quốc gia, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thủ tướng đề nghị các bộ liên quan sớm đề xuất gói hỗ trợ an sinh xã hội bổ sung đợt 2 và tạo thuận lợi cho giải ngân tốt hơn nữa.

Chính phủ xác định công tác thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật để kiểm soát tham nhũng, tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn tại.

Lam Thanh