Khai thác điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam chưa cao, chưa xứng với tiềm năng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:17, 28/09/2020
Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đang dự thảo Báo cáo quốc gia 2020 về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Theo đó, với mục tiêu “đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người”, đến năm 2020, cơ bản 100% hộ gia đình được tiếp cận với điện; đến năm 2025 đạt 100%; đến năm 2030 đảm bảo tiếp cận toàn dân đối với các dịch vụ năng lượng trong khả năng chi trả, đáng tin cậy và hiện đại.
Trong đó, Quyết định 681 (năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030) đặt lộ trình cho chỉ tiêu tỷ lệ hộ tiếp cận điện vào năm 2020, 2025 và 2030 là 100%.
Theo phân tích từ Bộ KH-ĐT, Việt Nam hiện có tỷ lệ hộ dân được tiếp cận với nguồn điện khá cao nhờ những nỗ lực trong cải cách lĩnh vực năng lượng cũng như phát triển mạng lưới điện quốc gia, áp dụng CNTT trong việc vận hành hệ thống quản lý dịch vụ cung cấp điện, ưu tiên đầu tư mạng lưới điện tại các vùng khó khăn, hải đảo. Hiện hơn 99% các hộ gia đình Việt Nam đã được tiếp cận điện lưới quốc gia. Như vậy, Bộ KH-ĐT cho biết Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu lộ trình đặt ra cho năm 2020 sớm hơn 2 năm và chắc chắn sẽ hoàn thành lộ trình theo chỉ tiêu trên cho các mốc năm 2025 và 2030 trước thời hạn.
Ngoài ra, trong dự thảo báo cáo cũng nêu rõ đến năm 2030, tăng đáng kể tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của quốc gia, cụ thể đạt 31% vào năm 2020 và đạt 32,3% vào năm 2030.
Theo thống kê, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ cuối cùng ở Việt Nam có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây và đạt ở mức 26,15% vào năm 2017 so với mức chỉ 14% vào năm 2012. Tuy nhiên, trong dự thảo, Bộ KH-ĐT cũng chỉ ra việc cần lưu ý khi năng lượng tái tạo này chủ yếu xuất phát từ thủy điện, còn năng lượng tái tạo không phải thủy điện mới chỉ chiếm tỷ lệ hạn chế trong tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng.
Trong khi đó, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo không phải thủy điện, như điện gió và điện mặt trời. Theo dự thảo, hiện mức khai thác năng lượng từ thủy điện đã gần đạt ngưỡng tối đa nhưng mức khai thác các nguồn năng lượng tái tạo khác đang còn ở mức rất nhỏ hoặc đang trong giai đoạn nghiên cứu. Được biết Quyết định 681 đặt mục tiêu đến năm 2030, công suất lắp đặt và sản lượng điện tái tạo mặt trời đạt 12.000MW, năng lượng sinh khối đạt 2,1%, thủy điện đạt 27.800MW…
Gần đây, Chính phủ đã ban hành và thực hiện một số chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo không phải thủy điện và đã có nhiều dự án phát triển năng lượng tái tạo không phải thủy điện quy mô lớn được triển khai và đưa vào sử dụng. Cụ thể, Việt Nam đang xây dựng Quy hoạch điện 8 với định hướng chú trọng phát triển năng lượng tái tạo theo quan điểm tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2035 và tầm nhìn đến 2045…
Từ những thống kê và phân tích trên, Bộ KH-ĐT cho biết Việt Nam sẽ gặp khó khăn để đạt mục tiêu chung về “Năng lượng sạch với giá cả hợp lý”; bên cạnh đó, những vấn đề hiện nay liên quan tới mục tiêu này gồm hiệu quả sử dụng năng lượng còn thấp, thiếu số liệu và thông tin liên quan tới các chỉ tiêu giám sát tiến trình thực hiện các mục tiêu…
Thu Anh