Người lao động sẽ được hưởng nhiều quyền lợi về thu nhập từ ngày 1.1.2021
Sự kiện - Ngày đăng : 11:59, 20/09/2020
Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ 1.1.2021 quy định nhiều điểm mới về tiền lương, thưởng mà người lao động cần phải biết để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Được nghỉ việc riêng mà vẫn được hưởng nguyên lương
Cụ thể, theo Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong những trường hợp: Kết hôn, nghỉ 3 ngày; Con đẻ, con nuôi kết hôn, nghỉ 1 ngày; Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết, nghỉ 3 ngày.
Như vậy, so với quy định hiện hành, Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì người lao động được nghỉ 3 ngày và hưởng nguyên lương. Đồng thời, quy định rõ hơn trường hợp "con đẻ", "con nuôi" kết hôn thì được nghỉ 1 ngày (hiện hành, quy định "con" kết hôn thì nghỉ 1 ngày); "con đẻ", "con nuôi" chết thì được nghỉ 3 ngày (hiện hành quy định "con" chết thì nghỉ 3 ngày).
Có thể nghỉ việc không cần báo
Cụ thể, theo Điểm b, Khoản 2, Điều 35, Bộ luật Lao động 2019, thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước cho người sử dụng lao động nếu không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 BLLĐ 2019 (hiện hành phải báo trước 3 ngày).
Được thưởng bằng tiền hoặc bằng các hình thức khác
Theo Điều 104, Bộ luật Lao động 2019 thì thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động (Bộ luật Lao động hiện hành chỉ quy định về tiền thưởng). Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Được cộng lãi suất khi tính tiền đền bù do chậm trả lương
Khoản 4, Điều 97, Bộ luật Lao động 2019 quy định: trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì cũng không được chậm quá 30 ngày. Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Tin và ảnh: Tuyết Nhung