Mỹ - Trung tăng cường đối đầu, lôi kéo ảnh hưởng tại khu vực sông Mekong

Góc nhìn - Ngày đăng : 17:23, 10/09/2020

Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy hoạt động của Cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Lan Thương - Mekong (LMC) trong khi Mỹ chỉ trích Trung Quốc lợi dụng cơ chế này nhằm làm giảm vai trò của Mỹ cũng như tăng cường gây ảnh hưởng trong khu vực.
Sông Mekong nhìn từ tỉnh Nong Khai, Thái Lan - Ảnh: Reuters

Bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng ở Trung Quốc, sông Mekong chảy qua Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, lấy trầm tích màu mỡ để nuôi dưỡng những cánh đồng lúa nước ở vùng đồng bằng trước khi đổ ra biển Đông. Sông Mekong từ lâu được coi là nền tảng của sự tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng ở Đông Nam Á, nổi tiếng với tính đa dạng sinh học khi sở hữu một trong những nguồn cá nước ngọt dồi dào nhất thế giới.

Sông Mekong cung cấp lương thực, nước uống, thủy lợi, giao thông và thủy điện, đem lại lợi ích cho 60 triệu người đang sinh sống dọc theo con sông này và xa hơn nữa. Việc quản lý nguồn nước xuyên biên giới và các vấn đề về việc sử dụng nguồn nước có liên quan đã và đang là nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực.

Cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Lan Thương - Mekong (LMC) do Trung Quốc khởi xướng từ năm 2015 với sự tham gia của 6 quốc gia gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Sự ra đời của LMC đã bổ sung vào danh sách các cơ chế hợp tác đang vận hành trong khu vực bao gồm Ủy hội Sông Mekong (MRC), Sáng kiến hạ lưu sông Mekong (LMI) do Mỹ hỗ trợ… Tuy nhiên, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc - thông qua cơ chế hợp tác đa phương mới LMC - đang định hình tương lai kinh tế và môi trường khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu trước hội nghị hợp tác LMC lần thứ 3 được tổ chức trực tuyến, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thông báo bắt đầu từ năm 2020, Trung Quốc sẽ chia sẻ dữ liệu thủy văn trong cả năm của đoạn sông Mekong chảy trên lãnh thổ nước này, được gọi là sông Lan Thương, với các nước ở khu vực sông Mekong.

Theo đó, Trung Quốc sẽ làm việc với các nước LMC nhằm thiết lập một nền tảng chia sẻ thông tin về hợp tác nguồn nước sông Mekong - Lan Thương nhằm đối phó tốt hơn với biến đổi khí hậu và thiên tai như lũ lụt và hạn hán. Ông Lý Khắc Cường cho rằng hợp tác liên quan đến nguồn nước góp phần thúc đẩy tinh thần hữu nghị, lợi ích chung và hợp tác các bên cùng có lợi của LMC.

”Uống nước từ cùng một dòng sông, chúng ta, các quốc gia LMC, gần gũi như một gia đình sống trong một cộng đồng với một tương lai chung. Chúng ta cần đưa sự hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên nước lên một tầm cao mới”, ông Lý phát biểu và khẳng định hợp tác liên quan đến nguồn nước góp phần thúc đẩy tinh thần hữu nghị, lợi ích chung và hợp tác các bên cùng có lợi của LMC.

Thitinan Pongsudhirak, Phó giáo sư tại Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, cho biết bằng cách đề nghị chia sẻ dữ liệu thủy văn, Trung Quốc đang cố gắng dập tắt những chỉ trích cũng như củng cố vị thế tại khu vực sông Mekong.

Theo hãng tin Nikkei, Bắc Kinh dường như đã thay đổi chính sách về sông Mekong sau đợt hạn hán kỷ lục vào năm ngoái, làm thiệt hại mùa màng ở Thái Lan và Việt Nam, hai nhà xuất khẩu gạo hàng đầu, khiến giá gạo quốc tế tăng vọt.

Thông qua các con đập ở thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc được cho là đang kiểm soát dòng chảy, tích trữ nhiều nước và hạn chế xả ra, gây ra những thay đổi thất thường đối với mực nước ở hạ nguồn, trong đó có tình trạng hạn hán, dẫn đến nguồn cung thực phẩm và sinh kế của hàng chục triệu người bị đe dọa nghiêm trọng.

Trước đó, MRC hồi giữa tháng 6 lên tiếng yêu cầu Trung Quốc công bố kịp thời dữ liệu về lưu lượng nước tại các con đập do nước này xây dựng và quản lý, sau khi khu vực hạ lưu sông Mekong trải qua mùa khô hạn kỷ lục. Cụ thể, Ủy hội kêu gọi Bắc Kinh cung cấp “dữ liệu trong cả năm để phục vụ giám sát và báo cáo hiệu quả hơn về tình trạng lũ lụt và hạn hán trên sông Mekong".

Trong một tuyên bố vào tháng 4, MRC khẳng định lượng nước ở thượng nguồn sông Mekong tại Trung Quốc cao hơn bình thường trong mùa khô năm 2019 và 2020, nhưng cho biết sẽ là rất cần thiết để có thêm nhiều bằng chứng khoa học nhằm kết luận rằng hạn hán hồi năm ngoái phần lớn là do việc trữ nước ở các đập chủ yếu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, báo cáo của nhiều tổ chức phi chính phủ gần đây dựa trên dữ liệu nghiên cứu từ vệ tinh của Công ty Eyes on Earth Inc. (EoE, Mỹ) chỉ ra rằng 11 đập thủy điện mà Trung Quốc xây dựng ở thượng lưu sông Mekong, với 5 con đập trong số này hoạt động từ năm 2017, đã phá vỡ dòng chảy của sông, giữ nước ở thượng nguồn trong mùa mưa, gây hạn cho khu vực hạ lưu, đe dọa an ninh lương thực cũng như cuộc sống của hơn 60 triệu dân ở các quốc gia trong lưu vực.

Theo EoE, mực nước tại thượng nguồn sông Mekong ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trên mức trung bình vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó, mực nước ở hạ lưu sông Mekong vào cùng thời điểm này có lúc thấp hơn 3m so với mức cần thiết, cùng lúc phải chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng chưa từng thấy. Ngoài ra, kể từ khi Trung Quốc hoàn thành đập Nọa Trác Độ năm 2012, cả 11 đập cùng lúc giữ lại nhiều nước hơn so với giai đoạn 20 năm trước, lượng xả ra ngày càng ít.

Về phần mình, phía Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc các đập ở nước này khiến mực nước sông Mekong thất thường. Bắc Kinh hồi tháng 2 cũng đã thông báo sẽ xả nước các đập thủy điện của mình trên sông Mekong để giúp các quốc gia vùng hạ lưu sông đối phó với tình trạng hạn hán kéo dài, đồng thời sẽ xem xét chia sẻ thông tin về thủy văn để hỗ trợ thêm trong tương lai.

Được biết Bắc Kinh đã cung cấp nguồn tài chính khổng lồ để phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước trong lưu vực trong nhiều năm theo sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, trong khi Washington đang nỗ lực củng cố khuôn khổ hợp tác với các quốc gia dọc sông Mekong như một bước để kiềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc.

Sau khi khởi động Sáng kiến hạ lưu sông Mekong (LMI) hơn 10 năm qua, Mỹ đầu tư 120 triệu USD cho khu vực. Trong khi đó, số tiền Trung Quốc đầu tư vào khu vực này cao hơn nhiều, năm 2016, Bắc Kinh đã thành lập quỹ trị giá 300 triệu USD trong khuôn khổ LMC.

Tuy nhiên, lực bẩy kinh tế đáng kể của Trung Quốc đối với khu vực dường như không đủ để xoa dịu mối lo ngại rằng các cuộc đàm phán thông qua cơ chế LMC về tương lai của sông Mekong có thể sẽ hết sức phiến diện, với việc Bắc Kinh chưa đưa ra cam kết đáng tin cậy đối với yêu sách hợp lý của các nước thành viên trong việc quản lý dòng sông.

Cuối tuần trước, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell đã nhận định rằng việc Trung Quốc thao túng sông Mekong là “thách thức cấp bách” với Đông Nam Á và là "xu hướng đáng lo ngại" ở ASEAN.

Quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tại khu vực sông Mekong đã "tàn phá mùa màng và đe dọa an ninh lương thực và nước trong toàn khu vực". “Những điều này tiềm ẩn nguy cơ bất ổn lớn hơn. Mỹ đang làm việc với các nước Mekong, Ủy hội Sông Mekong và các đối tác quốc tế để đảm bảo các lời kêu gọi minh bạch dữ liệu nước từ Trung Quốc được phúc đáp”, ông Stilwell nói.

Ông cũng bày tỏ kỳ vọng các nước ASEAN cần tiếp tục sử dụng "tiếng nói tập thể mạnh mẽ" để thúc đẩy lợi ích của mình. “Lựa chọn ở đây là phải cho chủ quyền, cho những lợi ích tốt nhất cho đất nước, người dân và lợi ích quốc tế của họ. Sự lựa chọn ở đây là ủng hộ những quy tắc và chuẩn mực và tiếp tục thực hiện chúng, hoặc có các cách tiếp cận khác đúng đắn hơn”, ông Stilwell nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang tham gia một loạt các cuộc họp trực tiếp với những người đồng cấp trong khối ASEAN và các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ thứ tư đến thứ sáu tuần này để thảo luận các vấn đề về sông Mekong. Ông Pomeo sẽ đồng chủ trì khai mạc hội nghị Mekong - Mỹ hôm 11.9.

Những động thái của Mỹ minh chứng mới nhất cho thấy sông Mekong đã trở thành mặt trận mới trong căng thẳng Mỹ - Trung sau hàng loạt vấn đề liên quan tới COVID-19, Hồng Kông, Biển Đông và Đài Loan...

Hoàng Vũ (theo Nikkei)