Kỳ 17: Phạm Xuân Ẩn: “Vì sao CIA quyết định loại bỏ Ngô Đình Diệm“
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 03:49, 14/05/2015
(Theo bản Việt dịch của nhóm Thiên Bảo với tựa: “Đội quân bí mật - Cuộc chiến bí mật” - NXB Công an Nhân dân, Hà Nội 2004, tr 59).
Song khi ấy (1963) Hà Nội chưa tin hoàn toàn vào phân tích trong báo cáo trên của Phạm Xuân Ẩn. Không ít vị ở trung ương cho rằng sau ngày loại bỏ Diệm - thì Mỹ sẽ tìm cách rút khỏi Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn đã “phá lên cười và nói rằng không có chuyện ấy đâu ! Người Mỹ sắp kéo vào đấy (...) hãy chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với một cuộc chiến tranh lớn” (Larry Berman, sđd tr. 256).
Thực tế xảy ra đúng với lời Phạm Xuân Ẩn báo trước.
Phạm Xuân Ẩn cũng biết bên Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến đã có Phạm Ngọc Thảo, người bạn thân của ông cũng đang hoạt động tình báo cho Hà Nội. Phạm Ngọc Thảo (trung tá, thời điểm năm 1963) là người có uy tín và có thực lực trong quân lực VNCH. Ông cùng với người chỉ huy trực tiếp của mình là tướng Trần Thiện Khiêm chủ trương chỉ thay đổi cơ cấu của chế độ Ngô Đình Diệm, chứ không giết chết ông Diệm. Nên khi tiếp quản dinh Gia Long và vào Chợ Lớn lục soát nhà Mã Tuyên, đều không thấy hai anh em ông Diệm - Nhu ở hai nơi đó, Phạm Ngọc Thảo thốt lên: “Nguy rồi !”.
“Nguy” ở đây là nguy cho tính mạng của hai ông Diệm - Nhu.
Bởi lẽ, trong Hội đồng Quân nhân cách mạng (phe đảo chánh) có hai khuynh hướng:
* Một: nhổ cỏ tận gốc, tức là phải giết hai ông Diệm - Nhu trừ hậu họa.
* Hai: vẫn giữ Ngô Đình Diệm làm tổng thống (trên danh nghĩa), thay đổi thực chất cơ cấu chế độ Đệ nhất Cộng hòa (dân chủ hóa và cởi mở ngoại giao với Hà Nội hơn), đưa Ngô Đình Nhu ra nước ngoài.
Trung tá Phạm Ngọc Thảo (cùng một số lãnh đạo trong Hội đồng Quân nhân cách mạng - trong đó có tướng Trần Thiện Khiêm) nghiêng về chủ trương thứ hai, muốn đưa cả hai ông Diệm - Nhu vào một địa điểm an toàn để xúc tiến phương án đã định.
Nhưng việc lỡ làng khi Phạm Ngọc Thảo đến nhà Mã Tuyên sáng sớm 2.11.1963, lúc hai ông Diệm - Nhu đã rời khỏi đó vào 5 giờ 15 phút, sau một đêm thức trắng.
Mã Tuyên là ai?
Mã Tuyên là Bang trưởng của 11 bang người Hoa ở Chợ Lớn. Ông tạo được ảnh hưởng mạnh đối với các bang hội của người Hoa trên toàn miền Nam Việt Nam, vì thế người Hoa gọi Mã Tuyên là “kiều lãnh”.
Cũng từ 2.11, một số nhật báo Sài Gòn thổi phồng, phóng đại nhiều chuyện “động trời” khi nhắc đến Mã Tuyên, xem ông là “một tay kinh tài khét tiếng” cung cấp tài chính để Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu củng cố chế độ gia đình trị và đàn áp Phật giáo. Thế nên, họ đã tịch biên gia sản của Mã Tuyên và công khai đem ra bán đấu giá. Một số người Hoa hào hiệp đã góp tiền mua lại các món đồ quý bị phát mãi đó, rồi âm thầm tìm cách trao lại cho gia đình Mã Tuyên đang cơn tan nát. Mã Tuyên có 4 người vợ chính thức, với 20 người con, bị ảnh hưởng nặng nề sau đêm “tai bay vạ gió” đó.
Đêm ấy, Mã Tuyên đã trả nghĩa cho Ngô Đình Diệm như thế nào ? Việc liên quan đến đại sứ Trần Văn Lắm (người đã thay mặt chính phủ VNCH ký vào hiệp định ngừng bắn Paris năm 1973) và là người sinh ra ở Chợ Lớn, đã từng lên tiếng phủ nhận nguồn tin của các mật báo viên trà trộn trong đám giang hồ “mã thầu dậu” tung ra, rằng: Mã Tuyên là cán bộ kinh tài cho Trung Cộng thời ấy. Thực hư sẽ viết rõ kỳ sau… (còn nữa)
Giao Hưởng