TikTok ám chỉ Tổng thống Trump nói sai sự thật một cách trắng trợn
Thế giới số - Ngày đăng : 09:25, 18/08/2020
Cuối tuần qua, TikTok trình làng tài khoản Twitter mới có tên TikTok_Comms. Thoạt nhìn, tài khoản này có vẻ chỉ là một phương tiện để nhóm báo chí của TikTok cập nhật tin tức về công ty cho công chúng. Song với việc ra mắt của trang web mới hôm 17.8, rõ ràng đó là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của TikTok nhằm đẩy lùi thông tin sai lệch trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang đe dọa cấm ứng dụng này ở Mỹ.
TikTok đã công bố trang web này và tài khoản Twitter mới trong một bản tin tập trung vào việc “thiết lập kỷ lục ngay lập tức”. Công ty mô tả trang web như một trung tâm thông tin để cung cấp một nguồn xác thực. Mục đích tạo ra tài khoản Twitter TikTok_Comms để chia sẻ tin tức về công ty trong thời gian thực.
Rõ ràng đây không phải trang báo chí hàng ngày của TikTok mà là chiến dịch toàn lực nhằm nỗ lực chống lại việc cấm TikTok ở các bang của Mỹ.
“Với những tin đồn và thông tin sai lệch về TikTok đang gia tăng ở Washington cũng như trên các phương tiện truyền thông, chúng ta hãy lập kỷ lục ngay lập tức. TikTok không có ở Trung Quốc. Dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ ở Virginia với bản sao lưu tại Singapore và kiểm soát chặt chẽ quyền truy cập của nhân viên. TikTok chưa bao giờ cung cấp bất kỳ dữ liệu người dùng Mỹ nào cho Chính phủ Trung Quốc và cũng sẽ không làm việc đó nếu được yêu cầu. Mọi lời bóng gió trái ngược đều là vô căn cứ và sai sự thật một cách trắng trợn”, trang chủ website mới của TikTok viết.
Qua đó, TikTok như muốn ám chỉ Tổng thống Trump và chính quyền của ông cáo buộc ứng dụng này chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ cho Chính phủ Trung Quốc là “vô căn cứ và sai sự thật một cách trắng trợn”.
Trang web TikTok chứa đầy các liên kết đến các nguồn tin tức và các chuyên gia hỗ trợ những điểm chính mà công ty muốn thúc đẩy: TikTok không phải là mối đe dọa với an ninh mạng của Mỹ; TikTok rất nghiêm túc để kiểm soát thông tin sai lệch trên nền tảng của mình; TikTok mang đến lợi ích cho các quyền tự do dân sự...
Chính quyền Trump đã bày tỏ ý định hành động chống lại TikTok ở Mỹ kể từ tháng 7.2020. Vấn đề chủ yếu nằm ở mối quan hệ của TikTok với công ty mẹ ByteDance có trụ sở ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và những tác động tiềm ẩn về an ninh mạng liên quan đến chính phủ nước này.
Đầu tháng 8.2020, Tổng thống Mỹ đã ký lệnh hành pháp buộc ByteDance bán TikTok trong vòng 45 ngày cho một công ty Mỹ nếu không sẽ cấm ứng dụng này sau 15.9. Hôm 14.8, Tổng thống Trump đã ban hành lệnh hành pháp buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi bộ phận TikTok hoạt động ở Mỹ trong 90 ngày nữa, tức đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Có lẽ ông Trump lo ByteDance không kịp bán TikTok cho công ty Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống và lệnh cấm ứng dụng này sẽ khiến giới trẻ quay lưng với mình.
TikTok cho biết có kế hoạch kiện chính quyền Trump về những hành động trên, song cũng đã xem xét khả năng bán mình cho công ty Mỹ như Microsoft hay Twitter.
Chúng ta chờ xem điều gì sẽ xảy ra giữa TikTok và Tổng thống Trump thời gian tới, nhưng chiến dịch mới này từ nền tảng truyền thông xã hội yêu thích của thế hệ Z (sinh ra trong khoảng năm 1996-2005) cho thấy họ sẽ không chùn bước mà không có một cuộc chiến.
Hôm 17.8, TikTok đạt thỏa thuận quan trọng khi hợp tác với UnitedMasters để cho phép các nghệ sĩ trên ứng dụng chia sẻ video này phân phối bài hát của họ trực tiếp tới các dịch vụ phát trực tuyến như Apple Music, Spotify và YouTube
Các nhà sáng tạo video hé lộ bí kíp kiếm 93 tỉ đến 116 tỉ đồng từ TikTok
Mặc ông Trump cấm WeChat, Tencent nói Mỹ chỉ chiếm một phần nhỏ doanh thu
Nhân Hoàng