Đầu tư vàng lúc này coi chừng khóc ròng vì lỗ đậm
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 05:58, 13/08/2020
Trong vòng một tháng trở lại đây, thị trường vàng trong nước liên tiếp ghi nhận những đợt điều chỉnh giá lớn chưa từng có trong lịch sử. Đỉnh điểm là vào ngày 6 và 7.8, giá vàng miếng SJC bật lên mức 62,45 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, cao nhất mọi thời đại.
Tuy nhiên, sau cú nhảy vọt đó, giá vàng đột ngột đảo chiều trong các phiên giao dịch gần đây. Chỉ trong 4 phiên ngắn ngủi, mỗi lượng vàng đã bị thổi bay gần 12 triệu đồng. Những người mua vàng khi đỉnh giá 62,4 triệu đồng/lượng, nếu bán ra đã bị lỗ đến 13 triệu đồng/lượng.
Xu thế mới của giá vàng đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của thị trường kim loại quý. Tuần trước, khi giá liên tục tăng, không ít người tranh thủ mang vàng đi bán chốt lời, nhằm hưởng chênh lệch khi giá trên đỉnh. Còn hiện nay, khi giá giảm mạnh từng giờ, nhiều người tranh thủ gom vàng để chờ cơ hội tăng trở lại. Việc này khiến nhiều tiệm vàng không niêm yết giá để hạn chế người mua vào.
Không chỉ mua vào, giá vàng giảm cũng kích thích nhu cầu bán ra vì nhiều người dân sợ giá còn giảm thêm, buộc nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh giá giảm sâu. Một chuỗi cửa hàng kinh doanh vàng lớn tại TP.HCM thừa nhận kể từ cuối tuần qua đến nay, nhu cầu bán vàng tăng mạnh, doanh nghiệp phải chuẩn bị lượng tiền mặt lớn để mua vào nên cũng chịu áp lực. Thậm chí, một số tiệm vàng nữ trang ở chợ An Đông (quận 5) còn tạm ngưng giao dịch bởi giá vàng cứ liên tiếp giảm sốc, doanh nghiệp cứ phải đổ tiền ra mua thì không khác nào “ôm bom nổ chậm”.
Đáng chú ý, việc giá vàng trong nước giảm nhanh chưa từng có dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng kéo giãn chênh lệch giá mua và bán lên đến mức từ 3-4 triệu đồng/lượng để giảm thiểu rủi ro. Trong phiên giao dịch sáng 12.8, mức chênh lệch này thậm chí còn nới rộng ra gần mức 5 triệu đồng cho mỗi lượng vàng. Với mức chênh lệch này, người mua lỗ đến gần 10% nếu mua vàng thời điểm hiện tại. Trong khi đó, điều này lại đem về khoản lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Hiện nay, tại Việt Nam, các công ty kinh doanh đang nắm quyền chủ động trong việc mua bán vàng. Dựa trên nhu cầu giao dịch hằng ngày và đảm bảo cân đối cung - cầu trong hệ thống, các công ty sẽ luôn đưa ra giá mua bán để đảm bảo luôn có lời.
Không những vậy, các công ty này cũng có khả năng dự báo và theo sát diễn biến giá vàng thế giới nên chênh lệch giữa giá mua bán trong nước với giá thế giới được điều chỉnh nhanh theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Do vậy, mọi rủi ro khi vàng biến động thì khách hàng chịu hết, còn lãi thuộc về nhà vàng.
Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, khi giá vàng tăng dựng đứng hay giảm sâu kỷ lục thì việc mua vào sẽ đẩy hết rủi ro về phía người mua. Nguyên nhân là do chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra của thị trường trong nước được doanh nghiệp nới rộng tới 2 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên tới 3 triệu đồng/lượng.
Ông Hiếu nói rằng biên độ chênh lệch giữa giá mua và bán ở mức 2 triệu trở lên là đặc biệt rủi ro cho người mua vàng. Lúc này, nhà vàng sẽ bán vàng với giá cao và mua vào với giá thấp, khiến nhà đầu tư nếu xuống tiền mua vào mất ngay 2 triệu đồng/lượng. Nếu giá vàng lên, nhà đầu tư sẽ có lời, nhưng nếu giá xuống, nhà đầu tư sẽ sớm gánh hậu quả. Như vậy, nhà vàng đang đẩy rủi ro về phía người khách hàng. Do đó, nhà đầu tư nên quan sát biên độ chênh lệch giữa mua và bán, càng cao thì càng rủi ro.
Tương tự, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam nói rằng nếu nhà đầu tư nhỏ lẻ mua vàng để lướt sóng thì khả năng có lời là cực thấp do hiện nay mức chênh lệch giá quá cao.
Trước tình hình này, ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia khuyến nghị nhà đầu tư khi muốn bỏ vốn vào vàng thì nên ưu tiên đầu tư trung, dài hạn. Ngay cả khi muốn lướt sóng, nhà đầu tư cũng cần phải có kỹ năng phân tích các yếu tố địa chính trị, kinh tế, dịch bệnh… để chốt lời khi giá vàng đang điều chỉnh tăng và mua vào ở lúc giá vàng điều chỉnh xuống chứ không nên đầu tư theo tâm lý đám đông.
Phan Diệu