4 ngày chạy đua để đưa Bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng vào hoạt động
Sự kiện - Ngày đăng : 23:08, 05/08/2020
Chiều 5.8, đoàn công tác của Bộ Y tế và Bộ Xây dựng đã có mặt tại Bệnh viện dã chiến Đà Nẵng, khu vực Trung tâm thể thao Tiên Sơn để tiến hành thẩm định và đánh giá chất lượng nhằm nhanh chóng đưa vào sử dụng, hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, “chia lửa” với Bệnh viện Đà Nẵng và các bệnh viện khác.
Bệnh viện dã chiến này được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 10.000m2 với quy mô lên tới 800 giường bệnh, có thể tiếp nhận tới 1.500 bệnh nhân, lúc cần thiết có thể mở rộng thêm lên 2.000 giường. Các buồng bệnh được xây dựng bằng các vách ngăn, mỗi buồng rộng khoảng 4m2, có 2 giường bệnh, các buồng 1 giường bệnh sẽ được ưu tiên cho các ca bệnh nặng.
Để hoàn thành cơ bản công trình lớn như vậy trong vòng 4 ngày, đơn vị thi công đã phải sử dụng đến hơn 400 công nhân, chia nhau làm việc cả ngày lẫn đêm. Hiện tại, các trang thiết bị y tế đã được vận chuyển đến Bệnh viện dã chiến để chờ lắp đặt. Ngoài hệ thống điều hòa trung tâm, mỗi buồng bệnh sẽ được bố trí thêm 1 máy quạt.
Trong ngày 5.8, các công nhân đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng, láp ráp các thiết bị điện để sớm bàn giao, đưa vào hoạt động trong những ngày tới.
Đây được xem là Bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo mô hình lắp modul theo tư vấn thiết kế của Trung tâm tư vấn xây dựng thuộc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng do tập đoàn Sun Group tài trợ.
Hệ thống buồng/giường bệnh, xử lý nước thải, ánh sáng, vách ngăn… được thiết kế, lắp đặt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế đối với Bệnh viện dã chiến.
Theo thiết kế, các khu vực hành lang tầng 2, 3 của Cung thể thao Tiên Sơn được bố trí các giường bệnh dành cho bệnh nhân bệnh nhẹ, dự kiến tầng 2 sẽ bố trí khoảng 220 giường, tầng 3 khoảng 200 giường. Khu vực tầng 4 sẽ trở thành chỗ làm việc, nghỉ ngơi cho y – bác sĩ điều trị.
Khu vực sàn trong Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn với quy mô 248 giường bệnh
Ở các khu vực chung sẽ được bố trí điều hòa, máy thông gió… Mỗi phòng (được lắp đặt bằng khung ghép, có vách ngăn) có 2 giường bệnh, 1 kệ để đồ đạc, 1 thùng rác, 1 quạt điện; nút nhấn khẩn cấp báo đến trung tâm chỉ huy. Toàn bộ khu vực bệnh nhân có camera phủ khắp, trang bị đầy đủ thiết bị để đảm bảo công tác PCCC, thoát hiểm, cứu hộ và được phủ sóng wifi miễn phí.
Toàn bộ khu vực bệnh nhân có camera phủ khắp và nút nhấn khẩn cấp báo đến trung tâm chỉ huy
Đối với công trình nói chung, sau khi hoàn thiện việc xây lắp, hệ thống thiết bị y tế sẽ được lắp đặt và tổng vệ sinh khử trùng sẵn sàng đưa vào hoạt động
Về phương án hoạt động, Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn sẽ được sử dụng tùy theo tình hình dịch bệnh. Trong trường hợp số bệnh nhân COVID-19 bùng phát, nơi đây sẽ tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh. Nếu số bệnh nhân vẫn được kiểm soát, các bệnh viện trong thành phố vẫn đủ khả năng thu dung, điều trị... Bệnh viện dã chiến sẽ làm nơi tiếp nhận, cách ly, theo dõi những trường hợp tiếp xúc gần (F1) trong thời gian 14 ngày.
Trước đó, Sở Y tế Đà Nẵng đã chỉ định Phó giám đốc Trần Thanh Thuỷ làm Giám đốc cơ sở điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến, phụ trách về hậu cần, tổ chức. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng sẽ có một Phó giám đốc phụ trách về chuyên môn.
Vốn là công trình văn hóa thể thao điểm nhấn của Đà Nẵng, được hoàn thành năm 2010, Cung thể thao Tiên Sơn được thành phố Đà Nẵng chọn làm bệnh viện dã chiến vì nơi đây nằm cách xa các khu đông dân cư, giao thông thuận tiện di chuyển từ các Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phục hồi chức năng - nơi đang điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
- Tính từ ngày 20.7-5.8, TP Đà Nẵng đã ghi nhận số người nhiễm COVID-19 lên đến 189 người, có 6 người đã tử vong.
- Ở địa phương lân cận, trong thời gian tương tự, tỉnh Quảng Nam ghi nhận 48 ca nhiễm COVID-19, số ca tử vong là 2 người.
Dạ Thảo - Lê Toàn. Ảnh: SG