Clip 5 cặp đôi khiêu vũ ở đám tang trên nền nhạc 'Tình cha' gây tranh cãi
Video - Ngày đăng : 11:04, 13/07/2020
Khác với tiếng than khóc ai oán, tang thương ở những đám tang miền Bắc, nhiều gia đình ở miền Nam thường thuê người hát múa, tạo không khí còn vui vẻ trong tang lễ.
Mới đây, chàng trai ở Long An chia sẻ clip 5 cặp đôi khiêu vũ trong đám tang trên nền nhạc Tình cha của Ngọc Sơn khiến dân mạng sôi sục.
View this post on InstagramA post shared by Vương Gia (@hongvuonggia) on Jul 12, 2020 at 8:56pm PDT
Nhiều dân mạng dùng từ ngữ nặng nề chỉ trích những cặp đôi này và gọi đây là “hạnh phúc của một tang gia”.
Bên cạnh đó, một số người cho rằng đây là chuyện không hiếm trong đám tang miền Nam và mỗi nơi có cách tưởng nhớ người đã mất riêng chứ không phải lúc nào cũng khóc lóc.
“Tùy phong tục thôi. Tôi còn biết có chỗ của người dân tộc (bản Đá Đen, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái - PV) không cho khóc mà phải cười nữa cơ. Quan niệm của họ là để người chết không còn lưu luyến ở trần gian vì thương con cháu”;
“Mỗi người mỗi cách tưởng nhớ mà. Có thể người ta nghĩ: Người chết thấy người thân không còn tiếc nuối nên mới thanh thản ra đi hay đại loại như vậy. Quan trọng là lúc sống đối xử với nhau thế nào chứ chết rồi thì bu vào mà diễn, khóc ai chả làm được”;
“Gia đình người ta không phiền, đến lượt các bạn cào phím dạy đời à? Đám tang là để tưởng nhớ người mất, thường sau khi nghi lễ mặc niệm kết thúc thì những hoạt động khác diễn ra bình thường để lấy lại không khí, trấn an người thân thì có gì sai. Sai ở đây là do bạn nghĩ gì thôi, họ không phàn nàn, cớ gì các bạn nói nặng họ.
Đám ma đã buồn, người sống muốn làm người chết buồn không dám đi siêu thoát hay sao? Không lẽ đám ma cứ phải kéo nhạc đám inh ỏi 3-4 ngày liên tiếp mới gọi là tưởng nhớ người đã khuất”.
Thậm chí có dân mạng dự đoán đây là tang lễ của thầy dạy khiêu vũ nên các học trò nhảy để tiễn đưa thầy về nơi chín suối.
Ở miền Bắc, tiếng than khóc nỉ non và điệu kèn đưa đám í e não nùng bao trùm các đám tang. Còn tại TP.HCM và một số tỉnh miền Tây, không khí rộn ràng và có khi còn vui hơn cả đám cưới. Nhiều gia đình thuê đội kèn Tây chơi những bản trữ tình du dương hoặc thuê ban nhảy múa sôi động, hò hát thâu đêm suốt sáng. Những người hát đám ma thường là chuyển giới.
Tương tự TP.HCM và một số tỉnh miền Tây, nhiều gia đình ở Ghana muốn tổ chức đám tang người thân trong không khí vui vẻ nên thuê đội âm công vừa khiêng quan tài vừa nhảy múa. Số tiền thuê dịch vụ này khác nhau tùy thuộc vào lễ tang kéo dài bao lâu (3 - 7 ngày) nhưng trung bình thường hơn 2.000 Euro.
Những âm công khiêng quan tài trên vai liên tục trình diễn động tác nhảy phức tạp như xoay người, chúi xuống đất. Đôi khi họ còn giả vờ làm rơi quan tài rồi giữ lại bằng chân. Điểm đáng chú ý là cả nhóm đều mặc đồ vest, áo sơ mi, đi giày và đội nón trông rất lịch sự.
Quan tài được nâng lên hạ xuống theo từng giai điệu như thể hiện quy luật của tự nhiên rằng sự sống và cái chết là không thể đoán trước. Việc tiễn đưa bằng những bước chân và điệu nhảy vui vẻ như mang niềm vui cuối cùng cho người thân trước khi được chôn xuống đất.
"Cái chết chỉ là khởi đầu lại. Chết nghĩa là mở ra cho họ một cuộc sống mới, theo một cách thú vị khác" là một trong những ý nghĩa của tập tục trên ở Ghana.
Jolie Nguyễn: ‘Dù mệt mỏi vẫn luôn hoàn thành tốt công việc của mình’
Clip gã trai chạy nhanh tông bé gái văng xa, lợi dụng dân sơ hở phóng xe bỏ trốn
Nhân Hoàng