Clip cậu bé bật khóc vì làm rơi 200 ngàn, người đàn ông nhặt được quay xe bỏ đi
Video - Ngày đăng : 08:52, 05/05/2020
Theo nội dung clip, cậu bé đi vào quán cơm vô tình làm rơi 200.000 đồng xuống sàn. Ngay lập tức, người đàn ông mặc áo xanh nhanh tay nhặt tờ tiền và bỏ túi.
Làm rớt 200.000 đồng, cậu bé loay hoay đi khắp quán tìm nhưng người đàn ông tham lam kia vẫn làm thinh, quay mặt hút thuốc.
Cuối clip, ông ta quay xe máy rời quán.
Sự việc xảy ra tại quán cơm trên đường Tôn Thất Thuyết, phường 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị tối 3.5.
Chị P, mẹ cậu bé làm rơi 200.000 đồng xin chủ quán xem camera an ninh và phát hiện kẻ nhặt tiền của con mình nên đăng clip lên Facebook cá nhân với chú thích: “Nhờ cộng đồng mạng chia sẻ và kịch liệt lên án về hành động gian xảo của người đàn ông áo xanh mua cơm tại quán trên đường Tôn Thất Thuyết. Tội cho con dễ sợ, mất 200 ngàn khóc thấy tội. Quay lui quay tới tìm mà ông kia làm ngơ”.
“Nhặt được của rơi, trả người đánh mất" là hành động nhân văn mà chúng ta được nghe kể từ lúc nhỏ qua câu chuyện cổ tích, hay học trong môn giáo dục công dân ở trường. Thời gian qua, nhiều học sinh nhặt được vài triệu đến vài chục triệu đều đem trả lại cho người mất. Thế nên, việc người đàn ông kia nỡ lấy 200.000 đồng của cậu bé thật đáng lên án.
“Người lớn và có lẽ cũng làm cha rồi mà hành xử tệ quá, thua cả đứa con nít. Nhiều người nhặt được giữa đường, không biết của ai mà còn đăng cho họ tìm lại, huống chi biết rõ của cháu rớt mà vẫn bỏ túi làm lơ”, một người bình luận.
Chị P cho biết con trai mình “nhìn đời xám xịt” sau sự cố làm rơi 200.000 đồng và bị lấy mất. Làm cậu bé đáng tuổi con mình có suy nghĩ như vậy và bị dân mạng sỉ vả, người đàn ông kia liệu có xấu hổ, ân hận với hành vi của mình?
Nhặt được của rơi không trả, có thể đi tù
Theo Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội chiếm giữ trái phép tài sản được hiểu là hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.
Trong đó, người nhặt tài sản buộc phải biết tài sản đó không phải của mình mà cố tình không trả lại cho chủ sở hữu hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm và bán cho người khác là đã có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.
Người chiếm giữ trái phép tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng; hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
Clip sếp và hàng ngàn nhân viên cty đa cấp móc tay, hô khẩu hiệu tạo động lực. Xem chi tiết tại đây.
Nhân Hoàng