IMF: Kinh tế thế giới năm 2020 sẽ phải chịu cuộc đại suy thoái nghiêm trọng nhất

Quốc tế - Ngày đăng : 14:18, 15/04/2020

Khi cả thế giới đang chật vật đối phó đại dịch COVID-19, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thế giới năm 2020 sẽ phải đối mặt cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất của toàn cầu kể từ sau cuộc Đại Suy thoái năm 1930.
Các tượng đồng ở Washington mô tả người xếp hàng lãnh bánh mì thời Đại Suy thoái - Ảnh: Getty Images

Ngày 14.4 (giờ Mỹ), IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ bị suy giảm chỉ còn 3% trong năm 2020, dù hồi đầu năm nay, tổ chức tài chính đặt trụ sở ở Washington (Mỹ) này đã dự báo sức tăng trưởng GDP toàn cầu là 3,3% trong năm 2020. Đó là trước khi dịch COVID-19 trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe con người và sức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Lúc đó, IMF cũng ước tính sức tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ là 3,4% trong năm 2021, nhưng nay IMF chỉnh lên 5,8%.

Trong báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Thế giới mới nhất, IMF thừa nhận viễn cảnh hồi phục trong năm 2021 đang bị che mờ bởi sự bất ổn. Để khống chế dịch COVID-19, nhiều chính phủ đã áp dụng các biện pháp phong tỏa; mảng kinh doanh phải đóng cửa; hạn chế đi lại và giãn cách xã hội; chỉ cho phép dân ra khỏi nhà mua hàng tạp hóa, thuốc men và trong vài trường hợp là ra ngoài tập thể dục. Hậu quả là hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ tại rất nhiều quốc gia.

IMF gọi cuộc khủng hoảng này là “Đại Phong tỏa”, và bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng IMF, nói với hãng tin AP: “Đây là một cuộc khủng hoảng không hề giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Tầm cỡ và tốc độ suy sụp của mảng kinh doanh tiếp sau biện pháp phong tỏa thì không giống những gì chúng ta đã trải qua trong đời mình”.

Bà Gopinath còn nói với kênh CNBC: “Rất có thể trong năm nay, kinh tế toàn cầu sẽ phải trải nghiệm cuộc suy thoái trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái, hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính hồi 10 năm trước. Đây là một cuộc khủng hoảng mà cú sốc kinh tế là điều mà chính sách kinh tế không thể kiểm soát một cách chính xác được, khi chưa thể biết khi nào đại dịch này sẽ chấm dứt”.

Báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Thế giới (thực hiện 2 lần/năm) được IMF chuẩn bị cho Hội nghị mùa xuân 2020 tại Washington, với sự tham gia của 189 quốc gia thành viên và Ngân hàng Thế giới (WB). Ngoài ra còn có cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây sẽ là lần đầu tiên các cuộc họp này diễn ra trực tuyến, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành.

Trong báo cáo, IMF dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ bị suy giảm 5,9% trong năm 2020; 19 quốc gia châu Âu sử dụng đồng euro (khu vực euro zone) bị suy giảm 7,5%; Nhật Bản giảm 5,2% và Anh giảm 6,5%. Tình hình kinh tế sẽ đặc biệt khó khăn ở Ý và Tây Ban Nha, khi mức tăng trưởng GDP sẽ là 9,1% đối với Ý và 8% đối với Tây Ban Nha. Đây là hai quốc gia có số ca nhiễm và người chết vì COVID-19 nặng nhất châu Âu, hơn cả Trung Quốc, nước được dự báo sẽ có mức tăng 1,2% trong năm 2020. Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này từng phong tỏa nay đã bắt đầu khôi phục hoạt động kinh tế trước các quốc gia khác.

IMF còn dự báo thương mại toàn cầu sẽ giảm còn 11% trong năm 2021, sau đó tăng trưởng 8,4% trong năm 2021. IMF dự báo “sẽ có sự hồi phục phần nào” trong năm tới, từ việc dịch COVID-19 sẽ giảm hạ trong năm 2020.

Hiện đang có sự lo ngại lớn lao về thời gian và cường độ của cú sốc kinh tế, và việc kích hoạt hoạt động kinh tế gặp nhiều thách thức hơn do các chính sách giãn cách xã hội và cách ly cần thiết. Bà Gopinath nói: “Khi bạn bị suy thoái sâu, sẽ luôn có những thiệt hại lớn một cách đáng tiếc về thu nhập của người dân ở tầng thấp hơn trên thang thu nhập, nên cái nghèo sẽ gia tăng, sự bất bình đẳng sẽ gia tăng’’.

IMF cho biết đã nhận được “vô số cuộc điện thoại xin hỗ trợ tài chính khẩn cấp”, với hơn 90/189 quốc gia thành viên đã đề nghị giúp hỗ trợ tiền. IMF hiện có 1 ngàn tỉ USD để cho vay đối với các nước bị khó khăn về kinh tế.

IMF khuyên các quốc gia trước tiên nên chú trọng xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế, bằng cách tăng chi mua bộ kit xét nghiệm phát hiện dịch, các phương tiện y tế và chú ý các cách chăm sóc y tế khác.

IMF cũng khuyên các chính phủ nên hạ thuế, trợ giá lương bổng và chuyển tiền mặt đến các công dân và công ty bị tác động vì COVID-19, cũng như chuẩn bị các phương án dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Mức tăng trưởng kinh tế năm 2020 giảm “bi kịch” xảy ra lúc các tổ chức khác cũng cảnh báo đại dịch COVID-19 đang gây ra nhiều thách thức kinh tế lớn. Tuần trước, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nói thương mại toàn cầu sẽ co nhỏ từ 13 đến 32% trong năm nay. Tổ chức Hợp tác - Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cảnh báo rằng sắp tới, coronavirus sẽ tác động xấu suốt một thời gian dài.

Tuần trước, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã cảnh báo thế giới đang đối mặt “cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất từ sau cuộc Đại suy thoái, đại dịch COVID-19 sẽ đưa tăng trưởng kinh tế toàn cầu về mức âm cực lớn trong năm 2020’’.

Bà cho biết cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn nhất tới các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển. Những khu vực này sẽ cần hàng nghìn tỉ USD hỗ trợ từ quốc tế. Theo bà, đa số các quốc gia châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh sẽ đối mặt với hiểm họa lớn vì hệ thống y tế còn yếu. Những quốc gia này cũng khó thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội vì có mật độ dân cư đông đúc tại thành thị và nhiều khu ổ chuột.

Mỹ Trinh (theo AP, CNBC)