COVID-19: Malaysia, Indonesia tiếp tục 'nóng', Úc và New Zealand triển khai phong tỏa

Quốc tế - Ngày đăng : 10:40, 23/03/2020

123 trường hợp phát hiện ngày 22.3 nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 của Malaysia lên 1.306.
Quân đội Malaysia bắt đầu hỗ trợ cảnh sát trong công tác đảm bảo người dân tuân thủ lệnh hạn chế đi lại - Ảnh: Bloomberg

743 ca liên quan đến sự kiện Hồi giáo ở Kuala Lumpur. Đơn vị tổ chức đang hợp tác với cơ quan chức năng tìm kiếm khoảng 4.000 trên 14.500 công dân Malaysia tham dự sự kiện nhưng chưa đến trình diện để xét nghiệm.

Số ca tử vong cũng tăng lên 10 trường hợp, hai bệnh nhân xấu số mới nhất là cụ ông ở Penang từng dự sự kiện Hồi giáo Kuala Lumpur cùng vị bác sĩ trước đó có sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ ngày 22.3 quân đội bắt đầu hỗ trợ cảnh sát trong công tác đảm bảo người dân tuân thủ lệnh hạn chế đi lại. Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob cho biết tỷ lệ tuân thủ đạt 90%, tuy nhiên 10% còn lại tương đương 3,2 triệu người vẫn rất lớn. Malaysia là nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất Đông Nam Á.

Malaysia ráo riết tìm số người dự sự kiện Hồi giáo ở Kuala Lumpur nhưng chưa đến trình diện để xét nghiệm - Ảnh: Reuters

Nước láng giềng Indonesa đến nay có 514 ca nhiễm (64 người mắc mới) nhưng ca tử vong lại lên đến 48 - cao nhất Đông Nam Á.

Chuẩn bị ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm do đẩy mạnh công tác xét nghiệm, Indonesia quyết định biến làng vận động viên dùng cho ASEAN Games 2018 thành khu bệnh viện dã chiến, đủ sức tiếp nhận 4.000 bệnh nhân.

Tình hình Đông Bắc Á chuyển biến tốt

Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc ngày 22.3 chỉ thêm 64 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm lên 8.961. Đây là mức tăng thấp nhất từ cuối tháng 2 đến nay.

Chính quyền nước này tăng cường cách ly xã hội nhằm tiếp tục làm giảm tốc độ lây lan: yêu cầu người dân ở nhà; cấm sự kiện tập trung tôn giáo, hoạt động thể thao trong nhà hay đi hộp đêm, karaoke.

Hàn Quốc cũng vừa triển khai xét nghiệm người đến từ châu Âu và yêu cầu tất cả cách ly 14 ngày dù cho kết quả âm tính. Trong ngày đầu thực hiện họ phát hiện 152 trên 1.442 người từ châu Âu có triệu chứng đáng ngờ.

Đơn vị nghiên cứu thị trường Capital Economics mới đây dự báo kinh tế Hàn Quốc năm nay có thể giảm 1% do dịch bệnh. Tăng trưởng 2019 của nước này cũng chỉ mức 2%, thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay.

Trong khi đó, Trung Quốc ngày 22.3 nhận thêm 39 ca nhiễm COVID-19 là người nhập cảnh. Mức tăng trường hợp mắc bệnh từ bên ngoài thấp hơn một ngày trước nhưng cũng buộc hàng loạt thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu siết chặt kiểm soát bằng cách sàng lọc tất cả hành khách của những chuyến bay quốc tế (bất kể quốc gia).

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe bất ngờ đề cập khả năng hoãn tổ chức Olympic Tokyo 2020.

Úc, New Zealand triển khai phong tỏa

Tại châu Đại Dương, Úc bắt đầu đóng cửa quán bar, câu lạc bộ, phòng tập thể dục, địa điểm tôn giáo từ ngày 23.3 sau khi số ca nhiễm vượt qua mốc 1.000.

Thủ tướng Scott Morrison khẳng định biện pháp mạnh mẽ là cần thiết vì nhiều người thời gian qua phớt lờ lời kêu gọi thực hành cách ly xã hội, thường xuyên đến nhà hàng quán bar và đổ ra biển Bondi.

Thủ tướng Jacinda Ardern cũng thông báo cho người dân New Zealand về kế hoạch tăng cảnh báo lên mức cao nhất, đóng cửa toàn bộ dịch vụ không cần thiết, trường học, văn phòng, quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim trong 48 giờ tới. Chỉ siêu thị cùng hiệu thuốc được phép mở cửa.

Tính đến nay, New Zealand có 102 ca nhiễm COVID-19.

Cẩm Bình (theo Straits Times, The Jakarta Post, Yonhap News)