Hai tổng thống thời kỳ khai quốc Mỹ bị 'đục tên' vì vụ Floyd

Hồ sơ - Ngày đăng : 22:36, 14/06/2020

Hội liên hiệp các trường học thành phố Berkeley (bang California) đã khởi động quá trình đổi tên các trường học mang tên Washington (tổng thống đầu tiên) và Jefferson (tổng thống thứ 3) trong tuần qua như một phần trong nỗ lực để thu hút học sinh da đen và giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc trong hệ thống trường học.
George Washington, Thomas Jefferson là những lãnh đạo

Trong cuộc họp giữa tuần trước, Hội đồng nhà trường nhất trí thông qua Nghị quyết ủng hộ Black Lives Matter (nghĩa đen: Mạng sống của người da đen cũng đáng giá), tán thành một loạt các hành động mang tính biểu tượng và cụ thể để “kỷ niệm, ủng hộ và cam kết” với các học sinh, nhân viên, giáo viên và phụ huynh học sinh da đen. Cùng với việc đổi tên hai trường, chiến dịch Niềm vui Đen mới, còn tập huấn cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường cập nhật kiến thức về bất bình đẳng chủng tộc và thu thập dữ liệu trong trường học.

Các thành viên cộng đồng Berkeley đã cố gắng đổi tên Trường tiểu học Jefferson hồi 2005 nhưng thất bại. Và giờ, sau 15 năm, họ thành công trong việc đổi tên trường George Washington và Thomas Jefferson, hai vị Tổng thống trong thời kỳ Mỹ còn chế độ sở hữu nô lệ.

Thành viên hội đồng Ka’Dijah Brown, đồng tác giả bản kiến nghị đổi tên cùng với Giám thị Brent Stephens, nhấn mạnh rằng việc đổi tên các trường chỉ là một bước nhỏ trong công việc của địa phương để giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc và cung cấp cho học sinh da đen những thứ cần thiết để phát triển.

Cuộc thảo luận và phê chuẩn nghị quyết của hội đồng diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ chứng kiến nhiều tuần biểu tình ở Berkeley, Oakland và hầu như tất cả các bang. Các cuộc biểu tình xuất phát từ việc người đàn ông da đen George Floyd thiệt mạng bởi cảnh sát ở Minneapolis, Minnesota. Các cuộc biểu tình kêu gọi chấm dứt hành động tàn bạo của cảnh sát và xem xét tình trạng phân biệt chủng tộc thâm căn cố hữu trong lịch sử Mỹ.

Theo Wikipedia, George Washington năm 11 tuối đã được thừa hưởng gia tài từ người cha qua đời gồm 10 người nô lệ. Vào lúc ông kết hôn với Martha Custis năm 1759, cá nhân ông làm chủ ít nhất 36 nô lệ (vợ ông thừa hưởng và mang đến Mount Vernon một số nô lệ của chồng trước quá cố, ít nhất là 85 người). Ông dùng tài sản giàu có của vợ để mua thêm đất, tăng gấp ba lần diện tích đồn điền, và thêm nhiều nô lệ để canh tác đồn điền. Năm 1774, ông trả thuế đánh trên 135 nô lệ (không tính nô lệ của vợ ông được thừa hưởng từ người chồng đầu tiên quá cố của bà). Lần mua nô lệ cuối cùng của ông là vào năm 1772 dù sau này ông có nhận một số nô lệ để trừ nợ.

Trước Cách mạng Mỹ, Washington không bày tỏ vấn đề đạo đức gì về chế độ nô lệ nhưng vào năm 1786, Washington viết cho Robert Morris như sau: "Không ai mong muốn chân thành hơn tôi là thấy một kế hoạch được thông qua nhằm mục đích bãi bỏ chế độ nô lệ". Năm 1778, ông viết thư cho người quản lý của ông ở đồn điền Mount Vernon rằng ông muốn "bỏ hết người da đen". Duy trì một dân số nô lệ lớn và ngày càng già tại Mount Vernon thì không có lợi ích kinh tế. Tuy nhiên Washington không thể bán những "nô lệ thừa kế" của vợ (dower slaves) một cách hợp pháp, và vì những nô lệ này đã liên-hôn với các nô lệ của chính ông nên ông cũng không thể bán nô lệ của mình với lý do nếu ông bán nô lệ của mình thì ông gián tiếp làm cho gia đình họ ly tán.

Lúc làm tổng thống, Washington đưa 7 nô lệ đến Thành phố New York năm 1789 để làm người giúp việc nhà đầu tiên cho tổng thống. Sau khi thủ đô quốc gia chuyển đến Philadelphia năm 1790, ông đưa 9 nô lệ đến làm việc trong dinh tổng thống. Lúc ông mất, có 317 nô lệ làm việc tại Mount Vernon trong số đó Washington làm chủ 123 người, 154 người là "nô lệ thừa kế" của vợ và 40 người được một người hàng xóm mướn. Dorothy Twohig cho rằng Washington đã không lên tiếng công khai chống lại chế độ nô lệ vì ông không muốn tạo sự chia rẽ trong nước cộng hòa mới thành lập bằng một vấn đề rất nhạy cảm và gây chia rẽ lúc bấy giờ.

Về tổng thống thứ 3 của Mỹ, Thomas Jefferson cũng được thừa hưởng tài sản lúc 24 tuổi khi cha ông qua đời. Thomas thừa hưởng hơn 5.000 mẫu đất Anh (2.000 ha) cùng với 52 người nô lệ. Thông qua cuộc hôn nhân với bà Martha Wayles vào năm 1772 và thừa kế từ cha vợ John Wayles, năm 1773, ông đã thừa kế hai đồn điền và quyền sở hữu hợp pháp 135 nô lệ, bao gồm cả trẻ em.

Nhưng trong các bài viết của mình thể hiện sự bất bình của người Mỹ và biện minh cho Cách mạng, ông đã chỉ trích người Anh vì đã tài trợ cho hoạt động buôn người ở các thuộc địa. Năm 1778, dưới sự lãnh đạo của Jefferson, bang Virginia đã cấm việc nhập khẩu nô lệ và đó là một trong những khu vực đầu tiên trên toàn thế giới làm như vậy.

Năm 1784, Jefferson đề xuất lên liên bang dự luật cấm chế độ nô lệ ở Lãnh thổ mới của miền Bắc và miền Nam sau năm 1800, đáng tiếc là dự luật đã không được Quốc hội thông qua do chỉ thiếu 1 phiếu. Trong Nhật ký của mình, viết về bang Virginia năm 1785, Jefferson bày tỏ niềm tin rằng chế độ nô lệ đã làm hư hỏng cả chủ nô và nô lệ, nhưng ông lại ủng hộ quan điểm rằng người Mỹ gốc Phi kém về trí tuệ và giải phóng số lượng lớn nô lệ sẽ làm tăng nguy cơ các cuộc nổi dậy của nô lệ. Jefferson tin rằng việc giải phóng nô lệ phải tiến hành có lộ trình, cần giáo dục, đào tạo sau khi trao cho nô lệ tự do.

Năm 1824, Jefferson đã đề xuất một kế hoạch quốc gia để chấm dứt chế độ nô lệ bằng việc chính phủ liên bang bỏ tiền mua trẻ em nô lệ người Mỹ gốc Phi với giá 12,50 USD. Sau đó, nuôi dưỡng và dạy nghề rồi gửi chúng đến Santo Domingo. Nhưng bản thân Jefferson mới chỉ trả tự do cho ba nô lệ cao tuổi, những người đã bị buộc phải làm việc cho ông trong nhiều thập kỷ. Năm 1827, 130 nô lệ còn lại của Jefferson đã bị bán để trả cho các khoản nợ của ông.

Anh Tú