Điều tra của AP về chuyện Trung Quốc trì hoãn công bố dịch COVID-19
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:38, 16/04/2020
Hãng tin Mỹ ngày 15.4 nhắc trong 6 ngày định mệnh đó (từ ngày 14 đến 19.1.2020), thành phố ổ dịch Vũ Hán đã tổ chức tiệc Tất niên “Vạn Gia” có sự tham dự của 40.000 hộ gia đình. Và hàng triệu người bắt đầu cuộc “đại di cư” rời Vũ Hán (thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc) để về quê ăn Tết - các dịp giao thừa, mùng 1, 2 và 3 rơi vào các ngày 24 đến 27.1.2020.
Bảy ngày sau khi trì hoãn, vào ngày 20.1, Chủ tịch - Tổng Bí thư Tập Cận Bình mới lần đầu tiên lên tiếng báo động với nhân dân Trung Quốc, nhưng lúc đó đã có 3.000 người nhiễm dịch.
Chủ tịch Tập Cận Bình nói chuyện chống dịch ngày 10.3 - Ảnh: Tân Hoa Xã
Bắc Kinh muốn tránh gây hoang mang, muốn ổn định chính trị
Theo AP, sự trì hoãn báo động của quốc gia nhiễm dịch đầu tiên đã cho thấy Bắc Kinh phải “đi dây thăng bằng”, giữa việc báo động với việc tránh gây hoảng loạn từ cơn đại dịch mà cho đến nay đã khiến gần 2 triệu người bị nhiễm và làm chết hơn 126.000 người trên toàn thế giới.
Thực tế thì từ cuối năm 2019 đã có báo động về dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán. Nhưng mãi đến khi có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Thái Lan ngày 13.1, ngành y tế Trung Quốc mới bắt đầu lập kế hoạch nhận diện; cách ly; xét nghiệm và chữa trị toàn thể các ca nhiễm dịch trên toàn quốc.
Theo một tài liệu nội bộ đóng dấu “lưu hành nội bộ, không phổ biến trên mạng internet và không công bố” mà AP đã được xem, tại một hội nghị trực tuyến với các quan chức y tế cấp tỉnh ngày 14.1, ông Mã Hiểu Vỹ, giám đốc Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo vụ bùng phát dịch COVID-19.
Trong đoạn mang tựa “Tỉnh táo nắm bắt tình hình”, tài liệu nêu “các ổ nhiễm dịch cho thấy có khả năng dịch truyền lây từ người qua người”, đồng thời nêu “tình hình đã thay đổi đáng kể”.
Tài liệu dẫn lời ông Mã: “Tình hình dịch vẫn nghiêm trọng và phức tạp, là thử thách nghiêm trọng nhất kể từ sau dịch Hội chứng Viêm hô hấp cấp SARS năm 2003, và nhiều khả năng phát triển thành một sự cố sức khỏe công cộng lớn. Tết sắp đến, nhiều người sẽ đi lại và nguy cơ lây nhiễm dịch cao. Tất cả các chính quyền địa phương phải chuẩn bị đối phó và phản ứng chống dịch”.
Một biên bản ghi nhận cuộc họp này được tổ chức để phổ biến các chỉ đạo về dịch của ông Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan. Nhưng biên bản không cho biết cụ thể các chỉ đạo này.
Trong biên bản, ông Mã còn yêu cầu các quan chức đoàn kết quanh Chủ tịch - Tổng Bí thư Tập Cận Bình, và ông khẳng định công tác chính trị và ổn định xã hội là những mục tiêu quan trọng trước thềm hai sự kiện chính trị lớn nhất của Trung Quốc vào tháng 3, tức kỳ họp Quốc hội và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp). Hai sự kiện này đã phải lùi ngày tổ chức.
Ông Daniel Mattingly, một nhà nghiên cứu Trung Quốc ở Đại học Yale, nói: “Mệnh lệnh ổn định xã hội, không làm con tàu rung lắc trước các kỳ họp quan trọng này, là rất mạnh. Tôi cho rằng họ đã muốn chờ thêm một chút để xem chuyện gì sẽ xảy ra”.
Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu chỉ đạo ở Vũ Hán - Ảnh: Tân Hoa Xã
CDC lẳng lặng vào cuộc điều tra xác minh
AP cho biết tài liệu nội bộ là từ một nguồn nặc danh trong ngành y tế Trung Quốc. Người này yêu cầu giấu tên vì sợ bị kỷ luật. Hãng tin Mỹ đã xác nhận nội dung với hai nguồn tin khác trong ngành y tế công Trung Quốc có biết cuộc họp trực tuyến ngày 14.1.
Vẫn theo tài liệu nội bộ, sau cuộc họp trực tuyến, Trung tâm Kiểm soát - Phòng dịch Trung Quốc (CDC) kích hoạt mức báo động khẩn cấp cao nhất (cấp độ 1) vào ngày 15.1.
Cơ quan này cử lãnh đạo cấp cao đến 14 nhóm làm việc có nhiệm vụ thu thập dữ liệu; huấn luyện nhân viên y tế; chuẩn bị tài chính; điều tra thực địa và giám sát các phòng thí nghiệm, theo một biên bản nội bộ của CDC vốn trực thuộc NHC. Tài liệu chỉ đạo chính quyền tỉnh Hồ Bắc bắt đầu đo thân nhiệt của người ở sân bay, trạm xe buýt và xe lửa cũng như giảm tụ tập đông người.
NHC còn phát hành bộ hướng dẫn 63 trang gởi đến các quan chức y tế cấp tỉnh, mang nội dung ra lệnh các quan chức y tế toàn quốc phải xác minh các ca nghi nhiễm, bệnh viện phải mở các phòng khám sốt và các bác sĩ cùng y tá phải mang những phương tiện phòng dịch.
Tuy nhiên, ngoài mặt thì các quan chức tiếp tục trấn an mối đe dọa, chỉ ra việc lúc đó chỉ có 41 ca nhiễm. Ngày 15.1, ông Lý Quần - lãnh đạo trung tâm khẩn cấp của CDC, cho Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) biết: “Chúng ta vừa có thông tin mới nhất là ít có nguy cơ lây nhiễm từ người qua người”.
Cùng ngày, ông Lý được chỉ định dẫn đầu một nhóm lập kế hoạch đối phó khẩn cấp cấp độ 1, theo một thông báo của CDC.
Mãi đến ngày 20.1, ông Tập Cận Bình mới lần đầu tiên lên tiếng về dịch COVID-19, và ông nói “chớ xem thường” cũng như phải tiến hành mọi biện pháp dập dịch.
Kế đến là ông Chung Nam Sơn, một chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc, đã lên sóng CCTV lần đầu tiên tuyên bố coronavirus có thể lây từ người qua người.
NHC là cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc, đã ra một tuyên bố cho biết tổ chức cuộc họp trực tuyến kể trên vì có một ca nhiễm ở Thái Lan, và có khả năng lây dịch trong thời gian người dân về quê ăn Tết.
NHC cũng nêu Trung Quốc đã công bố thông tin về dịch “một cách công khai, minh bạch, có tinh thần trách nhiệm và kịp thời, thực hiện đầy đủ các chỉ đạo quan trọng mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã liên tục nhắc đi nhắc lại”.
Nhân viên y tế bắt một con mực ở chợ hải sản Vũ Hán - Ảnh: Tân Hoa Xã
Báo động sớm hơn 6 ngày lẽ ra cứu được nhiều mạng sống
Chính phủ Trung Quốc luôn bác bỏ chuyện bít thông tin trong giai đoạn đầu bùng phát dịch, khẳng định đã lập tức báo Tổ chức Y tế Thế giới. Người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Tất cả các cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin hoặc không minh bạch đều là các cáo buộc không có cơ sở”.
Nhưng báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông) ngày 13.3 từng nêu các nhà lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh từ ngày 7.1.2020 đã được thông báo đầy đủ về dịch COVID-19.
Còn theo AP, các bác sĩ, y tá ở Vũ Hán đã nói với giới truyền thông nhà nước Trung Quốc, rằng có rất nhiều chỉ dấu cho thấy dịch COVID-19 có thể lây từ người qua người kể từ cuối tháng 12.2019. Những người nhiễm đầu tiên là từ một ngôi chợ hải sản.
Nhưng chính quyền Vũ Hán và khắp Trung Quốc đã bưng bít thông tin nhạy cảm, giảm hạ mối đe dọa của dịch, riêng Vũ Hán kỷ luật 8 bác sĩ vì đã “phao tin đồn nhảm”, theo CCTV ngày 2.1. Ông Dương Đại Lợi, một giáo sư chuyên về chính trị Trung Quốc ở Đại học Chicago, nói: “Các bác sĩ đó rất sợ. Đó thật sự là một cú đe dọa về nghiệp vụ”.
Các chuyên gia còn nói khâu kiểm duyệt thông tin chặt chẽ của chính quyền, cộng với sự miễn cưỡng báo tin xấu lên cấp lãnh đạo cao hơn đã “đè bẹp” các cảnh báo sớm.
Trong một loạt thông tin điện tử phát từ ngày 31.12.2019 đến 16.1.2020, các quan chức Vũ Hán cho biết họ chữa trị cho các bệnh nhân bị viêm phổi nhưng không nói khi nào và có bao nhiêu người bệnh.
Từ ngày 5.1 đến ngày 17.1 đã có hàng trăm người nhiễm tại nhiều bệnh viện ở Vũ Hán và ở nhiều thành phố khác. Nhưng NHC cũng không ra thông báo về dịch cho mãi đến ngày 19.1.
Nhưng thông báo mới này chủ yếu đổ trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũ Hán (đã bị cách chức), ông Chu Tiên Vượng hồi tháng 1 đã thừa nhận ông đã không thông báo mức độ và sự nguy hiểm của dịch sớm hơn, vì ông phải chờ sự cho phép từ “trên”.
Chuyên gia dịch tễ học Trương Tác Phong ở Đại học bang California (Mỹ), nói: “Nếu chính quyền Trung Quốc hành động sớm hơn 6 ngày để tổ chức giãn cách xã hội; đeo khẩu trang và hạn chế đi lại… thì sẽ cứu được rất nhiều mạng sống và có ít người nhiễm hơn. Chúng ta cũng có thể đã tránh được sự sụp đổ của hệ thống y tế Vũ Hán”.
Chuyên gia dịch tễ Benjamin Cowley ở Đại học Hồng Kông nói, nếu các quan chức Trung Quốc báo động sớm thì họ có thể bị mất uy tín và làm tê liệt khả năng vận động quần chúng của họ.
Nhưng các chuyên gia y tế khác nói chính quyền Trung Quốc chọn hành động bí mật dựa theo thông tin họ có được. Ông Ray Yip, cựu trưởng nhánh đầu tiên của CDC Mỹ ở Trung Quốc nói: “Họ có thể không nói điều đúng, nhưng họ đã làm điều đúng. Vào ngày 20.1, họ đã báo động toàn quốc và đó không phải là một sự trì hoãn không hợp lý”.
Sự trì hoãn công bố dịch của Bắc Kinh cũng có thể củng cố sự cáo buộc của chính quyền Mỹ rằng chính quyền Trung Quốc cản trở nỗ lực chống dịch của thế giới.
+ Theo AP, tuyên bố báo động dịch của lãnh đạo Trung Quốc ngày 20.1 đã cho Mỹ có gần 2 tháng chuẩn bị đối phó. Trong thời gian đó, Tổng thống Donald Trump đã phớt lờ cảnh báo của các trợ lý, và ông phủ nhận rằng dịch này không đáng ngại, trong khi chính phủ Mỹ không đáp ứng việc cần tăng cường phương tiện y tế, lại còn phân phối các bộ kit xét nghiệm lỗi.
+ Các lãnh đạo khác cũng nhắm mắt làm ngơ trước dịch COVID-19, trước khi chính Thủ tướng Anh Boris Johnson nhiễm dịch. Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil gọi dịch “chỉ là cúm vặt”.
Mỹ Trinh (theo AP)