Trung Quốc phủ nhận việc các cô dâu nước ngoài bị ép làm gái mại dâm
Hồ sơ - Ngày đăng : 10:16, 17/07/2019
Chuyện giải cứu một cô dâu 19 tuổi bị gả bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm
Kể từ sau vụ Natasha bị gả bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm được báo chí rùm beng, các cuộc điều tra của cảnh sát Pakistan đã phát hiện ra còn rất nhiều phụ nữ khác là nạn nhân của nạn gả bán bị ép làm gái mại dâm ở Trung Quốc. Một bức tranh về mạng lưới buôn người đã dần được hé lộ từ một loạt các vụ bắt giữ và đột kích trong thời gian gần đây của Cơ quan điều tra liên bang Pakistan, cũng như lời khai từ các nạn nhân, nhiều người trước đây đã không dám lên tiếng vì sợ hãi.
AP đã nói chuyện với 7 cô gái bị ép làm gái mại dâm, 4 người trong số họ khi được tiếp xúc vẫn đang ở Trung Quốc. Nội dung chung là các gia đình thường được báo tin rằng con gái của họ sẽ kết hôn với các doanh nhân khá giả và có cuộc sống tốt ở Trung Quốc. Đồng thời, việc gả bán hôn nhân được miêu tả là một lợi ích cho tất cả các bên - những bậc cha mẹ nghèo khó ở Pakistan nhận được tiền, trong khi đàn ông Trung Quốc tìm thấy cô dâu vốn không dễ dàng ở một quốc gia mà đàn ông đông hơn phụ nữ .
Tại sao các gia đình Pakistan lại nỡ lòng đẩy con gái vào nơi tối tăm? Họ không lường trước điều đó và bị mê hoặc bởi những lời đường mật. Rimsha, là một trường hợp như thế. Cô gái 27 tuổi này đã được gả cho một người Trung Quốc vào mùa thu năm ngoái. Thương vụ hôn nhân này được người thân Rimsha xem là cơ hội để con gái họ tìm thấy hạnh phúc hôn nhân và còn là cú hích tài chính cho gia đình.
Bà Parveen mẹ cô cho biết công ty môi giới “nổ” rằng chú rể đang điều hành một nhà máy và các anh trai của Rimsha cũng có thể đến Trung Quốc tìm được "công việc tốt" và gửi tiền về nhà.
"Chúng tôi nghĩ rằng con gái mình sẽ hạnh phúc và họ hứa sẽ có một cuộc sống hạnh phúc cho gia đình", Parveen nói với RFE/RL trong một cuộc phỏng vấn gần đây ở ngôi nhà một tầng chật chội của bà giữa khu phố nghèo của cộng đồng Ki tô. Bà thừa nhận: “Chúng tôi bị mờ mắt bởi lòng tham”.
Ước mơ của gia đình là thoát khỏi cuộc sống nghèo đặc trưng của cộng đồng thiểu số Ki tô hữu chịu thiệt thòi ở Pakistan. Nhưng ước mơ giờ đã biến thành một cơn ác mộng. Rimsha, hiện vẫn còn ở Trung Quốc, khẳng định người chồng Trung Quốc đang chà đạp và coi cô như nô lệ tình dục.
"Nó bắt con quan hệ với tất cả bạn bè nó đến thăm để kiếm tiền. Nó đánh con khi con từ chối. Xin hãy giúp con", Rimsha nói trong đoạn video đẫm nước mắt gửi cho gia đình vào đầu tháng 6.
Tất nhiên không phải mọi cô gái lấy chồng Trung Quốc đều gặp bất hạnh. Nhưng theo Hindu Times, các nhà điều tra đang ngày càng tin rằng phần lớn các cô gái bị gả bán sang Trung Quốc đã phải làm nghề mại dâm chứ chẳng phải được gả vào nơi tử tế.
Các cô gái được phỏng vấn nói rằng họ đã bị tra tấn (sử dụng một uyển ngữ để tránh nhắc lại việc họ bị cưỡng hiếp và cưỡng ép mại dâm), một quan chức Pakistan nói và yêu cầu giấu tên. “Nhiều người trong số ấy không muốn báo về nhà vì ngại gia đình lo sợ... Đừng nhầm lẫn, đây là buôn bán người”. Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà điều tra đang khám phá phạm vi vụ việc, chính phủ Pakistan đã tìm cách giữ im lặng. Theo hai quan chức chịu tiết lộ thông tin cho báo giới, một nhân vật cao cấp trong chính phủ đã ra lệnh cho các nhà điều tra giữ im lặng về việc buôn bán phụ nữ vì họ không muốn làm khó cho mối quan hệ Pakistan – Trung Quốc trong lúc hai bên đang có mối quan hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ.
Bắc Kinh đang đầu tư hàng tỉ đô la vào Pakistan như một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường, một nỗ lực toàn cầu nhằm mục đích tái lập Con đường tơ lụa và liên kết Trung Quốc với tất cả các khu vực châu Á. Theo dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (trị giá 75 tỉ USD), Bắc Kinh đã hứa hẹn chi một gói phát triển cơ sở hạ tầng, từ xây dựng đường bộ và nhà máy điện đến phát triển nông nghiệp.
Công trình lớn nhất là một con đường dài 3.200km nối Trung Quốc với cảng nước sâu Gwadar của Pakistan trên biển Ả Rập. Tại Pakistan, nó được coi là một chương trình phát triển lớn sẽ mang lại sự thịnh vượng mới cho quốc gia Nam Á này, nơi một lao động trung bình chỉ kiếm được 125 USD/tháng. Kể từ năm 2015, hàng ngàn người Trung Quốc đã đến Pakistan để thực hiện nhiều dự án.
Phía Trung Quốc nói gì?
Bộ Công an Trung Quốc đã cử một lực lượng đặc nhiệm hợp tác với chính quyền Pakistan trong chiến dịch trấn áp những kẻ buôn người. Đại sứ quán Trung Quốc cũng đã từ chối cấp thị thực cho 90 phụ nữ Pakistan có kế hoạch đi du lịch đến Trung Quốc như một biện pháp ngăn chặn.
"Nếu bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân (Trung Quốc) nào phạm tội ở Pakistan trong các vụ hôn nhân xuyên biên giới, Trung Quốc ủng hộ Pakistan xử lý nó theo luật pháp của Pakistan", người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết hồi tháng 5. Tuy nhiên, tuyên bố nói thêm rằng một số báo cáo về tình trạng cô dâu bị ngược đãi tại Trung Quốc là bịa đặt và kêu gọi truyền thông phải đưa tin có trách nhiệm hơn.
Vấn đề buôn người đã không được thảo luận trong chuyến thăm Pakistan tháng trước của Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, người đã hội đàm với giới lãnh đạo Pakistan. Trong các bình luận trên báo chí Pakistan, ông Vương phủ nhận việc buôn bán đang diễn ra.
Zhao Lijian, Phó đại sứ Trung Quốc tại Pakistan, mới đây đã chia sẻ một đoạn video mô tả một cô gái Pakistan ngồi thoải mái với người chồng Trung Quốc và kể về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc của họ.
"Đây là hình ảnh bóc trần những lời nói dối rằng các cô gái Pakistan đang bị buôn bán sang Trung Quốc để ép bán dâm hoặc bán nội tạng", Zhao khẳng định.
"Hầu hết các cuộc hôn nhân giữa Trung Quốc và Pakistan đều tốt đẹp". Zhao cho biết Trung Quốc đang điều tra 142 trường hợp đám cưới xuyên quốc gia đã được đăng ký vào năm ngoái để xác định xem chúng thế nào.
Còn Cục Điều tra liên bang Pakistan cho biết họ ước tính có đến 1.500 vụ hôn nhân xuyên quốc gia và ông Jamil Ahmad Khan Mayo, Phó giám đốc Cục thừa nhận “một vài trong số họ” bị ép làm gái mại dâm.
Thanh Huyền