Kỳ 2: Giáo viên Hồng Kông phải quảng bá ‘bản sắc dân tộc’ cho học sinh
Hồ sơ - Ngày đăng : 11:05, 17/10/2018
Kỳ 1: Nỗi lòng của cán bộ ngoại giao đại lục được cử sang Hồng Kông
Sau khi Anh trao trả xứ nhượng địa Hồng Kông về Trung Quốc ngày 1.7.1997, thành phố này sống theo thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ”, cho phép Hồng Kông thụ hưởng một cấp độ tự chủ và tự do rất khác so với ở Trung Quốc.
Khi được hỏi tại sao một số thủ lĩnh sinh viên lại ủng hộ Hồng Kông độc lập, ông Thiết Ngưu, Phó Giám đốc Văn phòng, nói các hiệu trưởng, giáo viên phải giúp bồi dưỡng thái độ tích cực cho giới trẻ, phải hoàn thành nhiệm vụ phát triển “tinh thần bản sắc dân tộc” cho học sinh - sinh viên.
Ông Thiết nói: “Các nhà mô phạm Hồng Kông có truyền thống tốt đẹp là yêu tổ quốc và yêu Hồng Kông. Tôi tin tưởng các nhà giáo dục sẽ không thất bại trong nhiệm vụ và trách nhiệm của họ, và sẽ chăm sóc, ủng hộ sự phát triển lành mạnh của giới trẻ Hồng Kông, và phát triển một thế hệ mới ý thức bản sắc dân tộc, chăm lo cho Hồng Kông và một tầm nhìn toàn cầu”.
Ông Cheung Yung-pong, Chủ tịch Hiệp hội các Hiệu trưởng tiểu học Hồng Kông, nói rằng sau khi tham quan Văn phòng, giới giáo dục hiểu rõ hơn hoạt động hàng ngày của Văn phòng: “Tôi hy vọng sẽ có thể chia sẻ thông điệp của ông Thiết Ngưu với các giáo viên, sinh viên học sinh”.
Ông cũng hy vọng Văn phòng có thể tổ chức những ngày mở cửa khác, để trong tương lai, học sinh - sinh viên có thể nâng cao ý thức về sự phát triển của Trung Quốc: “Thanh niên ngày nay thiếu hiểu biết toàn diện về lịch sử Trung Quốc. Khi họ nói về độc lập, họ không hề biết không thể làm điều đó”.
Văn phòng hoạt động thiện chí, không “can thiệp” vào Hồng Kông
Sau khi dẫn khách tham quan Văn phòng, ông Thiết nói: “Vài người nghĩ tòa nhà trông bí ẩn. Ở đây không có gì bí mật cả... Chúng tôi tin với sự tăng cường giao lưu, tiếp xúc, Văn phòng có thể tăng cường sự tín nhiệm, hiểu biết lẫn nhau giữa Hồng Kông với đại lục. Và xã hội có thể trở nên hòa điệu hơn”.
Ông Thiết cũng hài lòng ghi nhận quan hệ thân cận hơn giữa hai mảng giáo dục Trung Quốc - Hồng Kông trong vài năm gần đây, dẫn số liệu khoảng 100.000 giáo viên, học sinh Hồng Kông tham gia các chương trình trao đổi và thăm Hoa lục hàng năm.
Hồi tháng 4, Văn phòng đã khai trương lần thứ nhất (kể từ khi lập năm 2000) và đã tiếp đón 1.500 khách tham quan. Lần mở cửa thứ hai hôm 9.9 dành riêng cho giáo viên, hiệu trưởng và phụ huynh học sinh. Chuyến tham quan kết thúc bằng bữa ăn miễn phí ở căng-tin.
Lãnh đạo Văn phòng từng nói ý tưởng mở cửa cơ quan hai lần/năm, khẳng định Văn phòng là “bạn cũ của cư dân Hồng Kông”.
Văn phòng là cơ quan đại diện cấp cao nhất của Bắc Kinh ở Hồng Kông. Một trong những nhiệm vụ là liên lạc với người dân, tăng cường giao lưu giữa thành phố với Hoa lục.
Một cán bộ Văn phòng cho biết cơ quan có 30 tầng, có chưa tới 20 cán bộ có nhiệm vụ chú ý kỹ những vấn đề nóng bỏng của Hồng Kông, gồm tình hình chính trị địa phương, lĩnh vực nhà ở, sự phát triển của giới trẻ và “bản sắc dân tộc”, rồi báo cáo về chính quyền trung ương Trung Quốc, nhưng đấy là hoạt động thiện chí, chứ không “can thiệp vào vấn đề nội bộ” Hồng Kông”.
Bảo Vĩnh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)