Nga từng tính cách giải cứu 'kẻ thù của Mỹ' khỏi Sứ quán Ecuador ở Anh
Hồ sơ - Ngày đăng : 19:38, 25/09/2018
Assange có quốc tịch Úc, 47 tuổi, tị nạn trong Sứ quán Ecuador từ tháng 6.2012, để tránh bị Anh dẫn độ về Thụy Điển xét xử cáo buộc ông xâm hại tình dục 2 phụ nữ trong chuyến thăm nước này năm 2010.
Tháng 5.2017, cơ quan tư pháp Thụy Điển đã tuyên bố chấm dứt cuộc điều tra cáo buộc tấn công tình dục. Tuy nhiên, cảnh sát Anh khẳng định sẽ tiếp tục tìm cách bắt giữ ông Assange, ngay khi ông rời khỏi Sứ quán Ecuador, vì tội vi phạm điều khoản tại ngoại khi vào Sứ quán để trốn. Theo luật pháp Anh, tội danh này có thể bị kết án tới 1 năm tù.
Ông Assange luôn bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng vụ kiện này nhằm bắt giữ và dẫn độ ông sang Mỹ, để xét xử các tội danh hồi năm 2010 ông đã dùng trang Wikileaks để tiết lộ hàng nghìn tài liệu bí mật quốc gia về quân sự, ngoại giao và tình báo của chính phủ Mỹ.
Kế hoạch giải cứu Assange bị hủy vì "quá nguy hiểm"
Guardian ngày 21.9 dẫn 4 nguồn tin, nêu một phương án giải cứu Assange là dùng tàu thủy lén chở ông đến Ecuador, nước đã cấp quốc tịch cho Assange khi ông tị nạn ở Sứ quán.
Phương án khác là dùng xe ngoại giao để đưa Assange ra khỏi Sứ quán Ecuador vào dịp lễ Noel 24.12.2017, chở ông qua Nga sống.
Các nguồn tin nói kế hoạch giải thoát này liên quan việc Assange được cử làm nhà ngoại giao của Ecuador - sau khi đã được Ecuador cấp quốc tịch - phục vụ tại Sứ quán nước này ở London, để Ecuador có thể cho ông hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, từ đó người Nga có thể đem ông khỏi Sứ quán bằng xe ngoại giao.
Guardian ngày 21.9 nêu phương án này bị hủy ngay trước khi tiến hành vài ngày. Một nguồn tin nói Rommy Vallejo, chỉ huy tình báo Ecuador, có lẽ đã đến Anh ngày 15.12.2017 để giám sát chiến dịch giải cứu Assange, và ông rời London khi phải hủy kế hoạch.
Hồi tháng 2, Vallejo thôi việc và có tin ông đang ở Nicaragua, vì bị điều tra dính líu vụ bắt cóc một đối thủ chính trị của cựu Tổng thống Rafael Corea của Ecuador hồi năm 2012.
Các nguồn tin nói khác nhau về người quyết định hủy phương án giải cứu Assange, nhưng đều đồng ý phương án này “quá nguy hiểm”, nhất là vì Anh từ chối cấp quyền bảo vệ ngoại giao cho Assange.
Theo luật Anh, các nhà ngoại giao nước ngoài được miễn trừ truy tố hình sự, nếu chính phủ Anh công nhận người đó là nhà ngoại giao chuyên trách.
Đây không phải lần đầu tiên Assange muốn qua Nga sống. AP đưa tin ông từng cố gắng xin visa nhập cảnh Nga, hồi tháng 10.2010 đã ủy quyền cho người bạn Israel Shamir (từng tuồn tin mật của ngành ngoại giao Mỹ cho các nhà báo Nga ở Moscow) đem hộ chiếu của ông đến Sứ quán Nga xin và nhận visa.
Một nguồn tin của Guardian nói hồi cuối năm 2017, một doanh nhân Nga là trung gian tổ chức cuộc gặp các quan chức Nga bí mật nói chuyện với Fidel Narvez, một người thân cận Assange, về khả năng giúp ông an toàn rời khỏi Sứ quán Ecuador, nơi mà gần đây ông Narvez còn là Đại sứ của Ecuador.
Ông Narvez khẳng định với báo Anh rằng mình không liên quan vụ giải cứu Assange, và ông đã cùng 20, 30 nhà ngoại giao khác đến Sứ quán Nga ở Anh hai lần trong năm 2018, vào thời điểm sau khi xảy ra nghi án điệp viên Nga dùng chất độc thần kinh cấp quân dụng Novichok để đầu độc cựu đại tá tình báo quân đội Nga (GRU) Sergei Skripal và con gái ông.
Ông Narvez cũng giữ một vai trò trong vụ lập hành lang an toàn cho Edward Snowden đi trốn sau khi Snowden “xì” bí mật Cơ quan An ninh Quôc gia Mỹ (NSA) lén lút do thám công dân Mỹ.
Snowden từng là nhân viên hợp đồng của NSA, đã trốn qua Hồng Kông năm 2013 rồi được tị nạn ở Nga. Tổng thống Ecuador lúc đó, ông Rafael Correa nói Đại sứ Narvez phê duyệt vụ lập hành lang an toàn này mà không báo chính phủ Ecuador biết.
Chính phủ Ecuador và Bộ Ngoại giao Nga từ chối bình luận thông tin của Guardian. Sứ quán Nga ở London phản ứng qua tài khoản Twitter, gọi câu chuyện của báo là “ví dụ khác về tin giả từ giới truyền thông Anh”, đồng thời khẳng định Sứ quán Nga không cùng các đồng nhiệm Ecuador hoặc ai khác bàn chuyện kết thúc thời gian lưu trú của ông Assange ở cơ quan ngoại giao của Ecuador.
Nghị sĩ đối lập đòi chính phủ Ecuador giải trình việc cấp quốc tịch cho Snowden
Theo một tài liệu chính phủ Ecuador mà Reuters được xem, vào năm 2017, chính quyền nước này giao Assange giữ một vị trí ngoại giao ở Nga nhưng thu hồi, sau khi Anh từ chối cấp quyền miễn trừ ngoại giao cho Assange.
Vụ việc này được tiết lộ trong một bức thư do Bộ Ngoại giao Ecuador gởi đến một nghị sĩ đã yêu cầu thông tin về việc chính quyền hồi cuối năm 2017 đã cấp quốc tịch cho Assange.
Trong thư gởi nữ nghị sĩ Paola Vintimilla của phe đối lập, Bộ giải thích ngày 19.12.2017, rằng đã “phê duyệt một chỉ định đặc biệt dành cho ông Assange, để ông có thể làm nhiệm vụ tại Sứ quán Ecuador ở Nga”.
“Chỉ định đặc biệt” có nghĩa Tổng thống Ecuador có quyền đề bạt các đồng minh chính trị giữ một số vị trí ngoại giao, ngay cả khi họ không là nhà ngoại giao chuyên trách.
Nhưng Bộ Ngoại giao Anh hồi âm ngày 21.12.2017 lưu ý Anh không chấp nhận Assange là một nhà ngoại giao, không đồng ý cho ông hưởng bất kỳ ưu đãi nào cùng quyền miễn trừ ngoại giao ghi trong Công ước Vienna”.
Theo thư gửi nghị sĩ Vintimilla, chính quyền Ecuador đã hủy ngay đề xuất ngay sau khi nhận hồi âm của chính quyền Anh, nơi đã tuyên bố sẽ bắt Assange nếu ông rời khỏi Sứ quán Ecuador.
Bức thư của Bộ Ngoại giao Ecuador là phần tổng hợp 28 tài liệu đã gởi cho bà Vintimilla. Trong đó có một thư đề ngày 4.12.2017 của Assange, nhằm rút đề nghị được Ecuador cho tị nạn chính trị nhằm chuẩn bị trở thành một nhà ngoại giao của nước này.
Nghị sĩ Vintimilla nói từ kết quả thư này, phải tước quốc tịch của Assange do Ecuador cấp cho ông hồi cuối năm 2017.
Tổng thống Ecuador phàn nàn “một vấn đề lịch sử để lại”
Theo Reuters, có thể khi dự tính cho Assange một vai trò ngoại giao ở Nga, đương kim Tổng thống Ecuador, ông Lenin Moreno muốn kết hợp với Nga để giải thoát Assange khỏi Anh. Ông từng nói ông muốn Assange rời khỏi Sứ quán vì quyền tị nạn của Assange không thể kéo dài mãi, nhưng ông chưa muốn hủy quyền này vì lo ngại nguy hiểm cho nhân quyền của Assange.
Trong một tuyên bố ngày 27.7, Tổng thống Ecuador nói trong tương lai Assange sẽ phải rời khỏi Sứ quán, và ông từng gọi nhà sáng lập WikiLeaks là một “tin tặc” và là “một vấn đề lịch sử để lại” của chính phủ cựu Tổng thống Correa, người đã duyệt cho ông Assange được tị nạn trong Sứ quán.
Hồi tháng 3, Sứ quán Ecuador đã hạn chế khách thăm Assange, và cắt mạng internet dành cho nhà lập trình Assange, sau khi ông trình bày quan điểm chính trị qua mạng xã hội Twitter, trong đó ông bình luận việc chính phủ Tây Ban Nha bắt một chính khách đòi độc lập cho xứ Catalan, và thắc mắc việc Nga dính líu vụ đầu độc cựu điệp viên tình báo quân đội Nga Sergei Skripal và con gái ông tại Anh hồi tháng 3.2018.
Từ đó, tin đồn loan đi rằng thời tị nạn chính trị của Assange đã cạn, vì vi phạm “bản cam kết” mà ông đã ký với chính phủ Ecuador, trong đó ông hứa “không toan tính xen vào chuyện nội bộ của các nước khác”.
Trong một tuyên bố, chính phủ Ecuador viết: “Hành vi của Assange gây nguy hiểm cho việc Ecuador duy trì quan hệ với Anh, với các nước thuộc EU và với các nước khác”.
Mỹ rất muốn bắt "Tên hèn nhát núp sau cửa sổ"
Wikileaks từng công bố các bí mật của chính phủ Mỹ, gồm các tài liệu của đảng Dân chủ bị tin tặc Nga (được cho là có Điện Kremlin tài trợ) chiếm đoạt.
Năm 2017, các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Wikileaks của ông Assange giữ vai trò chính trong nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016, vì Wikileaks được dùng như một công cụ trung gian để Nga phát tán các thư điện tử của các đảng viên Dân chủ cấp cao đã bị tình báo Nga tấn công tin tặc nhằm phá hoại cuộc tranh cử của ứng viên Hillary Clinton, và giúp ông Donald Trump trúng cử Tổng thống. Ông Trump và Nga đã phủ nhận các cáo buộc.
Khi tranh cử, ông Trump từng hoan nghênh Wikileaks công bố các e-mail khiến bà Clinton mất uy tín. Công tố viên đặc biệt Robert Muller, người chỉ huy điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016, từng nói Wikileaks công bố “hơn 50.000 tài liệu” bị tin tặc Nga cướp, và đợt công bố đầu tiên ngày 14.7.2016.
Wikileaks (được lập năm 2006) khẳng định không hề có quan hệ với Nga. Assange phủ nhận rằng không nhận các thư điện tử từ Nga, nhưng không loại trừ có được chúng từ một bên thứ ba.
Các công tố viên Mỹ chưa chính thức buộc tội Assange, nhưng năm 2017, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions tuyên bố bắt ông Assange là một “quan tâm chủ đạo”, trong khi cựu Giám đốc CIA Mike Pompeo nói Wikikeaks là “một tổ chức dịch vụ tình báo thù địch thường cặp kè với những thành phần thù địch như Nga”.
Ông Pompeo nay là Ngoại trưởng Mỹ, nói “Assange dựa vào hành động dơ bẩn của người khác để được nổi tiếng. Hắn là gã hèn núp sau màn cửa sổ”.
Bảo Vĩnh (theo Guardian)