Tuyên bố Đà Nẵng: Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung
Hồ sơ - Ngày đăng : 18:39, 11/11/2017
Buổi họp báo tại Trung tâm báo chí quốc tế Đà Nẵng với sự tham dự của hàng ngàn phóng viên trong nước và quốc tế.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: “Sau gần 20 năm là thành viên của APEC, Việt Nam vinh dự một lần nữa đảm nhận vai trò chủ tịch hội nghị quan trọng nhất trong năm của diễn đàn này. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là nền kinh tế mở đang hội nhập sâu rộng, có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định nhiều năm qua; Năm APEC Việt Nam 2017 là cơ hội quý báu để Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực”.
“Để đến được với Hội nghị Cấp cao ngày hôm nay, trong suốt 1 năm qua, các bộ trưởng quan chức cấp cao APEC cùng với cộng đồng doanh nghiệp và các học giả trong khu vực đã tiến hành hơn 240 cuộc họp tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam, các cuộc họp đã thảo luận nghiêm túc kỹ lưỡng và thống nhất đề xuất các biện pháp thúc đẩy đối thoại, hợp tác và liên kết APEC. Tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết khu vực hướng tới chuẩn bị tốt nhất các hoạt động của tuần lễ cấp cao APEC 2017”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì họp báo sau Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 - Ảnh: Lê Đình Dũng
Chủ tịch nước Việt Nam cho hay: “Trong bối cảnh đó và tiếp nối những thành tựu hợp tác của APEC trong những năm qua, với sự đồng tình nhất trí cao của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 đã thông qua tuyên bố Đà Nẵng: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
Theo ông Trần Đại Quang, đây là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị cấp cao APEC cũng như của năm APEC 2017.
Tại Hội nghị, chúng tôi cũng đã thảo luận và nhất trí những nội dung chủ yếu sau đây:
1 Đã thông qua chương trình hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế tài chính và xã hội nhằm khẳng định quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường. Đây cũng là một nội dung quan trọng của đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với cộng đồng doanh nghiệp.
2 Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và năng suất lao động của các nền kinh tế APEC, yêu cầu cấp bách đặt ra đó là: tăng cường chất lượng giáo dục, trang bị cho người lao động những kỹ năng kiến thức cần thiết để thích ứng tốt hơn với môi trường việc làm và thị trường lao động đang thay đổi căn bản bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhận thức sâu sắc về điều đó, chúng tôi đã thông qua khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Các định hướng chính sách và biện pháp đề ra trong khuôn khổ không chỉ đáp ứng quan tâm chung của khu vực mà còn là đòn bẩy giúp Việt Nam và khu vực triển khai thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao
3 Nhằm tạo những động lực mới cho tăng trưởng bền vững và bao trùm, hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận một cách sâu sắc về các chính sách và biện pháp chiến lược nhằm phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa theo hướng xanh bền vững và sáng tạo. Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo công nghiệp hỗ trợ, phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nước, năng lượng phát triển nông thôn và đô thị, cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro thiên tai. Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, phát triển du lịch bền vững.
Việc triển khai những khuôn khổ hợp tác dài hạn của APEC trong những lĩnh vực này sẽ góp phần cũng cố vai trò của diễn đàn là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực, và đi đầu với các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững các mục tiêu chung cần đạt được vào 2030 mà Liên Hợp Quốc đã đề ra.
4 Thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do ở châu Á - Thái Bình Dương là sứ mệnh của các nền kinh tế APEC. Để APEC tiếp tục là động lực thúc đây liên kết nối khu vực, góp phần để châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Hội nghị tái khẳng định cam kết hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy thuận lợi hóa đầu tư kinh doanh và dịch vụ, tăng cường hợp tác kinh tế, kỹ thuật.
Tiếp tục nỗ lực hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh vai trò quan trọng của APEC trong việc ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật pháp tự do mở, công bằng minh bạch và bao trùm. Hội nghị cũng hoan nghênh việc thông qua khuôn khổ APEC về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới để tạo điều kiện cho APEC khai thác có hiệu quả tiềm năng của kinh tế mạng, kinh tế số và các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
5 APEC đang nỗ lực hơn bao giờ hết để hoàn tất các mục tiêu Bogor vào năm 2020 và chuẩn bị bước vào thập niên phát triển thứ 4. Để nâng cao vai trò và vị thế của APEC trong cục diện quốc tế đa tầng nấc, chúng tôi hoan nghênh việc thành lập nhóm tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ các quan chức APEC trong việc xác định hướng đi và tương lai của diễn đàn sau năm 2020. Đó là một diễn đàn tự cường có năng lực xử lý các thách thức toàn cầu cũng như khả năng thích ứng cao với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Quyết định này cũng thể hiện quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình ổn định năng động, gắn kết và thịnh vượng. Trong đó, người dân và doanh nghiệp có vị trí trung tâm. Nhằm phát huy vai trò của APEC là cơ chế khởi xướng và điều phối các ý tưởng liên kết và kết nối khu vực, trong dịp này Việt Nam đã tổ chức đối thoại không chính thức lần đầu tiên giữa APEC và ASEAN về chủ đề: Cùng tạo động lực mới vì một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC và 10 nhà lãnh đạo các nước ASEAN.
Lê Đình Dũng