Bãi 'nhấn chìm vật chất' phóng xạ lớn nhất Liên Xô

Hồ sơ - Ngày đăng : 19:02, 17/08/2017

Hồ nước Karachay ở tây nam vùng Chelyabinsk (Nga) là bãi 'nhấn chìm vật chất' phóng xạ lớn nhất Liên Xô và là nơi ô nhiễm phóng xạ nhất thế giới.
Tàn tích nhà kho chứa chất thải phóng xạ bị nổ năm 1957-Ảnh: Alamy

Ngày nay, hồ karachay đã nằm dưới đống bê-tông dày, nhưng vào năm 1990, nếu đứng 1 giờ cạnh hồ thì một người sẽ hứng lấy liều phóng xạ 600 roentgen, đủ để giết chết người ấy.

Hồ này nằm trong khuôn viên Nhà máy liên hợp hóa chất Mayak: đó là “vỏ bọc” cho một trong những cơ sở vũ khí hạt nhân (VKHN) lớn nhất nhưng rò rỉ phóng xạ nhiều nhất của LX và người nước ngoài bị cấm đến suốt 45 năm, kể từ khi Mayak được xây dựng vào những năm 1940.

‘Nhấn chìm vật chất” phóng xạ xuống sông

Vào cuối năm 1945, khoảng 70.000 người từ các trại cải tạo lao động đã đến ven sông Techa để xây dựng một thành phố bí mật, được gọi là Chelyabinsk-40 nhưng không có tên trên bản đồ chính thức.

Vài tháng trước đó, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử “Chú nhỏ” và “Ông béo” san bằng 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Hành vi này khiến lãnh đạo LX cũng muốn sở hữu một quả bom hạt nhân. Nhà máy liên hợp hóa chất Mayak ra đời ở phía nam dãy núi Ural.

Chỉ trong vài năm, các lò phản ứng được đưa tới để sản xuất plutonium cần thiết cho loại VKHN đầu tiên của LX. Trong cuộc chạy đua giữa LX với Mỹ, các cộng đồng nông thôn gần Mayak chịu thiệt thòi nặng nhất. Sốt ruột muốn bắt kịp sự phát triển kỹ thuật của các loại vũ khí phương Tây, các kỹ sư Mayak không quan tâm đến an toàn lao động.

Tháng 6.1948, tức 31 tháng sau khi xây dựng vội vã, lò phản ứng đầu tiên bắt đầu hoạt động, nhưng vì vội bắt đầu sản xuất, các kỹ sư không có thời gian xây dựng quy trình xử lý chất thải phóng xạ nên nhà máy trút khoảng 76 triệu mét khối chất thải phóng xạ cấp nhỏ và trung bình xuống sông Techa từ năm 1949 đến 1956.

Đó là một kiểu “cốc-tai” các chất phóng xạ gồm các sản phẩm phân hạch thời gian dài như Strontium-90 và Cesium-137.

Mỗi chất phóng xạ này có thể tồn tại trong 30 năm. Khoảng 124.000 cư dân sống dọc sông bị phơi nhiễm.

Năm 1951, tức 3 năm sau khi Chelyabinsk-40 hoạt động, các nhà khoa học LX thực hiện một cuộc nghiên cứu sông Techa, để xác minh sự nhiễm phóng xạ có nguy hiểm?

Tại làng Metlino cách nhà máy 4 dặm, máy dò phát lượng 5 roentgen/giờ trong khi mức cơ bản của tia gamma phóng xạ này là 0,21 roentgen/năm.

Mức cao ấy quá ghê gớm do con sông là nguồn nước sinh hoạt cho 1.200 dân làng, và khi đo ở 38 làng khác cũng có lượng phóng xạ quá cao, đe dọa sức khỏe của 28.000 người.

Còn phải kể gần 100.000 cư dân khác bị phơi nhiễm các lượng gamma cao nhưng chưa đủ gây chết người, do họ sử dụng nước sông hoặc từ mùa màng thu hoạch, thịt gia súc bị nhiễm phóng xạ.

Bài toán tính sai: dẫn nguồn nước phóng xạ ra hồ

Trong nỗ lực tránh tác động phóng xạ nghiêm trọng lên sức khỏe nhân dân, chính quyền LX tổ chức di dời, tái định cư khoảng 7.500 dân làng ở các nơi bị nhiễm nặng nhất, chặn hướng ra sông, đào giếng cung cấp nguồn nước thay thế cho các làng còn lại. Các kỹ sư cũng được chỉ đạo xây những con đập trên sông Techa để chặn cặn phóng xạ chảy xuôi xuống hạ lưu.

Vào giữa những năm 1950, lãnh đạo nhà máy ra quyết định muộn màng: chấm dứt việc đổ chất thải phóng xạ xuống các hồ, sông lân cận, thay vào đó là bơm vào các bồn chứa, gọi là “hệ thống xử lý nước thải”, nơi nước nhiễm xạ được lóng để giảm lượng nhiễm xạ.

Vài tháng sau, nguồn nước này được bơm ra hồ Karachay.

Chu trình này khá ổn một thời gian, dân quanh sông được giảm nguy cơ phơi nhiễm, nhưng đến lượt Mayak “lãnh đòn”…

Hồ Karachay

Vào giữa những năm 1950, công nhân nhà máy sản xuất plutonium bắt đầu than bệnh, hạ huyết áp, mất khả năng phối hợp và cảm hay run: những triệu chứng của sự nhiễm phóng xạ.

Mayak cũng thường bị nhiều sự cố, nhất là ở “hệ thống xử lý nước thải”. Các bồn chứa này được xây cách nhà máy chính vài km, nằm dưới một khối nước để làm giảm nhiệt phát ra từ chất thải phóng xạ.

Nhưng các kỹ sư sớm phát hiện chất đồng vị nóng trong nước thải thường bốc hơi trong bồn chứa, hậu quả là nó góp phần gây nổ chứ không phải ngăn chặn.

Sức ép từ phía trên càng ép lên các ống trong bồn, khiến các mối hàn bị ảnh hưởng và khiến chất thải phóng xạ xì ra nước làm mát. Tệ hơn nữa, nhiều máy điều hòa không khí của các bồn chứa bị hỏng, khả năng làm lạnh của nó bị tắt.

Công nhân biết rõ các sai sót này, nhưng sự phóng xạ xung quanh khiến chẳng ai dám sửa. Đã có những tính toán rằng hầu hết nước thải trong bồn chứa vẫn ở tình trạng ổn định dù không được làm mát, nên các kỹ thuật viên tiếp tục vận hành nhà máy plutonium.

Nhưng đáp án về sự bốc hơi của họ sai, nước trong bồn được “hâm nóng” dần….

Chỉ đạo “Bệnh đặc biệt”

Ngày 29.9.1957, một bồn có nhiệt độ 660 độ F và đến 16 giờ 20 hôm ấy, nó nổ tung làm các bồn khác nổ theo, lực công phá tương đương 85 tấn thuốc nổ TNT và làm phát tán lên cao khoảng 85 tấn mây phóng xạ, khiến đồng vị Cesium và Strontium bay xa 23.000 km, tác động đến 270.000 công dân LX và nguồn thức ăn của họ.

Vài ngày sau đó có những báo cáo bất thường ở các làng: dân làng hoang mang sợ hãi vì nhiều bệnh lạ xảy ra: nạn nhân bị tróc da mặt, tay và ở các phần thân thể.

Sau khi “họp khẩn” những 10 ngày, chính quyền ra lệnh sơ tán nhiều làng có người bị tróc da, nôn ra máu… Cuộc sơ tán ồ ạt 10.700 người khiến vùng đất vắng tanh. Chelyabinsk-40 nhanh chóng dọn dẹp rồi lại sản xuất plutonium.

Do không còn bồn chứa, chính quyền địa phương lại cho đổ thẳng chất thải phóng xạ vào hồ Karachay và lúc ấy các kỹ sư lạc quan cho rằng bất kỳ thứ gì ném xuống hồ thì nó sẽ được chôn sâu vĩnh viễn.

Nhưng nhiều tuần sau vụ nổ, nhiều cư dân phải vào bệnh viện vì nhiễm xạ (sau này có thông tin các ca ung thư tăng 21 %, quái thai tăng 25 % và bệnh bạch cầu tăng 41 %, tổng cộng 28.000 người bị nhiễm xạ).

Nhưng các bác sĩ bị chỉ đạo: không được ghi chữ phóng xạ khi chẩn đoán cho họ, nên các bệnh nhân đều được kết luận: “bị bệnh đặc biệt” hoặc “có vấn đề về máu”. Ngay cả đến lúc đó, các bản khám sức khỏe này cũng được xếp loại tài liệu mật, mãi đến năm 1990….

Hạn hán lòi mặt nguy hiểm

Trong vòng hai năm, phóng xạ “giết” trụi các cây thông trong bán kính 12 dặm của Chelyabinsk-40. Các cột tín hiệu giao thông bị nhổ bỏ ở rìa khu vực nhiễm, người lái xe bị buộc hạ cửa kính khi đi qua vùng này và bị cấm dừng lại vì bất kỳ lý do nào.

Năm 1967 xảy ra một cơn hạn hán nặng nề trên toàn vùng Chelyabinsk. Hồ Karachay dần cạn rồi kiệt nước, phơi hết trọn bộ cặn phóng xạ dưới đáy hồ. Tầm phát tán bụi phóng xạ là 2.200 km vuông, gồm Strontium-90, Caesium-137 và vô số chất đáng sợ khác.

Gần nửa triệu dân sống trong khu vực có đám mây này, nhiều người từng trải qua vụ nổ bồn chứa 10 năm về trước.

Các kỹ sư LX vội lập chương trình phòng chống cặn phóng xạ thoát ra khỏi hồ Karachay. Trong hàng chục năm họ đổ đá, cát, tảng bê-tông lấp hồ. Nhà máy thừa nhận hồ không là chỗ chứa thích hợp, ra lệnh dần dần xóa hồ.

Mãi đến năm 1992, Tổng thống Nga Boris Yeltsin ký sắc lệnh cho phép mở cửa Chelyabinsk-40 (sớm được đổi tên thành Chelyabinsk-65 rồi Ozersk) để các nhà khoa học phương Tây đến tham quan, và tuyên bố đó là nơi ô nhiễm nhất trái đất. Năm 2003, nhà máy chính thức bị thu hồi giấy phép chôn chất thải phóng xạ.

Ngày nay, còn nhiều khu đất không thể sinh sống ở Chelyabinsk, do sông hồ bị phơi nhiễm phóng xạ từ vụ nổ bồn chứa và hạn hán.

Bề mặt hồ Karachay hiện được bê-tông hóa, nhưng vẫn chưa kiểm soát được khả năng gây nhiễm của nó.

Tô Mỹ (theo Daily Mail)