Kỳ 1: Nga cảnh cáo Mỹ đưa thủy quân lục chiến đến Na Uy
Hồ sơ - Ngày đăng : 18:51, 27/06/2017
Trong một tuyên bố đề ngày 24.6 gởi cho hãng tin Reuters, Sứ quán Nga ở Oslo nêu Nga xem việc Mỹ đưa thủy quân lục chiến trú đóng ở Na Uy là “mâu thuẫn với chính sách không triển khai căn cứ quân sự nước ngoài ở Na Uy trong thời bình” của chính phủ Na Uy.
Tuyên bố còn nêu sự gia hạn này khiến “Na Uy trở thành một đối tác không hoàn toàn đáng tin cậy” của nước Nga.
Na Uy xoa dịu ý nghĩa cuộc triển khai quân sự Mỹ khi nhấn mạnh đấy chỉ là hoạt động huấn luyện, và sự hiện diện của thủy quân lục chiến Mỹ không là hành động chống lại Nga. Họ nói lính Mỹ trú đóng cách biên giới Nga 1.500 km.
Khoảng 330 thủy quân lục chiến Mỹ sẽ trú đóng ở Na Uy cho đến cuối năm 2018, gấp đôi thời gian dự kiến trước đó.
Cuộc triển khai quân này vào lúc tiếp tục căng thẳng giữa Nga và NATO, dù chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát tín hiệu muốn làm tan băng quan hệ với Moscow.
Na Uy từng cáo buộc tin tặc Nga tấn công mạng của các cơ quan công quyền Na Uy hồi tháng 2.2017. Cùng tháng đó, Na Uy tuyên bố khoản chi quân sự 20 tỉ USD trong 20 năm tới để phản ứng với điều họ gọi là “hành vi hung hăng của Nga” ở vùng biển Baltic.
Hồi tháng 1.2016, thủy quân lục chiến Mỹ đã đến Na Uy tập dượt tham gia chiến tranh mùa đông và các cuộc tập trận chung, đánh dấu lần đầu tiên quân đội nước ngoài trú đóng ở nước thành viên NATO này, kể từ khi kết thúc Thế chiến 2.
Trong tuyên bố ngày 21.6.2017, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Ine Eriksen Soereide nêu: “Một mức độ hiện diện quân sự cao nhằm ổn định tình hình trong thời bình, góp phần ngăn chặn và phòng thủ”.
Quyết định này của chính phủ trung hữu được nhiều đảng đối lập ở Na Uy ủng hộ, nhưng bị đảng Xã hội khuynh tả Na Uy chỉ trích.
Tình hình này dẫn đến nhận định quan hệ lạnh lẽo Nga-Mỹ hiện tại càng làm tăng nỗi sợ về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Thực tế là Tổng thống Nga Vladimir Putin đang củng cố quân đội và kinh tế Nga ở vùng Bắc Cực. Ông hứa chuyển Nga thành một thế lực nổi trội ở khu vực này.
Giáo sư Katarzyna Zysk của Viện nghiên cứu quốc phòng Na Uy nói: nền tảng tham vọng ở Bắc Cực của Nga là khu vực này giữ một vai trò trong các chiến lược hải quân và ngăn chặn của Nga. Trọng tâm của các chiến lược này là tàu ngầm Borei có thể chở ít nhất 12 quả tên lửa đạn đạo, và mỗi quả có thể gắn nhiều đầu đạn hạt nhân.
Chiếc Yuriy Dolgorukiy - chiếc đầu tiên trong ít nhất 8 tàu ngầm Borei mà Nga tính đóng đã thuộc Hạm đội Biển Bắc của Nga.
(còn tiếp...)
Vĩnh Thụy (theo Newsweek)