Phá lệ với tân Tổng thống Trump, ông Obama muốn điều gì?
Hồ sơ - Ngày đăng : 14:51, 22/11/2016
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC Lima 2016, đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng nếu một vấn đề có liên quan đến giá trị Mỹ, lý tưởng Mỹ và theo quan điểm cá nhân thấy cần phải bảo vệ thì ông sẽ lên tiếng.
Cũng nên nhớ lại, năm 2013, cựu Tổng thống G.Bush từng phát biểu: "Làm tổng thống là công việc khó khăn. Tân tổng thống rất bận rộn với các kế hoạch mới. Cựu tổng thống không nên làm cho công việc của tân tổng thống khó khăn thêm nữa”, theo CNN. Và suốt 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, ông Bush gần như không nêu ý kiến gì với Tổng thống đương nhiệm.
Vậy điều gì đã khiến cho Tổng thống Obama quyết phá vỡ thông lệ khi rời khỏi chính trường như vậy?
Lo lắng di sản của mình không được kế thừa
Trong lịch sử chính trị nước Mỹ thời hiện đại, có lẽ không vị Tổng thống Mỹ nào khi rời nhiệm sở lại để lại quá nhiều kế hoạch dở dang cho người kế nhiệm như Tổng thống Barack Obama. Người để lại dang dở nhiều như cố Tổng thống Franklin D.Roosevelt – ra đi khi Thế chiến 2 chưa kết thúc – có lẽ cũng không có nhiều sự dang dở như Tổng thống Obama hiện nay.
Tuy nhiên, vấn đề nguy hại không chỉ là sự dang dở mà còn ở chỗ người kế nhiệm có thể không kế thừa, thậm chí phá bỏ những di sản của cựu tổng thống. Một việc khó khăn nhất mà Tổng thống Franklin D.Roosevelt để lại cho người kế nhiệm Harry S.Truman là sử dụng vũ khí hạt nhân để kết thúc Thế chiến 2 cũng đã được thực hiện, song ông Obama thì không kỳ vọng Trump sẽ là một Truman thứ 2.
Cựu Tổng thống G.H.W.Bush (Bush cha) phải rời nhiệm sở chỉ sau một nhiệm kỳ và để lại rất nhiều nuối tiếc về những thành quả chưa trọn vẹn của mình khi Chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới đơn cực thành hình xoay quanh trục Mỹ, song ông cũng cho thấy sự thanh thản khi rời chốn quan trường, cho dù người kế nhiệm trẻ tuổi Bill Clinton còn khiến nhiều người nghi ngại.
Song với Tổng thống Obama thì ngay từ khi cuộc đua tranh giữa hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump còn gay cấn và lợi thế vẫn nghiêng về ứng viên đảng Dân chủ, người đứng đầu Nhà Trắng đã thể hiện sự lo lắng cho di sản của mình. Cả Tổng thống Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle đều đi tiên phong trong chiến dịch ủng hộ bà Hillary.
Và trong chiến dịch “ủng hộ phe ta”, Tổng thống Obama đã cho rằng Trump không xứng đáng làm Tổng thống Mỹ, nhưng trớ trêu là “người không xứng đáng” lại đắc cử, còn người ông kỳ vọng và gửi niềm tin thì lại bị hạ nốc ao. Có thể thấy rằng đây chính là điều khiến Tổng thống Obama có tâm lý lo lắng cho sự nghiệp ở buổi hoàng hôn.
Chưa có Tổng thống Mỹ nào khi chỉ còn hơn 60 ngày tại nhiệm mà phải chạy đôn chạy đáo úy lạo tinh thần cho đối tác, trấn an ái ngại cho đồng minh, như Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ. Chuyến thăm từ biệt châu Âu của ông Obama đã để lại nhiều cảm xúc, song không thể nhận diện đó là thành công cuối cùng của ông với các đồng minh bên bờ đông Đại Tây Dương.
Bởi khi ông Obama kêu gọi siết chặt cấm vận Nga thì các đồng minh tỏ rõ đồng thuận, song sau lưng thì họ lại đi đêm với Moscow, nhất là khi mùa đông đã đến và khí đốt từ nước Nga là thứ quá quan trọng với họ. Điều đó khiến cho mặt trận chống Nga của phương Tây chưa kịp thống nhất đã có thể rã rời.
Trong khi đó người kế nhiệm thì lại làm dấy lên lo ngại có thể khiến NATO phân rã và gần gũi với Nga để có thể khiến đồng minh phải trả giá với cả Washington và Moscow. Do vậy, những di sản của ông Obama đã được báo trước khó có thể được kế thừa, thậm chí sẽ bị phá bỏ. Điều đó khiến cho Tổng thống Obama không lo sao được.
Mong muốn tìm kiếm một vai trò
Tại cuộc họp báo ở Peru, Tổng thống Obama cho biết ông "muốn thể hiện sự tôn trọng và tạo cơ hội cho tân tổng thống đưa ra quan điểm của mình mà không bị phản ứng dữ dội". Điều đó khiến cho dư luận rất ngạc nhiên, cho dù Tổng thống Obama tự nhận mình là một "công dân Mỹ quan tâm sâu sắc đến tình hình đất nước".
Có thể thấy rằng các Tổng thống Mỹ sau khi mãn nhiệm sẽ trở thành những công dân đặc biệt của nước Mỹ chứ không chỉ như những công dân bình thường khác. Một người đã từng nắm giữ quyền lực tối cao của nước Mỹ, sau khi rời chính trường trở về với cuộc sống đời thường vẫn có những sự khác biệt trong đời sống xã hội.
Đúng là với quyền công dân Mỹ, các tổng thống mãn nhiệm cũng bình đẳng trước pháp luật, nhưng hiệu ứng tác động xã hội của các cựu tổng thống Mỹ lớn hơn rất nhiều công dân bình thường khác. Lời nói, hành động của một người từng là nguyên thủ quốc gia, đại diện quyền lực nhân dân, quản lý đất nước và thực thi pháp luật sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng.
Vì vậy, như thông điệp cựu Tổng thống G.W.Bush, việc tổng thống mãn nhiệm không chịu yên ổn sau khi rời chốn quan trường sẽ có thể làm khó cho tổng thống mới trong quá trình thực thi quyền lực, triển khai chương trình hành động của mình. Và dường như Tổng thống Obama cho thấy ông sẽ không chịu yên ổn sau khi rời quyền lực.
Cho dù trong cuộc họp báo tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC Lima 2016, ông Obama cho biết sẽ có thái độ chuyên nghiệp với cá nhân và công việc của Trump, giống như tổng thống tiền nhiệm George W.Bush, song ông Obama cũng lên tiếng rằng ông có ý định hỗ trợ Trump và giúp tân tổng thống hình thành tầm nhìn của mình.
Rõ ràng những hành động và lời nói của Tổng thống Obama sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 có kết quả cho thấy ông vẫn chưa muốn hoàn toàn rời khỏi vũ đài chính trị. Phải chăng ông Obama đang muốn tìm kiếm một vị trí, một vai trò nào đó trong đời sống chính trị Mỹ sau khi ông rời nhiệm sở?
Một chức vị đại diện đặc biệt cho Tổng thống Mỹ trong một lĩnh vực nào đó, một chức vị đặc sứ Mỹ trong một chương trình quan trọng nào đó, không phải là điều không thể xảy ra với một cựu tổng thống Mỹ. Với những hiệu ứng tiêu cực từ một bộ phận dân chúng Mỹ thời hậu bầu cử, phải chăng việc bổ nhiệm người tiền nhiệm vào một chức vị nào đó chỉ có thể có lợi cho chính quyền của ông Trump?
Ngọc Việt