Mỹ đã thất bại khi nôn nóng phục thù Trân Châu Cảng
Hồ sơ - Ngày đăng : 05:55, 24/12/2016
Tuy không gây nhiều thiệt hại cho Nhật, hơn nữa nhiều máy bay tham gia oanh kích còn bị bắn rơi, các phi công bị bắt hoặc bị giết nhưng quân đội Thiên Hoàng đã không còn dám vỗ ngực cho mình là bất khả xâm phạm. Người được chọn sứ mệnh chỉ huy các phi đội thực hiện đòn oanh kích cảm tử này là Jimmy Doolittle, "viên phi công của những kỷ lục" vừa qua đời năm 2015.
Trong 2 ngày 4 và 5.9.1922, Jimmy Doolittle ghi danh vào lịch sử hàng không Mỹ với thành tích là người đầu tiên bay từ đầu này đến đầu kia nước Mỹ trong chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. 9 năm sau, Doolittle tự phá kỷ lục của chính mình bằng một chuyến bay kéo dài chưa đầy 12 giờ.
Doolittle là người đầu tiên bay vòng quanh nước Mỹ và cất cánh, bay và hạ cánh mà không cần sự điều khiển của trạm không lưu mặt đất. Đến khi nghỉ hưu vào tháng 9.1947, Doolittle đã bay được hơn 10.000 giờ với 265 loại máy bay khác nhau. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Doolittle làm nghề huấn luyện phi công trong quân đoàn thông tin và thành lập một nhóm bay mạo hiểm mang tên gọi "Năm nghệ sĩ nhào lộn quả cảm".
Thời gian giữa hai cuộc đại chiến thế giới, anh làm việc cho Công ty xăng dầu Shell. Năm 1925, Doolittle lập kỷ lục thế giới đầu tiên lái máy bay đạt đến vận tốc 392 km/giờ và 7 năm sau kỷ lục này lại do chính Doolittle phá bằng chuyến bay với vận tốc 473 km/giờ.
"Một phi công đồng thời cũng là một nhà khoa học" là cách mà tác giả Duane Schultz đánh giá về Doolittle trong cuốn sách xuất bản năm 1998 "The Doolittle Raid" (Trận đột kích Doolittle) - một con người có tài lái máy bay nhanh hơn bất kỳ một phi công nào khác và đủ khả năng để đoạt được tấm bằng tiến sĩ về kỹ thuật hàng không ở trường Đại học Công nghệ Massachusetts". Mặc dù đã bay khắp nước Mỹ nhưng Doolittle chưa bao giờ tiến hành các chuyến bay ra ngoài phạm vi lãnh thổ.
Tháng 7.1940, Doolittle phục vụ quân đội dưới trướng của Henry Arnold, vị tướng chỉ huy quân đoàn không quân của lục quân Mỹ. Khi lần đầu tiên xuất hiện ý tưởng tiến hành một trận oanh kích vào Nhật Bản, Arnold biết Doolittle là người phù hợp để chỉ huy trận đánh nhưng họ không muốn phải hy sinh một phi công tài năng như anh. Arnold muốn Doolittle chỉ tham gia huấn luyện các phi công trẻ, làm công tác chuẩn bị cho các máy bay, tuy nhiên viên trung tá phi công 45 tuổi quả cảm này muốn mình phải được ngồi vào ghế của chiếc máy bay ném bom đầu tiên khi đột kích vào Tokyo.
Nhưng vấn đề là những chiếc máy bay cảm tử sẽ xuất kích từ đâu? Loại máy bay hoạt động trên các tàu sân bay của Mỹ thời bấy giờ chỉ có thể tấn công các mục tiêu trong phạm vi 480km. Lực lượng máy bay ném bom lớn nhất trong khu vực là 35 máy bay B-17 đang đóng ở Phillippines nhưng nhiều chiếc trong số này đã bị phá hủy trong một trận tấn công chớp nhoáng diễn ra chỉ vài giờ sau cuộc tập kích của quân Nhật vào Trân Châu Cảng.
Ngoài ra, máy bay B-17 có tầm hoạt động chưa đến 1.600km mà Nhật Bản lại cách đó 3.200km. Ban đầu, hai máy bay ném bom tầm trung B-23 Dragon và B-26 Marauder được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ này, nhưng người ta nhanh chóng phát hiện máy bay B-23 không thích hợp cho việc cất cánh từ tàu sân bay do sải cánh rộng hơn 28m, còn máy bay B-26 sẽ không thể cất cánh được trước khi nó chạy hết đoạn đường băng trên boong tàu sân bay Hornet.
Lựa chọn cuối cùng được đặt vào loại máy bay ném bom tầm trung hai động cơ B-25 Mitchell nhưng chúng cần phải thay đổi một số chi tiết: ba thùng xăng phụ phải được tăng gần gấp đôi dung tích, những chiếc máy vô tuyến có trọng lượng hơn 100kg cũng được tháo ra cũng như thiết bị ngắm Norden sử dụng khi ném bom vì trong trường hợp nếu bị rơi vào tay quân Nhật, chiếc máy bay không còn là nguyên bản cho kẻ thù nghiên cứu.
Tháng 3.1942, thời gian chuẩn bị cho chiến dịch trở nên khẩn trương hơn vì đến tháng 5, thời tiết thay đổi thất thường ở khu vực bắc Thái Bình Dương sẽ khiến cho việc tấn công vào Tokyo gặp rất nhiều khó khăn. Đến ngày 1.4, 16 máy bay B-25 Mitchell được đưa lên tàu sân bay Hornet. 11 ngày sau, tàu Hornet hợp quân với một lực lượng gồm 8 chiếc tàu đến từ Trân Châu Cảng, dưới sự chỉ huy của tàu sân bay Enterprise.
Nhưng có một chi tiết vô cùng quan trọng mà những người lên kế hoạch tác chiến đã không tính đến sự hiện diện của Nitto Maru, tàu đánh cá của Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ cảnh giới. Trên thực tế, tình báo Mỹ không hề hay biết về hệ thống tàu thuyền cảnh giới được triển khai cách bờ biển Nhật Bản 650 hải lý. Vào thời điểm những người lính trên tàu Hornet phát hiện ra con tàu Nitto Maru ở khoảng cách gần 10km, thì cũng có nghĩa là trước đó, lính canh trên tàu Nhật đã phát hiện ra con tàu sân bay dài 246m này.
Tàu tuần dương Nashville đã bắn chìm tàu đánh cá Nitto Maru, nhưng khi đó, đội hình tấn công của hải quân Mỹ đã bị lộ, điều đó khiến các máy bay B-25 phải cất cánh sớm, cách địa điểm theo kế hoạch ban đầu là 150 hải lý. Việc chần chừ chỉ tạo cơ hội cho quân Nhật tấn công, đẩy toàn bộ lực lượng còn lại của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ vào tình thế nguy hiểm. Doolittle xuất phát lúc 8 giờ 20 sáng và theo sau đó 1 tiếng là 15 máy bay B-25 khác; chiếc nọ xuất phát cách chiếc kia từ 3-4 phút.
10 chiếc máy bay đầu tiên được giao nhiệm vụ tấn công vào Tokyo. Họ tiếp cận mục tiêu ngay sau buổi trưa, ngẫu nhiên vào lúc thành phố này đang chuẩn bị kết thúc một cuộc diễn tập phòng không. Nhiều người dân Nhật Bản khi thấy máy bay Mỹ còn giơ tay vẫy, có lẽ bởi phù hiệu của lực lượng Không quân của Lục quân Mỹ trong thời kỳ đó là một vòng tròn màu đỏ ở giữa, gần giống như lá cờ của Nhật Bản. 6 máy bay khác tấn công vào các mục tiêu ở các thành phố Yokohama, Kobe, Nagoya và căn cứ hải quân Yokosuka.
Các máy bay Nhật đánh chặn không hiệu quả. Hỏa lực phòng không Nhật rất dày nhưng bắn không chính xác. Trong đội hình tấn công này chỉ có máy bay số 10 bị trúng đạn, với một lỗ nhỏ ở phần thân. Tất cả các máy bay B-25 đều ném bom trúng mục tiêu, ngoại trừ máy bay số 4 phải lẩn trốn trước sự truy đuổi của vô số máy bay đối phương do các khẩu pháo của nó bị hỏng. 2 trong số các quả bom mà mỗi máy bay mang theo là bom phá và 2 quả còn lại là bom cháy.
Richard Cole, nay đã 101 tuổi.
Tất cả 4 quả bom trên máy bay của Doolittle là bom cháy bởi vì theo kế hoạch, anh phải bay đến Tokyo ba tiếng trước các phi công khác và phóng hỏa thành phố để hiển thị mục tiêu cho cuộc tấn công diễn ra vào ban đêm. Sau khi ném hết số bom mang theo, tất cả 16 máy bay B-25 bay nhanh ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản vì nhiên liệu đang cạn.
Nhưng nhờ bay xuôi theo chiều gió nên hầu hết các máy bay tham gia trận đột kích đã bay thêm vài trăm kilomet đến được bờ biển Trung Quốc. Thật không may là thời điểm đó tại bờ biển Trung Quốc đang có một trận bão lớn. Do mức độ tuyệt mật của trận đánh, cộng thêm những lúng túng thường xuất hiện trong những chiến dịch tác chiến tầm xa, người Mỹ đã không vạch ra bất cứ công tác chuẩn bị nào để thu hồi các máy bay ở Trung Quốc.
11 trong số các tổ lái phải chọn giải pháp bỏ máy bay. Thomas Griffin, hoa tiêu trên máy bay số 9 kể lại giây phút "hạ cánh" của các chiến binh vừa hoàn thành sứ mệnh: "Cửa dưới bụng máy bay được mở ra và lần lượt từng người một nhảy ra ngoài qua một lỗ đen. Nhảy dù vào ban đêm trong cơn bão là một trải nghiệm mà mọi người không bao giờ quên". Chỉ có Doolittle trước đây đã từng nhảy dù nhưng lần nào anh cũng bị thương; lúc thì gãy xương vai, gãy chân, vỡ xương bánh chè, hoặc mắt cá chân.
Trong lần nhảy dù đặc biệt này, thật may mắn là tất cả mọi người đều tiếp đất an toàn ngoại trừ phi công kỹ sư kiêm pháo thủ của máy bay số 3, đã chết. 4 trong số các máy bay B-25 khác thì đâm đầu xuống đất, 3 chiếc lao xuống nước và 1 chiếc rơi xuống cánh đồng lúa. Phi hành đoàn trên các máy bay số 2 và số 5 không bị thương tích gì, nhưng William Dieter và Donald Fitzmaurice, tổ lái trên máy bay số 6 bị chết đuối ngoài khơi bờ biển Trung Quốc.
Máy bay số 8, do tiết kiệm được nhiên liệu trong toàn bộ chuyến bay nên có thể bay đến tận vùng Vladivostok của Nga. Các thành viên của phi hành đoàn hạ cánh an toàn, nhưng bị giam ở Nga trong hơn một năm trước khi chạy trốn vào vùng núi rồi tìm đường sang Iran vào cuối tháng 5.1943. 8 thành viên của hai máy bay số 6 và 16 bị quân Nhật bắt được. Sau một phiên xét xử qua loa chiếu lệ, 3 người bị đem ra xử tử vào tháng 10.1942. 1 người bị chết đói trong tù và 4 người khác bị tra tấn triền miên, bị biệt giam cho đến tận ngày họ được cứu vào tháng 8.1945.
Với sự giúp đỡ của người dân địa phương ở Trung Quốc, hầu hết các phi hành đoàn tham gia trận đột kích đều tìm được đường về nước một cách an toàn. Thành phố Trùng Khánh từng bị phát xít Nhật ném bom hàng trăm lần nên những người dân ở đây đã rất vui khi có ai đó giúp họ trả thù.... Hậu quả tàn khốc là 250.000 dân thường vô tội sau đó đã bị sát hại.
Doolittle, Cole và 3 đồng đội trong phi hành đoàn hạ dù xuống đất an toàn. Vài ngày sau đó, quân đội Quốc dân đảng trên đất Trung Quốc hộ tống họ lên một máy bay quân sự của Mỹ. Trận đột kích là "một thất bại hoàn toàn", anh nói với Paul Leonard, kỹ sư sửa chữa kiêm pháo thủ của phi hành đoàn. Anh đã tâm sự rằng, không quân Mỹ "sẽ không bao giờ giao cho tôi lái một máy bay khác" và còn chắc mẩm sẽ bị giáng cấp, thậm chí có thể còn bị đưa ra tòa án binh và phải ngồi tù.
Nhưng Leonard lại không cho là như vậy: "Khi anh về nước, anh sẽ được phong quân hàm cấp tướng và còn được ban thưởng Huân chương danh dự". Những gì diễn ra sau này với Doolittle hoàn toàn đúng với lời khích lệ của Leonard.
"Tôi xin kính cẩn ngả mũ trước Jimmy và phi đội anh dũng của anh… Trận đánh của họ là một trong những hành động gan dạ nhất trong toàn bộ lịch sử quân sự" - Đô đốc William Halsey đã cảm khái thốt lên như vậy khi nói về trận đột kích của Jimmy Doolittle cùng đồng đội.
Ngay cả giới chức quân sự Nhật cũng phải thừa nhận trận đột kích này đã khiến Nhật hoàn toàn bất ngờ và bắt đầu nhận ra rằng, "đội quân của Thiên Hoàng" không phải là vô địch. Nóng mặt vì bị đối phương "vào hang vuốt râu hùm", Đô đốc Nhật Isoroku Yamamoto quyết định tấn công đảo Midway, dẫn đến thất bại thảm hại của Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong trận Midway vào tháng 6.1942.
Jimmy Doolittle được thăng hàm vượt hai cấp, trở thành Chuẩn tướng. Hầu hết đồng đội của ông tiếp tục theo đuổi nghiệp phi công đến ngày xuất ngũ.
Tháng 6.2015, cựu xạ thủ, kỹ sư David Thatcher qua đời ở tuổi 94, Jimmy Dolittle cũng qua đời trong năm này. Richard Cole là người còn sống cuối cùng trong sứ mệnh ném bom do Doolittle chỉ huy, nay đã 101 tuổi. Tháng 4.2016, tại Căn cứ San Antonio-Randolph ở bang Texas, ông Cole đã kỷ niệm 75 năm ngày mình và các đồng đội hoàn thành nhiệm vụ ném bom phục thù Trân Châu cảng.
Theo Quốc Hùng (tổng hợp)/ An ninh thế giới