Bài 4: Việt Nam cần chuẩn bị cho một vụ kiện trong tương lai
Hồ sơ - Ngày đăng : 09:58, 26/08/2016
Từ sau khi hai miền Việt Nam thống nhất, đã nhiều lần nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phản đối mỗi khi Trung Quốc xâm chiếm biển bằng cách trình bày bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và nhiều lãnh thổ ở Trường Sa, dưới hình thức tuyên bố hay sách trắng trong những năm 1978, 1979, 1980, 1981, 1982, 1984, 1988 (phản đối Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo vào Hải Nam), 1990, 1991, 1994 (phản đối - không phải yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc - mà là thỏa thuận Trung Quốc ký với Công ty Crestone cho phép Crestone thăm dò thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam), 2012 (phản đối kế hoạch tổng thể quản lý các đảo của Trung Quốc).
Cũng đã có hành động bảo vệ chủ quyền Việt Nam vào năm 1988 khi hải quân Việt Nam được đưa ra bảo vệ Gạc Ma do Việt Nam chiếm hữu ở Trường Sa. Việt Nam đã phải chịu tổn thất với 64 chiến sĩ hy sinh.
Tất cả lời nói và hành động tuyên bố và bảo vệ chủ quyền khiến Trung Quốc không thể nào làm xói mòn chủ quyền của Việt Nam theo thời hiệu.
Trong vụ khủng hoảng giàn khoan dầu HD-981 từ tháng 5 đến tháng 7.2014, Việt Nam đã đưa đến khu vực quanh giàn khoan nhiều tàu kiểm ngư và cảnh sát biển để yêu cầu rút giàn khoan nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền.
Tàu Trung Quốc (phải) dùng vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển của Việt Nam gần vị trí
hạ đặt giàn khoan HD- 981- Ảnh: VOV
Ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục đánh bắt tại khu vực lân cận bất chấp các tàu Trung Quốc quấy rối, giữ khoảng cách an toàn để tránh đụng độ vũ trang với mục đích kiếm sống và khẳng định chủ quyền quốc gia một cách kiềm chế.
Hành động bảo vệ chủ quyền Việt Nam bằng lời nói và hành động này đã giữ toàn vẹn yêu sách của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa và củng cố yêu sách này.
Trên các đá cao hơn mực thủy triều lên ở Trường Sa mà Việt Nam đã chiếm hữu và quản lý trong thời gian dài từ năm 1975-1976 (trước UNCLOS 1982) và theo luật quốc tế truyền thống, thậm chí một số đá nằm trong thềm lục địa hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam có thể xây dựng và mở rộng trên các đá có hình thành diện tích đất một cách tự nhiên (và không phải bãi ngầm ngập trong nước hoặc rạn san hô).
Tình trạng pháp lý của các diện tích đất hay đá này vẫn giữ nguyên và vì vậy, Việt Nam có chủ quyền lãnh thổ với các đá này theo luật pháp quốc tế truyền thống trong khi Philippines chỉ có quyền chủ quyền căn cứ theo UNCLOS và không có chủ quyền trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa do Việt Nam chiếm hữu và quản lý - Ảnh: CNBC
Nhưng tình hình pháp lý đối với các thực thể địa lý ngập trong nước hoặc bãi cạn lúc chìm lúc nổi thì khác.
Việt Nam hay Trung Quốc không thể xây dựng các cơ sở hay các cấu trúc trên các thực thể địa lý ngập trong nước hoặc bãi cạn lúc chìm lúc nổi trong thềm lục địa 200 hải lý của Philippines và hy vọng tạo ra chủ quyền lãnh thổ.
Lý do vì các thực thể địa lý ngập trong nước hoặc bãi cạn lúc chìm lúc nổi là một phần của đáy biển ở thềm lục địa, nơi mà Philippines có quyền chủ quyền với các tài nguyên (nhưng không có chủ quyền lãnh thổ).
Nhưng có ngoại lệ về quyền thụ đắc với kết luận các thực thể địa lý ngập trong nước hoặc bãi cạn lúc chìm lúc nổi không tạo ra chủ quyền lãnh thổ.
Các thực thể địa lý ngập trong nước hoặc bãi cạn lúc chìm lúc nổi ở Trường Sa mà Việt Nam chiếm hữu từ trước năm có UNCLOS (năm 1982) và sau đó, cho đến ngày UNCLOS có hiệu lực năm 1982, tiếp tục quản lý chúng, xây dựng các cấu trúc nhân tạo trên chúng để khiến chúng luôn nổi trên mực nước triều cao (tức là không còn ngập trong nước), chúng có nên được xét là lãnh thổ thuộc quyền tài phán của Việt Nam căn cứ luật quốc tế truyền thống, không áp dụng hồi tố các quy định của UNCLOS đối với quyền thụ đắc của Việt Nam? Và như vậy các thực thể địa lý này cũng có quyền có lãnh hải 12 hải lý hay không?
Và vấn đề cuối cùng là vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Ai không có chủ quyền lãnh thổ đối với một vùng đất đai, bất kể là đá hay thực thể địa lý ngập trong nước/ bãi cạn lúc chìm lúc nổi, sẽ không có quyền hợp pháp thiết lập ADIZ theo luật của LHQ.
Đây nên là lý lẽ chủ yếu của các quốc gia khác chống lại yêu sách của Trung Quốc cho rằng có quyền thiết lập ADIZ trong khu vực Trường Sa.
Kết luận
Như một hệ quả thực tế của phán quyết trọng tài, chắc hẳn Trung Quốc và các quốc gia khác sẽ không có hành động gì, đặc biệt là rút khỏi nơi họ đã chiếm hữu, để làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Trung Quốc cần thời gian nuốt trôi tình trạng mất thể diện, điều này là có thật, và nghĩ xem sẽ làm gì tiếp theo để phục hồi uy tín. Vì vậy các quốc gia khác không nên hành động một cách quá hung hăng vào thời điểm này để tránh những phản ứng dân tộc chủ nghĩa cực đoan từ những người hiếu chiến ở Trung Quốc.
Chắc hẳn vì lý do này mà Mỹ đã khuyên Philippines và các nước Đông Nam Á bình tĩnh và tránh lên tiếng đối đầu. Như vậy Trung Quốc mới có thể ngồi vào bàn đàm phán, trên cơ sở hướng dẫn của phán quyết trọng tài, về các biện pháp hợp tác như cùng phát triển tài nguyên biển, tôn trọng ngư dân các nước, dừng đào bới hủy hoại môi trường để giữ nguyên trạng, qua đó cứu vớt uy tín vốn đã suy yếu của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế.
Do đó, những đề xuất nêu trên về một vụ kiện chỉ là bước chuẩn bị trước cho các tài liệu tố tụng sẽ thực sự được đưa ra vào một ngày khác, không phải bây giờ.
Luật sư - Tiến sĩ Tạ Văn Tài
Tất nhiên, ngay cả khi chúng ta trong thời điểm hiện tại chủ trương kiềm chế trong kiện tụng, Việt Nam vẫn nên nhanh chóng phản đối bất kỳ hành động xâm phạm nào và thực hiện các biện pháp đối phó.
Việt Nam cũng cần khởi kiện kịp thời nếu Trung Quốc lại ngang nhiên xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế (thủy hải sản) hay thềm lục địa (dầu mỏ và khoáng sản ở đáy biển) hay xây dựng trên các đá ngập trong nước hay bãi cạn lúc chìm lúc nổi trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Với các vụ kiện kịp thời này, chúng tôi kêu gọi người đọc chú ý đến - vì vậy chúng tôi sẽ không nhắc lại ở đây - các bài viết trong hội thảo trước đây của chúng tôi (2013 và 2014) để biết thêm chi tiết về nhiều lập luận pháp lý của chúng tôi.
Mục đích để yêu cầu Tòa Trọng tài về luật biển thực hiện thẩm quyền bắt buộc nhằm diễn giải UNCLOS để áp dụng trong xác định các thực thể địa lý, và Tòa án Công lý quốc tế thi hành điều khoản nhiệm ý để đưa Trung Quốc vào vụ kiện của Việt Nam về chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể địa lý.
Luật sư - Tiến sĩ Tạ Văn Tài (Trường Luật Đại học Harvard, Mỹ)
Cẩm Bình (chuyển ngữ)