Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas từng là điệp viên của KGB?
Hồ sơ - Ngày đăng : 05:52, 10/09/2016
Báo New York Times cho biết tài liệu mật do cơ quan lưu trữ Anh quản lý có liệt kê danh sách các đặc vụ của Liên Xô từ năm 1983. Trong đó, ông Mahmoud Abbas (nay là Tổng thống Palestine) được nhắc đến một cách kín đáo thông qua 2 dòng nhận dạng dưới bí danh “Mole” và dòng chữ “đặc vụ KGB”.
Báo chí Israel đăng rầm rộ thông tin trên vào tối 7.9. Sau đó, chính quyền Palestine đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này.
Chạy khỏi Liên Xô, trao tài liệu mật cho Anh
Tài liệu mật có ghi tên ông Mahmoud Abbas nằm trong số tài liệu hàng ngàn trang được một cựu đặc vụ KGB tên Vasily Mitrokhin chạy khỏi Nga sau khi Liên Xô tan rã và trao lại cho cơ quan tình báo Anh.
Mitrokhin đã dành nhiều năm sao chép cẩn thận các tài liệu bằng tay, tạo thành nguồn thông tin quý báu cho các nhà phân tích và các nhà sử học phương Tây. Chúng được gọi tên là “dữ liệu Mitrokhin”. Tập tài liệu dày bằng 2 cuốn sách đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Churchill của Đại học Cambridge (Anh) và được xem công khai từ 2 năm trước.
Hai nhà nghiên cứu Gideon Remez và cộng sự Isabella Ginor thuộc Viện nghiên cứu Truman (Đại học Do Thái ở Jerusalem) đã tìm thấy và công bố tài liệu trên kênh truyền hình số 1 của Israel. Họ cho biết họ tìm thấy tên ông Abbas trong tập tài liệu khi nghiên cứu về vai trò tham gia của Liên Xô ở Trung Đông.
Trong danh sách tham gia KGB năm 1983, tài liệu ghi tên “Abbas, Mahmoud” sinh năm 1935 tại Palestine, đặc vụ tại Damascus (thủ đô Syria). Tài liệu gọi đặc vụ này bằng bí danh “Krotov”.
Tổng thống Mahmoud Abbas quả thực sinh năm 1935 tại Palestine. Năm 1948, gia đình ông chuyển đến Damascus (Syria), nơi ông được nuôi nấng và trưởng thành.
Tập tài liệu thực ra chưa đưa ra thông tin nào đáng chú ý. Tài liệu không cho biết thêm thông tin ông Abbas được chiêu mộ như thế nào và vào lúc nào, ông Abbas đã làm gì cho KGB, có được trả lương hay không và làm trong bao lâu.
Hai nhà nghiên cứu Gideon Remez và Isabella Ginor lưu ý Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov (người gần đây đang làm cầu nối đàm phán cho các nhà lãnh đạo Israel và Palestine) cũng có mặt ở thủ đô Damascus trong thời gian đó.
Tiểu sử chính thức từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Bogdanov đã làm việc tại Damascus từ năm 1983 đến 1989 và trở lại từ năm 1991 đến 1994.
Nhà nghiên cứu Gideon Remez ghi nhận: “Không thể nói rằng ông Bogdanov có trực tiếp liên hệ với Abbas vào thời gian đó nhưng chúng tôi cho rằng ít nhất vị thứ trưởng này biết được vị trí của ông Abbas vì Bogdanov là một chuyên gia về Trung Đông”.
Ngày 25.9.2011 tại Ramallah, người dân Palestine hoan hô phát biểu của Tổng thống Mahmoud Abbas về sự kiện Palestine xin gia nhập LHQ - Ảnh: Getty Images
Israel muốn tung chiêu trò phá hoại Nga
Báo New York Times ghi nhận thông tin ông Mahmoud Abbas có tên trong bảng nhiệm vụ của Moscow hơn 30 năm về trước có thể chỉ là thông tin mang tính khai thác tư liệu lịch sử. Dù vậy, sự việc lại xảy ra khi Tổng thống Nga Putin đang nỗ lực tổ chức các cuộc đàm phán mới giữa Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Một đặc phái viên của Nga đã đến Jerusalem trong tuần này để gặp Thủ tướng Netanyahu. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của Palestine và Israel luôn có bất đồng và sắp tới có thể sẽ không có cuộc đàm phán trực tiếp nào xảy ra.
Nhà nghiên cứu Gideon Remez phát biểu: “Chúng tôi nghĩ nỗ lực của Nga dàn xếp một hội nghị thượng đỉnh giữa ông Abbas và ông Netanyahu trở nên quan trọng, đặc biệt bởi vì ông Abbas đã từng tham gia KGB giống Tổng thống Putin” (Tổng thống Putin mang quân hàm trung tá KGB vào cuối giai đoạn Liên Xô).
Isabella Ginor, cộng sự của Gideon Remez, đánh giá quá khứ của ông Mahmoud Abbas có liên quan tới KGB vì Nga liên tục có khả năng gây ảnh hưởng tới ông: “Chúng tôi không biết sau đó như thế nào và liệu ông Abu Mazen (tên khác của Tổng thống Abbas) có tiếp tục làm việc cho Liên Xô hay không. Nhưng hiện tại, ông ấy là lãnh đạo của Palestine. Sự việc này có thể tác động tới ông Abbas”.
Trong khi đó, chính quyền Palestine đã chế giễu thông tin này và gọi đây là hành động táo tợn ngầm phá hoại ông Abbas vào thời điểm ông đang đối phó với tình hình mâu thuẫn trong nội bộ và tìm kiếm hỗ trợ từ nước ngoài.
Báo Haaretz (Israel) trích phát biểu của ông Mohammed al-Madani thuộc Ủy ban trung ương đảng Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas: “Hiện nay nhiều đối thủ đang có xu hướng làm hại ông Abu Mazen, trong đó có Israel. Đây là hành động nhằm vu khống cho ông ấy”.
Thực ra các quan chức Palestine cho rằng không cần thiết để ông Abbas phải làm đặc vụ cho KGB vì lúc bấy giờ Tổ chức Giải phóng Palestine đã có quan hệ công khai với Moscow. Họ cho rằng ông Abbas phụ trách quỹ hữu nghị Palestine - Liên Xô và như thế tất nhiên ông phải có liên lạc thường xuyên với phía Moscow.
Hai nhà nghiên cứu nêu trên cho biết họ không cố tình đào bới quá khứ của Tổng thống Abbas và thực sự ủng hộ Israel đàm phán với Palestine, tuy nhiên không phải dưới sự giúp đỡ của Nga vì Nga không đáng tin cậy. Gideon Remez nói: “Đó là lý do chúng tôi công khai tài liệu vào thời điểm này”.
Anh Đào