Nội chiến Syria và cuộc chiến trong thành phố bị vây hãm Aleppo
Hồ sơ - Ngày đăng : 10:40, 13/08/2016
Giao tranh ác liệt diễn ra tại thành phố Aleppo trong thời gian qua với sự tham gia của nhiều lực lương quân sự đối đầu khác nhau dường như đã đẩy nội chiến Syria đi vào giai đoạn đỉnh điểm. Đây cũng là giai đoạn thử thách cho nỗ lực cộng tác giữa Mỹ và Nga nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 5 năm qua, làm 400.000 người thiệt mạng (theo thống kê của đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura).
Trong lúc đó, sự hiện diện ngày càng nhiều các tay súng Hồi giáo cực đoan được cho là phần tử khủng bố tại một số khu vực của Aleppo, càng gây thêm rối ren không những cho cục diện giao tranh mà còn cho các cuộc đàm phán giữa hai chính phủ Mỹ và Nga.
Hai khu vực trong thành phố bị vây hãm
Hiện tại, khu vực phía bắc Aleppo đang bị chia ra thành hai khu vực, khu vực phía tây bắc do quân đội chính phủ Syria kiểm soát và khu vực phía đông bắc do liên quân quân nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad chiếm đóng từ năm 2012.
Quân đội chính phủ Syria (đỏ) bao vây khu vực phía đông bắc Aleppo do quân nổi dậy (xanh lá) chiếm đóng - Ảnh: South Front.
Vừa qua, quân đội chính phủ Syria với sự hỗ trợ của không quân Nga đã thành công trong việc bao vây một phần khu vực đông bắc Aleppo do quân nổi dậy kiểm soát và phong tỏa tuyến đường sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Con đường sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến tại Aleppo không chỉ đối với các lực lượng quân sự mà còn với người dân Syria đang bị cách ly do giao tranh tại thành phố này. Đây là tuyến đường duy nhất cho gần 250.000 dân thường kẹt lại trong vùng bị quân đội chính phủ Syria bao vây có thể nhận được tiếp tế nhân đạo hoặc chạy nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Người đàn ông Syria đứng trên đóng đổ nát của nhà mình tại Aleppo - Ảnh: AFP
Theo quan sát của Liên Hợp Quốc, dân thường đang bị mắc kẹt tại Aleppo đã phải sống trong cảnh thiếu thốn lương thực, nước uống và thiết bị y tế.
Theo nhận định của báo Stars and Stripes, tình trạng nhân đạo tại Aleppo nguy cấp đến nỗi Mỹ và Nga phải tạm gác lại các đàm phán về hợp tác chống quân khủng bố tại Syria. Thay vào đó, hai chính phủ đã tổ chức nhiều cuôc họp khẩn về việc mở lại tuyến đường sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Hãng tin Interfax (Nga) dẫn lời Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho biết vấn đề thông đường từ Aleppo sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng được đem ra thảo luận tại một phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 9.8. Ông Churkin cho biết buổi họp gặp phải “một số vấn đề”, trong đó có việc Nga nhất quyết không cho phép tuyến đường này được sử dụng để vận chuyển hàng tiếp tế đến cho quân nổi dậy đang bị bao vây tại Aleppo.
Cho tới nay, tiến trình đàm phán ba bên giữa Nga, Mỹ và Liên Hợp Quốc đang bị chậm lại do những tranh cãi xoay quanh việc đề ra các quy định về giám sát tuyến đường sang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó có quy định khoảng cách tối thiểu giữa các điểm cho phép đóng quân cũng như chỉ định một bộ phận giám sát và bố trí an ninh tại các chốt canh dọc tuyến đường.
Quân nổi dậy liên kết với tổ chức khủng bố Al-Qaeda
Trong khi đó, tại khu vực tây nam thành phố Aleppo, lực lượng Hồi giáo cực đoan đã chọc thủng vòng vây của quân đội chính phủ Syria để tiến gần hơn đến khu vực đang được quân nổi dậy kiểm soát.
Tổ chức Hồi giáo cực đoan được biết với tên Jabhat Fateh al-Sham (Mặt trận chinh phục Syria) tuyên bố tham gia vào nội chiến Syria cũng với mục đích lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Tổ chức này trước đây mang tên Jabhat al-Nusra (Mặt trận al-Nusra) vốn là chi nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Sự kiện tổ chức này đổi tên từ Jabhat al-Nusra thành Jabhat Fateh al-Sham cách đây mấy tuần được các nước phương Tây đánh giá chỉ là "trò bịp bợm" nhằm che mắt động cơ của tổ chức khủng bố này.
Thủ lĩnh Jabhat al-Nusra tuyên bố tách khỏi Al-Qaeda và đổi tên thành Jabhat Fateh al-Sham - Ảnh: Twitter
Theo nhận định của Hassan Hassan, chuyên gia về Syria tại Viện nghiên cứu chính sách Trung Đông Tahrir, tổ chứcJabhat Fateh al-Sham dường như không những đã thiết lập được một hệ thống phân phối tiếp tế mà còn dựng lên một hội đồng xét xử để quản lý các khu vực chiếm được. Chuyên gia Hassan cho biết: “Tổ chức này muốn áp đặt kiểm soát và tìm kiếm ủng hộ từ người dân tại Aleppo bằng cách phô trương sức mạnh quân sự và ra sức tuyên truyền đề lấy lòng dân chúng”.
Sự hiện diện của các tay súng Hồi giáo cực đoan đã gây lo ngại có thể sẽ khiến quân nổi dậy do Mỹ chống lưng bị gộp chung với các phần tử khủng bố. Hoặc cũng có thể quân nổi dậy sẽ bị các tay súng Hồi giáo cực đoan đánh bật khỏi Aleppo.
Các phần tử Hồi giáo cực đoan Jabhat al-Nusra - Ảnh: AFP
Tuy Jabhat Fateh al-Sham đã gặt hái được nhiều thành công trong việc giành được một số khu vực do quân đội chính phủ Syria kiểm soát tại Aleppo, nhưng quân nổi dậy lại cho rằng tổ chức Hồi giáo cực đoan này không có ý định tranh giành các vị trí đã được quân nổi dậy kiểm soát.
Trong khi đó, kế hoạch không kích nhắm vào các phần tử khủng bố của Mỹ gặp nhiều khó khăn do các tay súng Jabhat Fateh al-Sham trà trộn trong dân chúng và quân nổi dậy tại Aleppo. Ngoài ra, tại khu vực tây bắc Syria trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng quân nổi dậy móc nối với các tay súng Hồi giáo cực đoan.
Diễn biến phức tạp tại vùng tây bắc Syria đã gần như khiến cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Washington và Moscow bị phá sản sau khi có hiệu lực chỉ chưa đầy một tháng.
Mỹ và Nga hồi tháng 2.2016 đã đàm phán một thỏa thuận ngừng không kích, đồng thời hai bên đồng ý sẽ ép buộc các lực lượng do Mỹ và Nga hỗ trợ đang giao tranh tại Syria ngừng bắn. Tuy nhiên sau đó, quân đội chính phủ liên tục thất trận nên Moscow phải tiếp tục thực hiện các chiến dịch không kích để hỗ trợ cho quân đội của ông Assad.
Người dân Syria hỗ trợ các nạn nhân bị không kích tại Aleppo - Ảnh: SBS
Trước tình hình này, Nhà Trắng đã lên tiếng phản đối, cho rằng Nga và ông Assad đang lấy nhóm Hồi giáo cực đoan ra làm cái cớ để có thể tiếp tục không kích liên quân nổi dậy. Đối mặt với phản đối của Washington, Nga cho rằng không thể nào phân tách được quân nổi dậy với nhóm Hồi giáo cực đoan trên mặt đất do hai lực lượng này đã liên kết chặt chẽ với nhau.
Tạp chí Stars and Stripes dẫn lời Alexei Borodavkin, đại diện của Nga tại Liên Hợp Quốc, cho biết: “Chúng tôi từ lâu đã kêu gọi Mỹ ra lệnh cho quân nổi dậy ngừng gia nhập vào hàng ngũ của al-Nusra và yêu cầu Mỹ cho biết rõ vị trí đóng quân của quân nổi dậy”.
Kênh ngoại giao Nga - Mỹ không theo kịp nhịp độ giao tranh
Tháng 7.2016, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đề xuất với chính phủ Nga kế hoạch chia sẻ thông tin tình báo. Theo kế hoạch này, hai bên đồng ý chỉ ra cụ thể các điểm đóng quân của các lực lượng giao tranh tại Syria. Kế hoạch này cũng có mục đích phối hợp các đợt không kích của hai nước nhắm vào quân khủng bố. Mỹ còn yêu cầu Nga ép buộc Tổng thống Assad ngừng các đợt không kích.
Một nhóm phối hợp thi hành đã được Mỹ và Nga thiết lập, bao gồm các quan chức quân sự và tình báo. Cùng với đó là một bản đồ cho biết cụ thể vị trí của các lực lượng quân sự cũng được hai bên thông qua. Tuy nhiên, diễn tiến quân sự tại Aleppo lại xảy ra nhanh hơn nhiều so với nhịp độ đàm phán giữa hai cường quốc.
Bắt đầu bằng sự kiện quân đội chính phủ Syria được Nga hỗ trợ hỏa lực đã bao vây thành công Aleppo với việc giành quyền kiểm soát con đường Castello, cắt đứt tuyến tiếp tế duy nhất đến khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Aleppo.
Sau đó vào ngày 6.8, các tay súng Hồi giáo cực đoan đã đánh bật quân đội chính phủ ra khỏi khu vực Ramouseh phía tây nam Aleppo.
Quân nổi dậy đụng độ với quân đội chính phủ Syria tại Ramouseh - Ảnh: AFP
Mặc dù diễn tiến này đem lại hy vọng có thể tiếp viện cho người dân tại các khu vực bị bao vây bằng tuyến đường phiá nam Aleppo, nhưng tình hình giao tranh ác liệt vẫn còn đang diễn ra tại đây khiến cho công việc vận chuyển tiếp tế không thể thực hiện được.
Về phía quân nổi dậy, người phát ngôn của lực lượng này cho biết quân nổi dậy có kế hoạch mở rộng các chiến dịch tấn công chiếm lấy khu vực phía tây Aleppo (đang do quân đội chính phủ Syria kiểm soát) trước khi các lực lượng ủng hộ ông Assad, trong đó có các tay súng người Shiite đến từ Iran và tổ chức Hezbollah từ Liban, kịp phản công.
“Các cuộc giao tranh đang diễn ra nhằm giành quyền kiểm soát các tuyến đường và cửa ngõ ra vào Aleppo. Chúng tôi đang cố gắng mở rộng khu vực kiểm soát đến các phần phía tây nam Aleppo để tiếp tục củng cố những vị trí đang chiếm đóng”, đại tá Abdulsalam Abdulzarak, người phát ngôn của nhóm Harakat Nour al-Din al-Zenki (thuộc liên quân Quân đội Syria tự do) cho biết.
Trước nguồn tin quân nổi dậy có thể sẽ bao vây ngược lại các khu vực do chính phủ Syria kiểm soát, giá cả thức ăn và các mặt hàng tại các khu vực này đã tăng cao.
Người phát ngôn quân nổi dậy cho rằng chính phủ Mỹ đã không hỗ trợ đủ cho lực lượng này trong trận chiến chống lại quân đội chính phủ Syria tại Aleppo.
Mặc dù một số quan chức Mỹ cũng như chính quyền các nước muốn lật đổ ông Assad đã lên tiếng kêu gọi Washington tăng cường hỗ trợ cho quân nổi dậy, trong đó có trang bị súng phòng không để đối chọi lại với máy bay của Syria và Nga, nhưng đến nay Nhà Trắng vẫn ngần ngại làm việc này.
Quan sát tình hình giao tranh tại Aleppo, chuyên gia Jeff White của Viện nghiên cứu chính sách Trung Đông tại Washington, phân tích thành công quân sự mà quân nổi dậy đạt được cho thấy quân đội chính phủ Syria đang có nhược điểm lớn.
“Nhược điểm cốt yếu của quân đội chính phủ Syria đó là lực lượng này tuy có thể dễ dàng giành được quyền kiểm soát các khu vực bằng hỏa lực của Nga nhưng sau đó quân của ông Assad lại gặp nhiều khó khăn để giữ các vị trí đã giành được”, chuyên gia Jess White cho biết.
Huỳnh Hy (theo Stars and Stripes)